Thiên đường của nghệ thuật thứ 9

12/02/2010 15:57 GMT+7

(TNTT>) Từ cuối tháng 6.2009, bảo tàng truyện tranh Angoulême chính thức mở cửa đón tiếp công chúng sau 10 năm đóng cửa để xây dựng lại nhằm mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng.

Xứ sở của Astérix và Obélix lại có dịp tô điểm thêm cho bề dày truyền thống văn hóa đáng tự hào của mình và khách du lịch yêu thích truyện tranh khi đến Pháp, ngoài Paris sẽ không thể bỏ qua Angoulême…


Toàn cảnh "thiên đường" dành cho những người yêu thích truyện tranh - Ảnh: musée BD Angoulême

Vùng đất giàu truyền thống

Không phải ngẫu nhiên mà bảo tàng truyện tranh lại "chọn mặt gửi vàng" tại Angoulême. Angoulême là thành phố thuộc vùng Poitou, Charentes tọa lạc tại miền tây nam nước Pháp, vốn có truyền thống về ngành công nghiệp sản xuất giấy từ thế kỷ XVI. Angoulême cũng là cái tên quen thuộc của những ai đam mê "nghệ thuật thứ 9" khi Liên hoan truyện tranh quốc tế vào tháng 1 hằng năm đã thổi trọn vẹn 35 ngọn nến vào đầu năm 2009. Từ lâu, Angoulême đã được xem là kinh đô của truyện tranh u châu.

Năm 1984, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp lúc ấy là Jack Lang đã công bố quyết định xây dựng Trung tâm truyện tranh và hình ảnh quốc gia tại Angoulême, bao gồm một bảo tàng dành cho truyện tranh, một thư viện truyền thông, một trung tâm hình ảnh kỹ thuật số, một học viện chuyên đào tạo về hình ảnh và tổng hợp hình ảnh (trong đó bao gồm chương trình thạc sĩ ngành Truyền thông nghệ thuật châu u).

Trung tâm được khánh thành vào tháng 1.1990 và nhanh chóng trở thành tâm điểm của ngành truyện tranh châu u qua nguồn tài liệu phong phú và những hoạt động văn hóa thường xuyên trong năm nhằm quảng bá nghệ thuật thứ 9 như triển lãm các bộ sưu tập chọn lọc, tổ chức nhiều cuộc thi, mở nhiều khóa đào tạo chuyên đề truyện tranh và hình ảnh không chỉ dành cho "dân trong nghề" mà cho cả công chúng… Cũng với mục đích nâng cao chất lượng, năm 1999, bảo tàng truyện tranh của trung tâm đã được đóng cửa để kiểm kê và định giá lại các bộ sưu tập đồng thời hướng đến việc xây dựng một bảo tàng mới quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn. Với uy tín ngày càng tăng cao, năm 2008, trung tâm đã đổi tên thành thành phố của truyện tranh và hình ảnh quốc tế.

 

Với thiết kế rất hài hòa, bảo tàng truyện tranh Angoulême góp phần tôn vinh nghệ thuật thứ 9 - Ảnh: musée BD Angoulême

Thiên đường của truyện tranh

Truyện tranh là sự kết hợp giữa văn chương với hình ảnh. Không như những sản phẩm in ấn thông thường, mỗi một cảnh trong truyện tranh có thể được xem là tác phẩm nghệ thuật nhờ vào sự chăm chút kỹ lưỡng của họa sĩ (chính vì thế, giữa tác giả kịch bản với họa sĩ thực hiện trong dòng truyện tranh Pháp-Bỉ, thù lao chia cho họa sĩ luôn cao hơn, thường là 6/4, thậm chí 7/3, trường hợp chia đều giữa Uderzo với Goscinny ở bộ truyện tranh Astérix có thể được xem là một ngoại lệ). Đó chính là lý do cho sự ra đời của bảo tàng Angoulême: truyện tranh xứng đáng được tôn trọng như một loại hình nghệ thuật chính thống.

Khuôn viên 1.300m2 dành cho trưng bày của bảo tàng truyện tranh được chia thành 4 phần chính. Khu vực rộng lớn nhất là về lịch sử của các dòng truyện tranh trên thế giới: Pháp-Bỉ, Mỹ và gần đây nhất là Nhật Bản. Phần tiếp theo trình bày lại những công đoạn thực hiện và hướng dẫn các kỹ thuật viết/vẽ truyện tranh. Tiếp đến là phần giới thiệu các giá trị nghệ thuật của truyện tranh. Sau cùng là khu triển lãm theo chủ đề. Để đảm bảo cho việc bảo quản các tác phẩm, mỗi năm 8.000 bản vẽ và bản in gốc của bảo tàng sẽ được chia ra thành 3 đợt trưng bày xoay vòng. Như vậy, cứ sau 4 tháng, khách tham quan có thể đến xem các tác phẩm mới tại bảo tàng truyện tranh.

Bảo tàng truyện tranh còn bao gồm nhà sách chuyên về truyện tranh với hơn 4.000 tựa sách mới; phòng tư liệu và đặc biệt là thư viện truyện tranh. Thư viện truyện tranh Angoulême là nơi lưu giữ bản lưu chiểu thứ hai của tất cả các thể loại truyện tranh ở Pháp (bản thứ nhất đưa về thư viện quốc gia). Nhờ nguồn sách này và thêm vào quỹ hỗ trợ của nhà nước, đến nay thư viện Angoulême có 43.225 truyện tranh loại khổ lớn, bìa cứng và 115.769 tập sách (dạng in thành nhiều kỳ) cùng hàng ngàn truyện tranh nước ngoài (phần lớn là thể loại manga của Nhật Bản).

Lịch sử của truyện tranh

+ Truyện tranh xuất hiện lần đầu tiên năm 1732 qua các bản khắc châm biếm của họa sĩ người Anh William Hogarth nhằm phê phán những thói hư tật xấu thời bấy giờ. Tiếp đó, ông đã cho in những mẩu chuyện mang tính giáo dục được kể bằng những hình vẽ xếp kế nhau.

+ Tiếp bước Hogarth, tác giả người Thụy Sỹ Rodolphe Töpffer đã sáng tác những câu chuyện hài hước và lồng vào hình vẽ. Tác phẩm của ông vốn chỉ dùng để tặng bạn bè nhưng từ năm 1833, ông cho xuất bản rộng rãi, sau đó được dịch ra và lưu hành ở một vài nước xung quanh. Töpffer cũng là người đầu tiên đưa ra những phân tích về loại hình nghệ thuật mới lạ này: truyện kể bằng tranh.

+ Ban đầu, truyện tranh chỉ là một chuỗi hình vẽ xếp kế nhau và bên dưới mỗi hình là phần văn bản tương ứng. Đến tận đầu thế kỷ XX, các tác giả mới bắt đầu sử dụng những hình tròn đặt kế nhân vật để đưa lời thoại vào thẳng phần hình vẽ. Truyện tranh cũng từ đó mới tìm được phong cách riêng để trở nên ngày càng phổ biến.

Truyện tranh hiện đại sau hơn một thế kỷ phát triển được chia thành 3 dòng chính:

+ Truyện tranh Mỹ: tiên phong trong lĩnh vực truyện tranh nhiều tập về phiêu lưu mạo hiểm, trinh thám, khoa học giả tưởng. Đặc biệt, hình tượng siêu anh hùng trừ gian diệt bạo kiểu Superman, Batman ra đời vào giai đoạn Thế chiến thứ 2 đã đánh đúng vào tinh thần dân tộc của người Mỹ và đạt thành công vang dội.

+ Truyện tranh Pháp-Bỉ: thời gian ban đầu không được công chúng đón nhận nhiệt tình vì lý do "làm hư trẻ con". Nhờ Hergé (Tintin) và Goscinny (Astérix) cùng thế hệ các tác giả tài năng như Peyo (Xì-trum), Franquin (Spirou và Fantasio) mà truyện tranh Pháp-Bỉ dần thay đổi được bộ mặt của mình và ngày nay là một món ăn tinh thần không thể thiếu của những người yêu thích "nghệ thuật thứ 9"

+ Truyện tranh Nhật Bản - manga "đi sau về trước": xuất hiện sau các dòng truyện tranh khác và chỉ bắt đầu được phổ biến trên thế giới từ những năm 80, thế kỷ trước nhưng manga đã có những bước nhảy vọt thần kỳ và trở thành dòng truyện tranh được đọc nhiều nhất. 

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.