Thiết bị y tế mua chỉ hơn 5 triệu bán 114 triệu đồng

21/07/2017 18:47 GMT+7

Đây là một trong nhiều minh chứng Kiểm toán Nhà nước đưa ra để nhận địnhviệc mua sắm trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện trong cả nước đang có sự bất hợp lý.

Tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán năm 2015, khi báo chí đặt câu hỏi có hay không kết quả kiểm toán chuyên đề đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 có số liệu chưa chính xác, gây phản ứng từ lãnh đạo một số bệnh viện và cả Bộ Y tế, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước, cho biết những kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đưa ra đều phản ánh trung thực, dựa trên những bằng chứng hợp lý, hợp pháp, trước khi công bố đã có sự trao đổi với các đơn vị được kiểm toán và có lập biên bản xác nhận.
Ngoài ra, theo ông Hoà, các kết luận kiểm toán được thực hiện theo trình tự quy trình chặt chẽ, có cả bộ phận kiểm soát để làm rõ các thông tin liên quan. “Có thể thông tin khác nhau là ở trên báo chí, còn đến nay, Kiểm toán Nhà nước chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ các đơn vị hay Bộ Y tế nêu ý kiến phản hồi không chấp nhận về kết quả kiểm toán”, ông Hòa cho hay.
Đề cập thêm về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng khu vực 12, đơn vị đã kiểm toán tại 3 Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh của Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum giai đoạn 2013-2015, cho biết việc mua sắm hầu hết đúng quy trình quy định về đấu thầu mua sắm nhưng có hiện tượng giá trúng thầu nhiều thiết bị có sự bất hợp lý, khi so sáng giá nhập khẩu của chính thiết bị đó.
"Tại Gia Lai, chúng tôi kiểm toán một số gói thầu thì thấy kết quả chung giá trúng thầu so với giá ship, tức giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất, cao hơn khoảng 2,53 lần. Một số thiết bị có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4-7 lần, cá biệt có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần, như thiết bị monitor có giá mua 114 triệu nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng”, ông Khương nói.
Ông Khương cũng chỉ rõ, qua nghiệp vụ kiểm toán, xác định việc nhập khẩu thiết bị và các chi phí thủ tục cũng như vận hành thông thường chỉ chiếm khoảng 10% giá trị của thiết bị, tuy nhiên, giải trình từ các đơn vị được kiểm toán cho biết họ không trực tiếp nhận được báo giá từ các nhà sản xuất, mà chỉ thông qua các đơn vị nhập khẩu.
“Không riêng tại Gia Lai, nhiều bệnh viện trong cả nước cũng đã mua trang thiết bị với giá tương đương nhưng không kiểm chứng được giá thực của thiết bị”, ông Khương nói và cho rằng sự bất hợp lý này có nguyên nhân độc quyền về nhà phân phối, trong đó các đơn vị sản xuất chỉ lựa chọn 1-2 nhà phân phối tại Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng các cơ quan quản lý giá của Nhà nước cần phải nắm rõ hơn về việc này để có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách, đồng thời có trách nhiệm cảnh báo ngành y tế đảm bảo quản lý kinh phí nhà nước chặt chẽ hơn, song song với đảm bảo phục vụ nhân dân”, ông Khương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.