'Thiên đường sống ảo' những ngày cuối năm

14/01/2020 07:00 GMT+7

'Thiên đường sống ảo' mà các bạn trẻ tìm đến nhiều nhất trong những ngày này là Lễ hội Tết Việt với đường mai và phố ông đồ ngay tại mặt tiền Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1)...

Bạn muốn tìm một nơi để thỏa thích chụp hình, muốn một nơi thật sự đông vui để “xõa” hết những muộn phiền, căng thẳng của một năm, hay đơn giản là muốn con trẻ được vừa vui chơi, vừa có không gian để học hỏi và khám phá thế giới xung quanh...; hãy đến với đường mai và phố ông đồ.

Đẹp ngất ngây luôn…

Nơi mà các bạn trẻ tìm đến nhiều nhất trong những ngày này là Lễ hội Tết Việt với đường mai và phố ông đồ ngay tại mặt tiền Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1). Từ nơi đây, không biết bao nhiêu bộ ảnh lung linh của các cô gái “má đỏ môi hồng” trong những tà áo dài duyên dáng đã ra đời.
Với tông màu vàng chủ đạo của sắc mai xuân, các cô gái lại chọn cho mình những bộ áo dài theo tông màu đỏ để đọ sắc cùng hoa. Những chàng trai cũng góp thêm bằng sắc áo dài xanh, vàng, trắng… làm đường mai càng thêm rực rỡ, cuốn hút.

Hồi ức với gian bếp xưa

Đi ngang đường mai, lòng người lại rạo rực hẳn lên và đúng như Nguyễn Trần Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, tâm sự: “Không thể nào kìm lòng được. Dù bận đến mấy mình cũng sắp xếp thời gian để đến đây làm bộ ảnh rồi đăng dần đến tết. Đẹp ngất ngây luôn…”.
Năm nay, cây mai cổ thụ ngay trước cổng vào của đường mai đã trở thành điểm nhấn. Nhưng không chỉ có mai, ở đây còn có những tiểu cảnh tái hiện làng gốm, làng lụa, làng mây và làng hương, cộng thêm chiếc cầu nhỏ xinh bắc ngang qua rất thú vị. Hay chiếc cổng làng bằng rơm và tre cạnh những khóm cúc vàng nở rộ, rồi không gian tái hiện ngôi nhà cổ với những vật dụng đã nhuốm màu thời gian…; tất cả đã trở thành vị trí đắc địa để cho ra đời những góc ảnh thần thánh.
“Thiên đường sống ảo” những ngày cuối năm

Các em nhỏ thích thú khám phá nông sản Việt

Xem cảnh... nhớ nhà da diết

4 tiểu cảnh làng nghề được tái hiện tại đường mai không chỉ là không gian để sống ảo, mà qua đó các bạn trẻ còn có cơ hội tìm hiểu về các làng nghề truyền thống.

Tạo dáng bên làng hương

Vừa thích thú với những bức ảnh đẹp bên làng hương, Thùy Trang ngay lập tức gõ trên Google cụm từ “các làng hương nổi tiếng của Việt Nam”, Trang nói: “Thật sự những người trẻ như tụi mình bây giờ nếu hỏi về các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam chắc không nhiều bạn biết. Mình thì hay có thói quen tò mò, nên khi thấy làng hương ở đây mình cũng muốn biết xuất xứ về những làng nghề này. Và mình nghĩ đây cũng là hiệu ứng tốt khi vừa kết hợp giữa vui chơi và tìm hiểu về văn hóa dân tộc”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng rất thích thú với gian bếp xưa cùng những vật dụng nhắc nhớ ký ức tuổi thơ bên bếp lửa bà thổi cơm chiều. Như chùng hẳn lại khi đang háo hức chụp hình, Trần Đặng Kim Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), chia sẻ: “Sắp về quê ăn tết rồi mà sao nhìn những cảnh này lại thấy nhớ nhà da diết, đúng là con người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về”.
“Thiên đường sống ảo” những ngày cuối năm

Duyên dáng bên chiếc cổng làm bằng tre và rơm

“Anh đồ ơi…”

Không gian phố ông đồ nằm ẩn mình bên những cành mai cũng là địa điểm lý tưởng để bạn trẻ “tậu” về những bộ ảnh độc đáo.
“Mình thích nhất là chụp hình với không gian phố ông đồ, vì thấy ông đồ xuống phố là thấy xuân đã về, mùa xuân đăng hình đi xin chữ để cả năm được may mắn. Hơn nữa những ông đồ ở đây đều trẻ cả, nên mình rất ngưỡng mộ”, Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ.
“Thiên đường sống ảo” những ngày cuối năm

Những ông đồ trẻ xuống phố

Đúng như Ngọc nói, không khí ở đây rất đậm chất trẻ nên đến cả ông đồ cũng là những người trẻ, nhiều bạn trẻ còn tinh nghịch gọi: “Anh đồ ơi”. Một trong số đó là Nguyễn Thành Đạt, sinh viên năm nhất Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đạt năm nay 19 tuổi nhưng đã có 5 năm làm ông đồ tại đây, vì anh chàng có niềm đam mê mãnh liệt với thư pháp.
Theo Đạt, khi được mặc bộ áo dài khăn đóng ngồi cho chữ, cậu thấy hạnh phúc vô cùng: “Đến với thư pháp là đến với lời hay ý đẹp, từ đó cũng làm cho bản thân sống tốt hơn mỗi ngày. Hơn nữa, cứ mỗi năm khi cho chữ ở phố ông đồ là mình lại kết nối thêm được nhiều mối quan hệ, vì ở đây lúc nào cũng đông vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.