Thị trường tết sức mua giảm

18/01/2014 10:22 GMT+7

Những ngày giáp tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tết các tỉnh, thành bắt đầu sôi động. Nhưng, theo các tiểu thương miền Trung, sức mua năm nay so với cùng kì các năm trước có dấu hiệu sụt giảm mạnh...

Những ngày giáp tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tết các tỉnh, thành bắt đầu sôi động. Nhưng, theo các tiểu thương miền Trung, sức mua năm nay so với cùng kì các năm trước có dấu hiệu sụt giảm mạnh...

Thị trường tết sức mua giảm
Gian hàng bánh mứt tết tại chợ Hàn - Ảnh: Diệu Hiền

Huế: đua nhau giảm giá

Năm nay, một năm kinh tế khó khăn nên việc giảm giá sản phẩm được triển khai rộng khắp cho hầu hết các mặt hàng từ thời trang cao cấp cho đến bình dân, đặc biệt có nhiều sản phẩm giảm giá đến 70%. Một số tuyến đường bán hàng thời trang như Hùng Vương, Bến Nghé, Mai Thúc Loan, Bà Triệu…đã trưng lên các băng rôn, quảng cáo khá hấp dẫn người mua, như hàng mới về, giảm giá cực sốc 30% - 70%, hạ giá, bán thanh lý…

Tại các trung tâm mua sắm như Phong Phú Plaza, Trường Tiền Plaza, Thuận Thành Mart…thu hút khách hàng đến tham quan và mua sắm. Hàng trăm mặt hàng được bày bán đẹp mắt, nhiều mặt hàng giảm giá như đồ chơi trẻ em, thú bông, đồ gia dụng, điện máy…có mức giảm giá từ 5 - 40%. “Đây là thời điểm mua sắm lý tưởng và lớn nhất trong năm. Các siêu thị, cửa hàng trưng bày nhiều loại hàng hóa, người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn mua sắm hàng hóa. Mặc dù kinh tế năm nay khó hơn mấy năm trước nhưng năm hết tết đến ai cũng có tâm lý thích mua sắm đồ cho bản thân và gia đình”, chị Nguyễn Thị Như Ý, trú tại phường An Cựu cho biết.

Chợ Đông Ba, trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách. Những ngày lễ, thứ bảy chủ nhật, cận tết, lượt khách lên đến 7.000 - 8.000 lượt. Bà con tiểu thương đã chuẩn bị hàng phục vụ tết, tăng hơn năm ngoái từ 10 -15 %. Trước mắt, hàng áo quần là sản phẩm có lượng khách tập trung đông nhất. Những sản phẩm phục vụ tết như bánh kẹo, bánh mứt thì mới tập kết hàng và chưa bán nhiều.

Ông Nguyễn Văn Cầm, Phó trưởng ban quản lý chợ Đông Ba cho biết: “Thời điểm này bà con tiểu thương tập trung tập kết hàng hóa để phục vụ tết. Thực hiện chủ trương chúng, ban quản lý ra sức tuyên truyền với bà con, phối hợp với đơn vị liên quan như quản lý thị trường nắm giá cả hằng ngày để nắm tình hình biến động giá cả. Đến nay, giá cá có nhích dần lên nhưng không có đột biến, tương đối ổn định. Ban quản lý cũng đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, chi cục thú y, quản lý thị trường vận động, kiểm tra, nhắc nhở về chất lượng hàng hóa, tránh trường hợp bán hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác... đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

Thị trường tết sức mua giảm
Chợ Đông Ba, trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, những ngày cận tết, lượt khách lên đến 7.000 - 8.000 lượt - Ảnh: Tuyết Khoa

Đà Nẵng: giá nhiều mặt hàng bình ổn thấp hơn thị trường

Ngày từ đầu tháng 12, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Công thương và các ban ngành liên quan có nhiều chính sách để bình ổn giá các mặt hàng trong dịp trước tết Nguyên đán. Theo đó, sẽ tổ chức bán thịt heo bình ổn giá trong dịp tết Giáp Ngọ tại 13 điểm, cùng 2 xe lưu động phục vụ các khu đông dân cư và theo sự điều động của UBND TP, với chủ trương giá thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Bên cạn đó, đối với đối tượng công nhân và người dân các xã miền núi, Sở Công thương cũng đã giao cho siêu thị Co.op mart đưa hàng hóa về bán tại 2 xã miền núi (xã Hòa Bắc và xã Hòa Phú, H.Hòa Vang); tổ chức 2 đợt hàng về phục vụ các khu công nghiệp tại Đà Nẵng, các mặt hàng đều có giá thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5-7%.   

Cũng theo Sở Công thương, theo thống kê các tiểu thương ở 8 chợ lớn trên địa bàn TP.Đà Nẵng, gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Mới, chợ siêu thị Đà Nẵng... cũng chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng tiền hơn 150 tỉ đồng để phục vụ người dân dịp tết Nguyên đán.

Tính đến thời điểm này, các mặt hàng tết tại Đà Nẵng cũng đã được bán ra với tốc độ vừa phải. Chị Hoàng Hoa, một tiểu thương bán mặt hàng thời trang ở chợ Cồn chia sẻ, năm nay, lượng người mua không nhiều bằng những năm trước đây cùng thời điểm. Các tiểu thương bán mặt hàng bánh mứt, đặc sản Đà Nẵng tại chợ Hàn cũng chung nhìn nhận tương tự.

Dù vậy, vẫn có một số mặt hàng đã bắt đầu tăng giá nhẹ, kéo theo khá nhiều mặt hàng đồng thời tăng giá theo. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã có chỉ đạo quyết liệt với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: thịt gia súc, gia cầm, bánh, mức, xăng dầu... ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong dịp tết Giáp Ngọ này.

Quảng Nam: 47 điểm bán hàng tết bình ổn giá

Ngày 15.1, Sở Công thương Quảng Nam cho biết, để phục vụ bình ổn giá hàng hóa dịp tết, Sở đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong công tác phối hợp triển khai chương trình. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ tết của các doanh nghiệp gần 188 tỉ đồng, phục vụ tại 47 điểm bán hàng (bao gồm 29 điểm bán tại miền núi và 18 điểm bán tại các vùng còn lại). Số lượng dự trữ: gạo, nếp hơn 4.300 tấn, đường kính 310 tấn, dầu ăn, nước mắm 97.000 lít, mì chính 173 tấn, bánh kẹo, mứt, hạt dưa các loại 532 tấn, thịt gia súc - gia cầm 22 tấn, rau của quả 135 tấn... Hiện nay các doanh nghiệp đang tích cực triển khai mua hàng tạm trữ để phục vụ Tết. Theo nhận định, về cơ bản, thị trường hàng hóa phục vụ tết dự báo sẽ dồi dào và sẽ không thiếu ở bất cứ mặt hàng nào. Tuy nhiên, do nhu cầu, thói quen mua sắm, tích trữ hàng hóa của người dân vào những ngày cận Tết  luôn tạo áp lực lớn về nguồn cung, đặc biệt là một số mặt hàng như mứt, bánh kẹo, hạt dưa, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây, thức uống.

Bên cạnh việc triển khai chương trình bình ổn giá, Sở còn cử ngành chức năng chú trọng kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán các mặt hàng cấm như tiền giả, pháo, đèn trời các loại, thuốc nổ, xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá ngoại... Được biết, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn hỗ trợ lãi suất cho 5 doanh nghiệp phục vụ tết, tổng định mức vốn phân bổ là 40 tỉ đồng. Cụ thể, mức hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với hàng hóa phục vụ tại địa bàn miền núi và 50% lãi suất tiền vay đối với hàng hóa phục vụ tại các địa bàn còn lại, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.

Hoàng Sơn

Diệu Hiền - Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.