Thiên thạch 4,6 tỉ tuổi mang theo bí mật của sự sống trên trái đất

14/01/2023 20:29 GMT+7

Nghiên cứu mới về thiên thạch rơi xuống Winchcombe, Gloucestershire (Anh) vào tháng 2.2021, cho thấy đây là thiên thạch đầu tiên “ngậm” nước từ ngoài trái đất, từ đó hứa hẹn đang nắm giữ bí mật về nguồn gốc của sự sống.

Thiên thạch Winchcombe

Bảo tàng tự nhiên Anh

Kết quả phân tích mới nhất cho thấy thiên thạch Winchcombe chứa nhiều dạng vật chất hữu cơ. Trước khi lao xuống địa cầu, nó thuộc về một tiểu hành tinh mang theo nước dưới dạng lỏng trên cuộc hành trình trong không gian.

Thiên thạch đầu tiên chứa nước ngoài địa cầu

Đội ngũ do tiến sĩ Queenie Chan thuộc Đại học London (Anh) tìm được những chứng cứ cho thấy thiên thạch Winchcombe có lẽ từng tiếp cận tất cả những vật liệu cần thiết cho việc hình thành sự sống. Thiên thạch này mang theo vật liệu hữu cơ đầy đủ, và chỉ cần tiếp cận nước là có thể xảy ra phản ứng hóa học để chuyển đổi các phân tử thành axít amino và protein.

Với trọng lượng nửa kg, thiên thạch Winchcombe thuộc nhóm hiếm. Hiện chỉ có 4% số thiên thạch được con người thu thập được từ trước đến nay thuộc dạng này.

Có hơn 1.000 người chứng kiến thời điểm thiên thạch lao xuống lãnh thổ Anh, và hình ảnh quay quả cầu lửa trong quá trình di chuyển được lan truyền rộng rãi trên mạng. Trong vòng 12 giờ, các nhà khoa học Anh đã thành công thu hồi thiên thạch này, cho phép hạn chế tối thiểu khả năng thiên thạch bị tạp nhiễm các khoáng chất và nước trên trái đất.

Tiến sĩ Queenie Chan và một mẩu thiên thạch

Đại học London

Kết quả phân tích ban đầu hồi tháng 9.2022 tiết lộ đây là thiên thạch chứa nước ngoài trái đất đầu tiên được phát hiện.

Trong báo cáo mới nhất, thiên thạch Winchcombe có lẽ là thành viên đầu tiên của nhóm thiên thạch mới, chưa từng được nghiên cứu trước đó.

Theo tiến sĩ Chan, trái đất “hứng” thiên thạch quanh năm. Tuy nhiên, thiên thạch Winchcombe là thiên thạch đầu tiên nhận được sự quan sát của nhiều người trong quá trình rơi xuống, và cũng là thiên thạch đầu tiên được thu hồi trên lãnh thổ Anh.

Cơ hội hiếm có

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Meteoritics and Planetary Science, tiến sĩ Chan cho biết nỗ lực nghiên cứu những chất hữu cơ có trong thiên thạch mang đến cơ hội “mở ra cánh cửa nhìn về quá khứ, vào thời điểm những quá trình tương tác hóa học đơn giản nhất lại có thể khởi động cho cội nguồn của sự sống ở hệ mặt trời”.

Các hành tinh trong hệ mặt trời

NASA/ESA

Bà Chan bổ sung việc khám phá sự tồn tại của các phân tử hữu cơ là tiền đề của sự sống như ở thiên thạch Winchcombe cho phép giới khoa học đưa ra suy luận rằng, từng có thiên thạch tương tự rơi xuống bề mặt địa cầu, trước khi sự sống bắt đầu sinh sôi trên hành tinh của chúng ta.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục phân tích thiên thạch Winchcombe nhằm giải mã sự khởi đầu của sự sống trên trái đất. Một báo cáo khác, phân tích mẫu vật từ tiểu hành tinh trong sứ mệnh Hayabusa-2 (Nhật Bản), cho thấy nước trên trái đất có lẽ đến từ các tiểu hành tinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.