Thiết bị lặn tự hành giúp 'tìm lại lịch sử nhân loại' từ xác tàu đắm

06/07/2021 17:00 GMT+7

Tiến sĩ Robert Ballard, người phát hiện ra tàu Titanic, cho rằng thế hệ thiết bị lặn tự hành dưới biển sâu sẽ giúp tìm thấy hàng triệu con tàu đắm.

Trong suốt nhiều năm, các thiết bị lặn kết nối với tàu khảo sát đã tìm ra được nhiều con tàu bị đắm dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, thế hệ thiết bị lặn mới có thể hoạt động độc lập sẽ tạo ra một sự thay đổi mang tính cách mạng cho lĩnh vực này.
Tiến sĩ Robert Ballard, nhà khảo cổ học biển người Mỹ từng tìm được nhiều xác tàu nổi tiếng như Titanic và chiến hạm Đức Bismarck, cho biết thế hệ thiết bị lặn mới được điều khiển từ xa sẽ làm nên cuộc cách mạng cho ngành tìm kiếm tàu đắm, theo tờ The Guardian ngày 4.7. Theo ước tính của UNESCO, khoảng 3 triệu con tàu còn nằm dưới đáy các đại dương.
Ông Ballard cho rằng việc tìm kiếm sẽ diễn ra chóng nhờ công nghệ này và nhờ vào những xác tàu được tìm thấy, con người có thể hiểu thêm về sự sống trên tàu vào thời điểm tàu chìm cách đây hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm trước. "Những chương mới trong lịch sử nhân loại sẽ được tìm lại", ông Ballard nói.
Ông Ballard nói rằng những phương tiện đang được chế tạo có thể hoạt động ở những địa hình cực kỳ phức tạp và gồ ghề, cho phép các nhà khảo cổ học biển khám phá đáy đại dương mà không cần phải tự mình ra khơi. Gần đây, ông đã thực hiện một chuyến thám hiểm khám phá hồ Huron (Mỹ) và tìm thấy một xác tàu của những năm 1800. Toàn bộ quá trình được điều khiển từ trên bờ.
Nhà thám hiểm vừa bước sang tuổi 79 đang trong chuyến thám hiểm thứ 158 để thực hiện nghiên cứu khoa học tại vùng biển sâu ở Thái Bình Dương. Hiện ông sở hữu và vận hành tàu thăm dò Nautilus, một con tàu hiện đại được thiết kế để nghiên cứu về hải dương học, địa chất, sinh học và khảo cổ học.
Là người tiên phong trong việc sử dụng sớm các thiết bị lặn sâu, ông Ballard đặc biệt hào hứng với công nghệ mới nhất vì nó rẻ hơn rất nhiều. Một thiết bị có thể được triển khai từ tàu nhỏ hoặc từ trên bờ, chỉ tốn khoảng vài ngàn USD một ngày thay vì hàng chục ngàn USD.
Các thiết bị này có thể lặn đến nơi sâu nhất và ở đó trong nhiều ngày liên tục. Chúng cũng có thể lặn xuống nhanh hơn nhiều. Ông Ballard nói: “Nếu bạn là một thợ lặn, bạn không thể lặn xuống đáy sâu ngay lập tức. Để đến được tàu Titanic, tôi đã mất 2 giờ rưỡi để lặn xuống độ sâu 4.000 m. Với những phương tiện này, chỉ cần mất hơn một giờ đồng hồ”.

Ngắm xác tàu chiến Mỹ bị đánh chìm trong hải chiến biển Philippines dưới 6.500m nước

Ông Ballard cho biết công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu biển và giám sát môi trường, còn ngành khảo cổ lại áp dụng công nghệ này khá trễ. Ông cho rằng các ngành khoa học xã hội có xu hướng tụt hậu trong việc áp dụng các công nghệ mới vì đó không phải là thế mạnh của họ.
Trong nhiều năm, tiến sĩ Ballard đã mơ ước tìm thấy xác con tàu Titanic bị chìm trong chuyến đi đầu tiên của nó vào năm 1912, và mãi đến năm 1985, trong một nhiệm vụ tối mật của hải quân để khám phá những tàu ngầm hạt nhân bị chìm, ông mới có cơ hội thực hiện giấc mơ đó. Và ông tin rằng đã có thể phát hiện con tàu Titanic sớm hơn nếu công nghệ này xuất hiện sớm hơn.
Kênh National Geographic tháng này xuất bản cuốn hồi ký Into the Deep của ông Ballard, trong đó ông viết về niềm đam mê khám phá đại dương, lấy cảm hứng từ nhân vật thuyền trưởng Nemo của tàu ngầm Nautilus trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Twenty Thousand Leagues Under the Sea (Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển) của nhà văn Jules Verne.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.