Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh lựa chọn môn lịch sử ngày càng tăng

17/05/2022 06:00 GMT+7

Những ngày qua dư luận lo lắng việc học sinh sẽ ít chọn học môn lịch sử. Tuy nhiên, thực tế lại trái với sự lo lắng đó, khi tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội gồm môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân để thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng

Đ.N.T

Vì sao nhiều học sinh chọn tổ hợp môn KHXH ?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh (HS) chọn tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (GDCD) để thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng: năm 2017 là 43%, 2018 là 48%, 2019 là 53%, 2020 là 55,38%, 2021 là 53,38% và năm 2022 là 55,53%. Điều này chứng tỏ HS ngày càng quan tâm đến các môn KHXH, trong đó có môn lịch sử.

Lý giải về xu hướng này, theo các chuyên gia giáo dục, trước hết, đa số HS vẫn lo hoàn tất tốt nghiệp THPT. Thực tế, từ kỳ thi THPT năm 2017 đến nay, điểm tổng bình quân 3 môn của tổ hợp môn KHXH luôn cao hơn tổng điểm 3 môn tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN). Năm 2017 (điểm KHXH: 19,54; điểm KHTN: 15,85), năm 2018 (16,38; 14,38), năm 2019 (17,67; 15,60), năm 2020 (20,11; 19,03), và năm 2021 (20,29; 18,70).

Nhiều thí sinh cho rằng GDCD, lịch sử, địa lý nếu có hiểu biết xã hội, ôn tập có hệ thống, biết vận dụng tình huống và kỹ năng dùng Atlat rất dễ kiếm điểm so với tổ hợp KHTN. Kế đến, là xu hướng tuyển sinh ĐH do các trường tự chủ, đa dạng hình thức xét tuyển. Xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực, diện tuyển thẳng ĐH, xét tuyển bằng học bạ... nên nhiều HS đã biết trúng tuyển ĐH trước khi thi tốt nghiệp THPT. Một bộ phận HS chỉ cần tốt nghiệp rồi đi học cao đẳng nghề.

Ngoài ra, xu hướng ngành nghề thuộc nhóm KHXH đang tăng do nhu cầu của xã hội và sự đam mê của HS. Chẳng hạn, các ngành quan hệ công chúng, marketing, đông phương học, du lịch, ngôn ngữ nước ngoài, báo chí, truyền thông… đang có nhu cầu nhân lực lớn. Đây là một xu hướng tốt bởi vì HS sẽ quan tâm đến các kiến thức xã hội hơn trong đó có lịch sử, địa lý và GDCD.

Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, không nên để xu hướng HS chọn tổ hợp KHXH quá nhiều, vì sẽ mất cân đối nguồn nhân lực, khi tỷ lệ HS chọn tổ hợp KHTN ngày càng giảm, từ 38,01% năm 2017 giảm còn 31,94% năm 2022. Trong khi nền kinh tế xã hội cần nhiều nhân lực về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ, nhất là các ngành nghề liên quan đến công nghệ 4.0.

Tổ hợp có môn lịch sử lớp 10 năm học 2022 - 2023 chiếm đa số

Trước sự lo ngại của dư luận xã hội là môn lịch sử sẽ có ít HS lựa chọn ở lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023, chúng tôi có trao đổi với hiệu trưởng một số trường THPT ở miền Trung, Tây nguyên, nhiều hiệu trưởng cho biết: Trong số các tổ hợp môn mà trường xây dựng cho HS lựa chọn, tổ hợp có môn lịch sử chiếm một nữa hoặc đa số.

Sở GD-ĐT Quảng Trị ban hành Văn bản số 830/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 29.4 về việc triển khai chương trình lớp 10 giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023.

Theo đó, Sở chỉ đạo: Trong những năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, để ổn định tình hình đội ngũ và các điều kiện khác, nhà trường có thể xây dựng các tổ hợp theo hướng chọn đủ một nhóm môn (gồm cả 3 môn), các môn còn lại thuộc tổ hợp môn lựa chọn khác, nhà trường xây dựng phương án để HS lựa chọn tối thiểu một môn/tổ hợp phù hợp với tình hình của đơn vị. Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Các trường tham khảo các phương án sau: (1) nhóm môn KHXH (sử, địa, GDCD, kinh tế và pháp luật) + vật lý + tin học; (2) nhóm môn KHTN (lý, hóa, sinh ) + lịch sử + tin học; (3) nhóm tin học, công nghệ, mỹ thuật + vật lý + lịch sử; (4) nhóm tin học, công nghệ, âm nhạc + vật lý + lịch sử.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Quảng Trị còn cho biết thêm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử cấp THCS, Sở GD-ĐT nhiều năm tổ chức thi tuyển THPT với 3 môn thi: toán, ngữ văn và lịch sử.

Số tiết học lịch sử chương trình mới nhiều hơn chương trình cũ

Ngày 13.5, Đoàn đại biểu Quốc Hội Đà Nẵng tổ chức buổi tiếp xúc cử tri tại H.Hòa Vang, trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc này, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc Hội TP.Đà Nẵng, khẳng định: Dù cho cấp THPT có bắt buộc môn này hay không thì nội dung giáo dục lịch sử cũng tương đối nhiều. Vấn đề là cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn lịch sử ở cấp THPT khiến người dân lo lắng.

Ông Võ Văn Thưởng cho biết thêm, đã đề nghị các cán bộ trong Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Quốc hội thống kê số tiết, thời gian học lịch sử theo chương trình mới với chương trình cũ xem chênh lệch như thế nào. Kết quả rà soát cho thấy: Nếu HS theo hướng không chọn lịch sử ở chương trình THPT thì số tiết dạy môn này mà HS đã học vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ; còn với việc chọn môn lịch sử thì số tiết học nhiều hơn 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương cũng liên quan nhiều tới lịch sử. HS cũng được học lịch sử qua hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử và tổ chức hoạt động các ngày lễ lớn của quốc gia và địa phương.

Mới đây trả lời phỏng vấn báo chí, GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới, bởi vì môn này gần như tích chứa rất nhiều những hạn chế của cách giáo dục cũ, khiến cho người học sợ, chán. Theo GS Giang, với tinh thần đổi mới, chương trình các môn học đều được thiết kế tích hợp theo hướng tiếp cận năng lực chứ không tiếp cận nội dung, tức là không dạy kiến thức cụ thể nhiều. Môn lịch sử không nằm ngoài khuynh hướng này.

Theo đó, môn lịch sử (bao gồm cả Việt Nam và thế giới) đã được dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống được dạy ở giai đoạn THCS. Trong phần đầu của giai đoạn này lịch sử còn được tích hợp với địa lý giúp cho HS hiểu sâu sắc hơn về đất nước và không gian diễn ra các sự kiện lịch sử. Đây là một trong những giải pháp đổi mới rất căn bản. Đặc biệt, chương trình lịch sử trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu làm cho HS yêu và say mê tìm hiểu.

Giải pháp triển khai hiệu quả môn lịch sử

Để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Vũ Minh Giang cho rằng: Thứ nhất, từ người làm công tác quản lý đến giáo viên nhận thức một cách sâu sắc rằng dạy lịch sử mà áp đặt thì sẽ không thành công. Dạy lịch sử cần biết khơi gợi, để cho người học tìm thấy ở đằng sau những trang giáo khoa, bài giảng của thầy cô giáo còn rất nhiều những thứ bí hiểm khác. Khơi gợi việc người ta đi tìm tòi đấy chính là thành công của đổi mới toàn diện và căn bản đối với môn học này.

Thứ hai, tôn trọng người học với ý nghĩa là HS đang học một môn khoa học chứ không phải là học những tín điều “như thế là như thế, không thể khác được”. Muốn truyền đạt một kết luận gì đó thì phải có đủ sức thuyết phục, để HS thấy rằng thầy cô kết luận như thế là đúng đắn, khoa học và chuẩn xác. Với môn lịch sử phải tôn trọng như là một khoa học. Và như vậy, phải tôn trọng người học bằng những ý tưởng sáng tạo. Qua hoạt động giáo dục, phải để cho HS tưởng tượng, phản biện, đưa ra ý kiến sáng tạo.

Ngoài ra, cần có tác động ở bậc vĩ mô, tức là có lẽ phải rất nhiều ngành, nhiều giới tham gia vào giáo dục lịch sử, nhà văn viết tiểu thuyết, các chương trình nghệ thuật, điện ảnh liên quan đến lịch sử của dân tộc.

Từ THPT môn lịch sử theo hướng chuyên sâu, gắn với định hướng nghề nghiệp, tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.