'Thiêng' trong 'Thiêng Liêng' là 'Tinh' hay là 'Thánh'?

21/12/2021 17:45 GMT+7

Đôi lời trao đổi với học giả An Chi nhân đọc hai bài Về vấn đề kỵ húy và Về địa danh Thiềng Liềng đăng trên Báo Thanh Niên số chủ nhật.

Trước tiên chúng tôi chân thành cảm ơn sự trao đổi quý báu của học giả An Chi - người mà chúng tôi hân hạnh được quen biết và có mối giao tình gần nửa thế kỷ. Học giả An Chi đồng thời cũng là người mà trong thâm tâm chúng tôi xem là vị thầy khó gặp được trong cuộc đời, qua các cuộc trò chuyện với kiến thức uyên bác của thầy - xin được phép gọi như vậy - đã truyền cảm hứng khiến chúng tôi đến với âm vận học nhằm tìm hiểu nhiều vấn đề trong cách đọc âm Hán Việt.

Nhân đây cũng xin cảm ơn sự góp ý đầy bổ ích của TS Hoàng Dũng (Hội Ngôn ngữ học TP.HCM) về bài Thiềng Liềng, một địa danh ở Cần Giờ có nguồn gốc… lạ kỳ? đăng trên Báo Thanh Niên Online ngày 23.11.2021 của chúng tôi.

Sau đây chúng tôi xin đính chính hai điều.

Thứ nhứt, trong bài Về vấn đề kỵ húy, học giả An Chi có đề cập tới bài viết chúng tôi đăng trên FB cá nhân, nguyên văn bài viết như sau:

Đôi dòng về vận mẫu CANH 庚 và vần YÊNG > ANH/INH/ÊNH trong tiếng Việt nhân đọc bài GHỀNH hay là GÀNH và bài Cò bay thẳng kiếng của học giả An Chi.

Vận mẫu CANH 庚 thuộc tam đẳng, khai khẩu. Trong âm vận học, những chữ thuộc “tam đẳng” đều có giới âm [i], do đó đã được các nhà ngôn ngữ học: Klas Bernhard Johannes Karlgren, Vương Lực 王力, Lý Vinh 李榮, Thiệu Vinh Phân 邵榮芬, Trịnh Trương Thượng Phương 鄭張尚芳, Phan Ngộ Vân 潘悟雲, Edwin George Pulleyblank… phục dựng âm tiếng Hán quan phương thời trung cổ như sau:[i̯ɐŋ], [ĭɐŋ], [iɐŋ], [iaŋ], [ɣiæŋ], [ɯiaŋ], [iajŋ] (Xin xem 韻典網 https://ytenx.org/). Những âm phục dựng này tương ứng với vần YÊNG (Cổ Hán Việt, đối ứng với âm thời Tùy Đường) trong tiếng Việt.

“Y (ÊNG)” chính là âm đối ứng với giới âm [i] trong tiếng Hán quan phương trung cổ. Vận mẫu CANH 庚 trong “Hồng Vũ chính vận” [洪武正韻] đời Minh, có âm phục dựng là [iŋ] (Xin xem 韻典網 https://ytenx.org/), tương ứng với vần ANH/INH/ÊNH (Hán Việt, đối ứng với âm thời Tống Nguyên Minh) trong tiếng Việt. Về diễn biến của vần ANH > INH > ÊNH, học giả An Chi đã bàn rõ trong bài GHỀNH hay là GÀNH. Như chúng ta đã biết, trong phương ngữ Nam bộ còn bảo lưu nhiều âm Cổ Hán Việt, vần YÊNG trong vận mẫu CANH 庚 chính là một trường hợp điển hình. Hiện tượng đối ứng giữa cặp vần ANH « YÊNG như học giả An Chi đã đề cập, chính là hiện tượng diễn biến ngữ âm YÊNG > ANH.

Lâu nay có một sự ngộ nhận phổ biến rằng, âm Hán Việt là âm đối ứng với âm đời Đường, và một số âm/từ trong phương ngữ Nam bộ được cho là âm đọc trại từ âm Hán Việt, như trong hiện tượng kỵ húy. Kỳ thực nó chính là âm Cổ Hán Việt đã thâm nhập vào từ ngữ dân gian (được bảo lưu nhiều trong phương ngữ Nam bộ), về sau trong tiếng Việt toàn dân, những âm này dần dần bị thay thế bằng âm Hán Việt, theo diễn biến ngữ âm của tiếng Hán quan phương. Như YÊNG (yêng hùng) > ANH (anh hùng), KIỂNG (cây kiểng)> CẢNH (cây cảnh)… mà học giả An Chi đã trưng dẫn.

Qua đây có thể thấy, một số nhân danh, địa danh ở miền Nam được cho là do kỵ húy mà đọc trại thành như vậy, thực ra đó chính là âm gốc, về sau theo trào lưu, nhiều âm đọc đã được các nhà Nho đọc theo âm đời Minh, chính là âm Hán Việt ngày nay (dĩ nhiên trong âm Hán Việt ngày nay vẫn còn bảo lưu một số ít âm đối ứng với âm thời Tùy Đường, như ĐỊA trong “thiên địa”, NGHĨA “trong “nghĩa tình”…).

Trong bài trên chúng tôi không hề phủ định hoàn toàn hiện tượng kỵ húy và hoàn toàn nhất trí đề xuất phân biệt hai loại: “âm gốc thuần túy với âm gốc dùng làm âm kỵ húy” của học giả An Chi. Chỉ xin chỉ ra rằng, một số âm Cổ Hán Việt (âm gốc) lại bị từ điển xem là âm “nói trại vì kiêng-húy” một cách chung chung (xin xem Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Việt-Nam tự-điển, nhà sách Khai-Trí, 1970, tr. 1569, mục chữ “thiềng”), do đó đã gây ra ngộ nhận phổ biến trong việc tìm hiểu âm kỵ húy. Ở đây theo lý, tác giả nên định nghĩa như sau để tránh hiểu lầm: THIỀNG là âm cổ của “thành”, về sau thường được dùng làm âm kiêng húy.

Bài viết Về địa danh Thiềng Liềng đăng trên Báo Thanh Niên số chủ nhật ra ngày 19.12.2021 của học giả An Chi

T.N

Thứ hai, trong bài Về địa danh Thiềng Liềng đăng trên báo Thanh Niên số chủ nhật ra ngày 19.12.2021, học giả An Chi viết: “Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ thì chữ THIÊNG (trong thiêng liêng) chính là tiền thân (âm cổ Hán Việt) của âm THÀNH sau này (trong thành tâm, thành tín)”. Ở đây dường như có sự hiểu lầm, trong bài kể trên, chúng tôi chỉ bàn về hai chữ THIỀNG và LIỀNG trong địa danh Thiềng Liềng, mà không hề bàn về chữ THIÊNG trong thiêng liêng. Và chỉ viết: Về từ “liềng”, chúng tôi chưa thấy từ điển tiếng Việt nào ghi nhận, cả hai từ điển đã dẫn ở trên chỉ ghi nhận từ “liêng” với nghĩa “linh” [] (như trong “thiêng liêng”).

Nhân đây xin trao đổi thêm về chữ THIÊNG trong thiêng liêng. Trong bài kể trên học giả An Chi khẳng định thiêng liêng chính là tinh linh 精靈. Như chúng ta đã biết, chữ TINH 精 thuộc thanh mẫu TINH 精, đúng là các nhà ngôn ngữ học đã phục dựng âm trung cổ của thanh mẫu (phụ âm đầu) này là [ts],tương ứng với cách đọc Hán Việt hiện nay là “T”, theo dữ liệu chúng tôi có được, âm cổ hơn lại có trường hợp đọc là “S”. Ví dụ như chữ 醮 SÊU (như trong sêu tết)>TIẾU; 鏃 SẮC (như trong sắc bén) > TỐC.

Chữ TINH 精 đúng như học giả An Chi đã dẫn, được các nhà ngôn ngữ học phục dựng âm tiếng Hán quan phương trung cổ là: tsi̯ɛŋ, tsĭɛŋ, tsiɛŋ, tsiæŋ, tsiᴇŋ, tsiɛŋ. Với âm phục dựng này, âm cổ Hán Việt của chữ TINH 精 hoàn toàn có thể đọc là SIÊNG (trong siêng năng). Tự điển Tiếng Việt 1997, do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa mục từ SIÊNG là “Có sự chú ý thường xuyên để làm việc gì đó một cách đều đặn”. Đây chính là nghĩa chuyển biến của “chuyên nhất” mà sách Cổ kim vận hội cử yếu đã viết (《古今韻會舉要》精,專一也。), dẫn theo Hán ngữ đại tự điển, 2010, tr.3358.

Theo thiển ý của chúng tôi, thánh linh 聖靈 mới chính là hậu thân của thiêng liêng. Xét về mặt âm vận học, chữ THÁNH 聖 thuộc thanh mẫu THƯ 書 (âm phục dựng: [ɕ], tương ứng với phụ âm đầu là “TH” trong âm Hán Việt hiện nay), cũng thuộc vận mẫu 清 (nên cũng tương ứng với vần YÊNG trong âm cổ Hán Việt). Chữ THÁNH 聖 được các nhà ngôn ngữ học phục dựng âm là: ɕi̯ɛŋ, ɕĭɛŋ, ɕiɛŋ, ɕiæŋ, ɕiᴇŋ, ɕiɛŋ. Như vậy chữ THÁNH (âm Hán Việt hiện nay) hoàn toàn có thể đọc là THIÊNG (âm cổ Hán Việt). Về thanh điệu, ở giai đoạn cổ Hán Việt, trường hợp những chữ thuộc thanh điệu khứ (dấu sắc) đọc thành không dấu, không phải là hiếm gặp. Ví dụ như:販 BUÔN >PHÁN; 放 BUÔNG > PHÓNG; 鋸 CƯA > CỨ, hoặc như 醮 SÊU> TIẾU… như vậy 聖 THIÊNG > THÁNH thì cũng không có gì lạ. Về ngữ nghĩa, THÁNH LINH 聖靈 cũng có nghĩa là thần linh. Về sau THÁNH LINH 聖靈 được mượn dùng để dịch khái niệm “Ngôi Ba” trong Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo, tức Chúa Thánh Thần (Công giáo), hay Chúa Thánh Linh (Tin Lành) (xin xem Hán ngữ đại từ điển, 2002, tr.5012).

Trên là đôi dòng trao đổi với học giả An Chi, người viết mong được chỉ bảo thêm. Xin chúc học giả An Chi luôn khỏe mạnh để có nhiều phát hiện mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.