“Thiên nga trắng” TU-160

11/05/2008 01:51 GMT+7

Không quân Nga vừa được bổ sung thêm một chiếc máy bay chiến lược Tu-160 thế hệ mới mà người ta đặt cho nó cái tên khá lãng mạn: “Thiên nga trắng”.

Những bước phát triển ban đầu

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tại Liên Xô máy bay ném bom chiến lược đứng ở vị trí thứ hai, bởi ưu tiên hàng đầu của cường quốc này vẫn là thành lập hệ thống tên lửa tấn công chiến lược. Vì thế, đến đầu những năm 70, khi hệ thống tên lửa này đã khá mạnh thì Liên Xô cũng chỉ có vài chiếc máy bay ném bom chiến lược với công nghệ lạc hậu như Tu-95, Myasishchev M-4, không đủ sức vượt qua hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại của Mỹ.

Trong khoảng thời gian này, Mỹ liên tục phát triển, hoàn thiện hệ thống máy bay tấn công chiến lược có khả năng đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Và khi Mỹ soạn thảo kế hoạch thiết kế máy bay B-1 mang tên AMSA (Advanced Manned Strategic Aircraft) vào năm 1965 thì Liên Xô đã có động thái đáp trả. Vào ngày 28.11.1967, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra chỉ thị số N 1098-378 về việc cần thiết phải thiết kế máy bay tấn công chiến lược xuyên lục địa. Loại máy bay này phải đạt tốc độ 3.200 - 3.500 km/giờ với trần bay 18.000 m và tầm bay là 11.000 - 13.000 km. Máy bay phải mang được 4 tên lửa hành trình X-45, 24 tên lửa X-2000 cũng như các loại bom khác với tổng trọng lượng vũ khí là 45 tấn.

Việc thiết kế loại máy bay mới được giao cho Nhà máy chế tạo máy Kulon ở Moscow và Nhà máy chế tạo máy thử nghiệm tại thành phố Zukov. Đến đầu những năm 70, cả hai nhà máy này đã hoàn thành bản thiết kế chiếc máy bay ném bom có 4 động cơ. Tuy nhiên, sau này Nhà máy Tupolev đã tham gia dự án này và bác bỏ hai bản thiết kế nêu trên rồi lấy hình mẫu Tu-144 làm cơ sở cho chiếc máy bay mới. Các kỹ sư của Nhà máy Tupolev tự thiết kế chiếc Tu-160 và nó được phương Tây gọi là “Blackjack”, còn các phi công Liên Xô gọi nó là “Thiên nga trắng”.

Tu-160 được thực hiện theo sơ đồ tích phân, với 2 cánh ghép đều nhau vào phần thân. Độ dài của cánh (từ 35,6 - 55,7m) đảm bảo cho máy bay bay ổn định ở nhiều chế độ (siêu thanh và dưới tốc độ âm thanh). Ở chế độ bay siêu thanh, chiếc máy bay có thể vượt qua được hệ thống tên lửa phòng thủ của đối phương.

Thân của Tu-160 phần lớn được làm từ hợp kim nhôm chất lượng cao, ứng dụng cấu tạo ba lớp. Đặc biệt kết cấu khung bằng titan, có những điểm nối liền cùng hai cánh tạo sự vững chắc cho máy bay. Khung gầm của Tu-160 được thiết kế theo kiểu tam diện với hai bánh trước và một bánh sau với hệ thống phanh bổ sung bằng dù. 4 động cơ NK-32C được bố trí đều hai bên cánh có sức đẩy 100.000 mã lực. Nhiên liệu của Tu-160 là dầu và nó được thiết kế để có thể tiếp dầu trên không. Ngoài ra, các hệ thống định vị, thông tin liên lạc rất hoàn hảo để có thể tìm diệt mục tiêu cả ở mặt đất cũng như trên biển.

Tổ bay 4 người được bố trí ngồi trong một khoang ở phía đầu máy bay với 4 ghế phóng tự động đẩy phi công ra khỏi khoang lái trong tình huống hiểm nghèo từ bất cứ độ cao nào. Bên cạnh đó cũng có hệ thống nhảy dù điều khiển bằng tay để dự phòng. Trong khoang lái có 8 máy tính và các màn hình hiển thị với hệ thống điều khiển bằng tay và điều khiển tự động. Trong máy bay cũng có chỗ nghỉ ngơi, tủ đựng đồ ăn, cũng như nhà vệ sinh cho phi công.

Chuyến bay đầu tiên của

Tu-160 được tiến hành vào ngày 19.12.1981, nhưng mãi đến tháng 8.1987 thì lần đầu tiên nó mới được triển khai. Trong tháng 10.1989 và tháng 5.1990, các tổ bay của lực lượng không quân Liên Xô đã thực hiện một số chuyến bay với Tu-160 và thiết lập 44 kỷ lục thế giới.

Trong quá trình sản xuất hàng loạt Tu-160, phía Liên Xô trước đây và Nga sau này đã liên tục hoàn thiện một số tính năng của nó. Hiện máy bay này được trang bị tên lửa hành trình hiện đại Kh-55, cùng lúc đảm nhiệm nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật tìm diệt mục tiêu các loại trên biển và trên mặt đất. Máy bay này cũng được trang bị tên lửa đẩy Burlac có khả năng phóng các vệ tinh nhân tạo lên độ cao cách mặt đất từ 500 - 700 km.

Sự phục hưng sau thời kỳ buồn thảm 

Những chiếc Tu-160 đầu tiên được biên chế vào trung đoàn không quân hạng nặng 184 tại Pryluke, Ukraine vào tháng 5.1987. Đến năm 1991, tại đây đã có 19 chiếc Tu-160. Sau khi Liên Xô tan rã, tất cả số máy bay này nằm trên lãnh thổ Ukraine mới tuyên bố độc lập và Nga cần phải thành lập mới trung đoàn Tu-160 của mình.

Tuy nhiên, vào tháng 1.1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ký quyết định ngừng sản xuất hàng loạt Tu-160. Tính đến thời điểm này, Nga đã sản xuất 35 chiếc Tu-160. Cũng trong năm 1992, Nga ngừng các chuyến bay chiến lược đến các vùng xa xôi. Trong khi đó, tại sân bay ở Saratov, họ thành lập trung đoàn bay chiến lược 121 và đến năm 1994 đơn vị này nhận được 6 chiếc Tu-160.

Đến năm 1998, Ukraine bắt đầu phá hủy các máy bay Tu-160 theo một chương trình ký kết với Mỹ. Nga lúc đó phần nào đã ngăn chặn được việc này. Vào các năm 1999–2000, hai phía đạt được thỏa thuận khi Ukraine trao cho Nga một số chiếc Tu-160 và

Tu-95 để gán nợ tiền mua khí đốt. Sau sự kiện này, phía Ukraine chỉ còn 1 chiếc Tu-160 nhưng đã bị hư hỏng và được trung bày tại bảo tàng không quân Poltav. Đến năm 2002, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Nhà máy sản xuất máy bay Gorbunov để nâng cấp 15 chiếc Tu-160.

Ngày 18.9.2003, khi tiến hành bay thử nghiệm tại vùng Saratov, chiếc Tu-160 mang số hiệu 01 do trục trặc động cơ nên khi hạ cánh đã bị rơi khiến toàn bộ đội bay thiệt mạng. Sau vụ này, các chuyên gia Nga đã nghiên cứu lắp đặt động cơ mới và đến ngày 12.4.2006 thì Tu-160 được bay thử nghiệm với động cơ NK-32. Chuyến bay thành công tốt đẹp và cho thấy tính vượt trội của loại động cơ mới này.

Tuy nhiên, các đối thủ của Nga chỉ thực sự lo ngại khi vào ngày 22.4.2006, cựu chỉ huy Lực lượng không quân chiến lược Nga – thiếu tướng Igor Khvorov, tiết lộ: Trong quá trình tập luyện, một nhóm máy bay Tu-160 mới từng lọt vào không phận Mỹ mà không hề bị phát hiện. Vào tháng 5 năm đó, chiếc máy Tu-160 thứ 15 được biên chế vào  quân đội Nga. 

Ngày 17.8.2007, Nga bắt đầu khôi phục các chuyến bay tuần tiễu tầm xa và gây nên sự lo ngại của Mỹ cũng như nhiều nước phương Tây khác. Từ đây, lịch sử của Tu-160 bước sang chặng đường mới với nhiệm vụ nặng nề hơn.

Hiện nay, Tu-160 là loại máy bay ném bom chiến lược hàng đầu thế giới. Nó có một số điểm vượt trội so với chiếc máy bay cùng loại của Mỹ là B-1B Lancer. Chẳng hạn, tốc độ cao nhất của Tu-160 là 2.200 km/giờ trong khi B-1B chỉ 1.530 km/giờ. Tầm bay chiến đấu của Tu-160 là 10.500 km, còn B-1B là 5.500 km. Tầm bay xa nhất của Tu-160 là 17.400 km, còn của B-1B là 12.000 km. Sức đẩy động cơ Tu-160 là 100.000 mã lực, còn B-1B là 55.400.

Trong 2 khoang chứa của Tu-160 có thể chứa nhiều loại vũ khí với tổng trọng lượng đạt 22.500 kg, nhưng khi cần thiết có thể chứa đến 45.000 kg, kể cả 6 tên lửa hành trình Kh-55 và Kh-55SM, 12 tên lửa tầm ngắn Kh-15 với đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.  Trọng tải cao nhất của B-1B đạt 34.000 kg trong đó có 24 quả bom B-61 hoặc 24 quả bom B-83; 84 quả bom Mk.82 hoặc Mk.62 hoặc 12 quả bom Mk.65 hay 30 quả bom CBU-87, CBU-89 GATOR, CBU-97...

Tuy nhiên về số lượng thì Mỹ chiếm ưu thế khi có 104 chiếc B-1B, còn phía Nga từ trước đến nay chỉ sản xuất 35 chiếc Tu-160. Và trên thực tế quân đội Nga hiện chỉ có 16 chiếc Tu-160 trong biên chế.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.