Thiên đường kỳ lạ

14/12/2023 09:22 GMT+7

Thiên đường không có sẵn, ít nhất là đối với Maldives. Thiên đường của đất nước này được tạo dựng bởi bàn tay con người từ những khắc nghiệt của thiên nhiên.

Vào thiên đường không tốn một xu

Trước khi hạ cánh ở sân bay quốc tế duy nhất của Maldives nằm trên hòn đảo lớn nhất đồng thời là thủ đô Malé, du khách có thể chiêm ngưỡng một vệt dài màu xanh ngọc bích giữa Ấn Độ Dương. Vệt xanh đó là màu nước biển đặc trưng bao quanh các đảo ngầm, đảo nổi, rạn san hô và hàng loạt resort cao cấp tạo nên tên tuổi dường như không có đối thủ cạnh tranh của du lịch Maldives.

Thiên đường kỳ lạ - Ảnh 1.

Khu resort 5 sao Adaaran cách thủ đô Malé khoảng 20 phút đi tàu cao tốc

VADOO

Sân bay Malé rộng lớn với hàng loạt chuyến bay quốc tế tấp nập đưa khách đến hòn đảo này nhưng hạ tầng vẫn còn đơn sơ. Du khách đến và rời máy bay bằng cách đi bộ, không hề có bất kỳ đường ống nào. Hiện nay, từ Việt Nam đi Maldives không có các chuyến bay thẳng, du khách phải quá cảnh ở Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan.

Maldives mở rộng cửa đón tất cả du khách từ khắp nơi trên thế giới. Du khách tới sân bay, trước khi nhập cảnh cần khai báo qua mạng một cách sơ sài nhất có thể, bao gồm tên tuổi, đến từ đâu, lưu trú nơi nào và ở lại bao nhiêu ngày, xong lấy QR Code. Nhân viên xuất nhập cảnh scan QR Code và bạn vào thiên đường mà không mất một xu. Khi rời Maldives, du khách cũng lặp lại các quy trình tương tự.

Những khu resort trên các hòn đảo bé nhỏ ngoài khơi Maldives nhìn từ cửa sổ máy bay

Thông thường, du khách đến sân bay và sau đó di chuyển thẳng ra resort hoặc một khách sạn đặt trước. Bên ngoài sân bay là cảng biển với hàng trăm tàu thuyền đợi sẵn để đưa du khách ra đảo. Bên ngoài sân bay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới là bãi đậu xe, còn ở Maldives là bến tàu. Malé là đảo trung tâm và trải khắp xung quanh thủ đô này có hơn 1.000 hòn đảo nhỏ khác, nhưng chỉ 200 hòn đảo có người ở, nhiều đảo chỉ có du khách mà không có cư dân. Ở Maldives, khi đặt phòng ở các đảo nhỏ, bạn cần phải đặt tàu thuyền ra vào từ khách sạn để việc di chuyển thuận lợi nhất. Cũng cần lưu ý, giá dịch vụ và ăn uống nói chung ở điểm đến này khá cao, ngang bằng với châu Âu.

Trung bình mỗi ngày có 5.102 khách du lịch đến Maldives, dành trung bình 7,7 ngày ở lại; có 38 hãng hàng không quốc tế khai thác các chuyến bay theo lịch trình đến Maldives. Các thị trường khách dẫn đầu ở Maldives gồm Ấn Độ, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức. Năm nay, đất nước này đặt mục tiêu đón khoảng 2 triệu khách quốc tế so với số dân khoảng 500.000 người.


Thiên đường kỳ lạ - Ảnh 3.

Adaaran từng được bình chọn nằm trong top 10 resort đẹp nhất Maldives

NTT

Đất nước chỉ có... nước

Các hòn đảo của Maldives trải dài 822 km như một vòng hoa, với tổng diện tích 90.000 km2 trong đó biển chiếm 99,6%. Đất liền của tất cả các đảo chỉ 298 km2. . Không ít người khi đặt chân đến Maldives, đặc biệt là những du khách Việt Nam - nơi có quá nhiều bãi biển đẹp, sẽ tự hỏi vì sao Maldives trở thành điểm đến thiên đường nổi danh toàn cầu trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đầy trở ngại? Những khu resort giữa biển khơi được xây dựng đơn giản, mái lá dừa, dịch vụ quanh quẩn với lặn ngắm san hô, cho cá mập ăn, ngắm hoàng hôn hay bình minh từ sân căn bungalow và ăn tối. Vòng lặp lại đó có thể khiến du khách ưa sự ồn ào, náo nhiệt thấy chán chỉ sau một đêm. Nhưng không, du khách nhà giàu đã đến đây, và số ngày trung bình họ ở lại 1 tuần đã chứng minh điều ngược lại.

Những khu resort trên các đảo nhỏ, bãi đá san hô là một thế giới khác của Maldives, hào nhoáng, xa xỉ, so với thủ đô Malé còn nghèo. Malé với những con đường hẹp, nhà cửa chật chội, nhiều xe gắn máy và ngập nước. Các con đường ven biển ngập nước triền miên, do thủ đô cũng như toàn bộ đất liền của đất nước này chỉ cách mặt nước biển cao nhất khoảng 2,5m. Do đó, Maldives cũng được cho là đất nước thấp nhất và phẳng nhất trên thế giới.

Các resort ngoài khơi Ấn Độ Dương có giá thấp nhất khoảng 1.000 USD/đêm/căn, trung bình 3.000 USD và nhiều căn lên tới chục ngàn. Đây là nơi hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài khi không có cư dân sinh sống.

Đó là một trong những lý do chính khiến người giàu chọn Maldives làm điểm đến nghỉ dưỡng ưa thích vì nơi này là độc quyền và riêng tư. Nhiều khu nghỉ dưỡng có biệt thự riêng với lối đi thẳng ra bãi biển hoặc thậm chí có hồ bơi vô cực riêng. Đối với người giàu, khao khát sự riêng tư và tách biệt, Maldives mang đến lối thoát hoàn hảo.

Có nhiều lý do để Maldives trở thành thiên đường, bên cạnh riêng tư và độc nhất, không trùng lặp. Đó là biển cả hoang vắng, hệ sinh thái dưới nước được bảo tồn nghiêm ngặt, chẳng hạn các khu resort không được phép để khách câu cá hay đánh bắt xung quanh. Vì thế, du khách có thể cho cá ăn, ngắm cảnh từng đàn cá bơi sát bờ hay ra khơi ngắm cá heo, lặn ngắm san hô... Nhưng cũng không ít du khách đặt câu hỏi, vì sao một đất nước nhỏ bé giữa Ấn Độ Dương, dân số ít ỏi, hạ tầng kém, lại có thể biến đất nước thành thiên đường nghỉ dưỡng được thế giới thừa nhận?

Những người nổi tiếng như Cristiano Ronaldo, David Beckham và Beyoncé đã từng tận hưởng kỳ nghỉ ở Maldives

PV

Do không có đất đai trồng trọt, nên ăn uống ở Maldives khá đắt đỏ, giá dịch vụ cũng thế do định hình du lịch của Maldives là cao cấp. Các đại lý siêu du thuyền cho thuê những biệt thự nổi dài gần 80m với giá 1,5 triệu USD mỗi tuần. Dịch vụ đưa đón bằng thủy phi cơ và tàu cao tốc có giá dao động từ 10 - 20 USD/phút/người. Một chuyến đi 45 phút tới khu nghỉ dưỡng từ thủ đô có thể đắt hơn cả vé máy bay xuyên Đại Tây Dương.

Du khách cũng cần nhớ tôn giáo chính thức của hòn đảo: Hồi giáo. Việc tiêu thụ rượu, thịt heo là vi phạm. Tương tự, ở các hòn đảo du lịch nhưng có cư dân địa phương, khi ở khách sạn bạn chỉ được mặc bikini ở bãi biển khoanh vùng riêng, không được bước ra ngoài phạm vi. Trong khi lưu trú ở resort biệt lập, bạn có thể ăn bận thoải mái với những gì mình muốn, kể cả rượu vang, dù nhân viên đa số là người địa phương. Các khu nghỉ dưỡng này "chơi" theo luật riêng của họ.

Thiên đường kỳ lạ - Ảnh 5.

Nhà thờ Hồi giáo Salman King, lớn nhất Maldives, nằm bên bờ biển ở thủ đô Malé

NTT

Tị nạn môi trường và cái chết của một thiên đường

Được tạo thành từ gần 1.200 hòn đảo, trong đó 200 đảo có người sinh sống, khoảng 160 đảo có khu nghỉ dưỡng và phần còn lại không có người ở. Malé là thủ đô, nằm ở phía bắc trung tâm của chuỗi đảo san hô và có dân số chừng 140.000 người. Maldives là quốc gia không giống bất kỳ quốc gia nào khác.

Bên cạnh thiên đường là những thách thức mà quốc gia thấp nhất thế giới này phải đối mặt trong cuộc chiến sống còn. Trong những năm gần đây, chuỗi 1.192 hòn đảo nhỏ đã trở thành tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải chiến đấu để sinh tồn.

Thủ đô Malé nhỏ bé nhìn từ trên cao. Phía xa là hòn đảo nhân tạo Hulhumale được nối với thủ đô bằng cây cầu dài 1,4 km do Trung Quốc xây dựng, với các tòa nhà vươn cao trên biển xanh. Hulhumale có diện tích gấp đôi Male, nơi sinh sống của khoảng 100.000 người

Cựu tổng thống Maldives Mohamed Nasheed cách đây 15 năm đã cảnh báo người dân rằng họ có thể trở thành những người tị nạn môi trường đầu tiên trên thế giới khi cần phải chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác. Lúc đó, ông muốn Maldives tiết kiệm tiền để mua đất ở nước láng giềng Ấn Độ, Sri Lanka hay thậm chí xa xôi hơn là Úc.

Tuy nhiên, nhiều người có uy tín tại nước này không muốn thế và họ có giải pháp khác khi tìm tài trợ nước ngoài để xây dựng các bức tường bê tông biển để bảo vệ các bờ biển dễ bị tổn thương và khẳng định người dân Maldives sẽ không rời khỏi quê hương.

Quốc gia nhỏ bé Tuvalu trên Thái Bình Dương trong tháng 11 vừa qua đã ký một thỏa thuận trao cho công dân quyền sống ở Úc khi quê hương của họ bị chìm dưới biển. Maldives sẽ không đi theo con đường đó.

Đường phố Malé và khung cảnh du khách tấp nập tàu thuyền ở bến cảng 

NTT

Tuy nhiên, 80% diện tích Maldives chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 1m. Và trong khi những bức tường giống như pháo đài bao quanh các khu định cư đông đúc có thể ngăn sóng, thì số phận của những hòn đảo ven biển mà khách du lịch tấp nập tìm tới là không chắc chắn.

Người tiền nhiệm của Nasheed, Maumoon Abdul Gayoom, là người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về "cái chết của một quốc gia" có thể xảy ra bởi mối đe dọa do mực nước biển dâng cao liên quan đến biến đổi khí hậu, theo AFP.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo vào năm 2007 rằng, mực nước biển dâng từ 18 đến 59cm sẽ khiến Maldives gần như không thể ở được vào cuối thế kỷ này.

Thiên đường kỳ lạ - Ảnh 8.

Những khu nghỉ dưỡng cao cấp giữa biển khơi đang bị đe dọa

NTT

Nỗi lo sợ của Gayoom về việc đất nước của mình cạn kiệt nước uống đã trở thành sự thật khi lượng muối tăng cao thấm vào đất liền, làm hỏng nguồn nước uống được. Gần như toàn bộ 187 hòn đảo nhỏ có người sinh sống trong quần đảo đều phụ thuộc vào các nhà máy khử muối đắt tiền.

Quần đảo Maldives bao gồm một chuỗi các rạn san hô và đảo san hô, là quần đảo độc nhất trên toàn cầu về đa dạng sinh học, sự đa dạng của cấu trúc rạn san hô và phương thức tiến hóa của chúng. Các rạn san hô của các hòn đảo sống động với vô số sinh vật dưới nước và san hô rực rỡ, bảo vệ các hòn đảo khỏi gió và sóng biển. 

Trên những đảo san hô này, người ta xây dựng các khu nhà theo dạng bungalow, trở thành điểm đặc biệt mà cứ nhìn vào đó, du khách biết đây chính là Maldives.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.