Thi tốt nghiệp THPT: Chi phí hàng trăm triệu đồng để chọn…1 em rớt!

26/07/2022 16:27 GMT+7

Sau khi các địa phương công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hiệu trưởng một trường THPT đã nghỉ hưu nhắn tin cho tôi: 'Phải chăng thi rớt tốt nghiệp bây giờ khó hơn là đậu?'.

Anh dẫn ra mấy ví dụ để nói lên bức xúc của mình rằng học thế mà vẫn đậu tốt nghiệp THPT. Rồi anh kể: “Nhớ năm đầu tiên trường mình, một trường THPT theo mô hình bán công, có học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp, lúc đó chỉ đậu 68%, sang năm thứ 2 được 73%, vậy là đã thấy vui quá luôn! Đến năm 2010 lên được 92%, ui cha mừng quá là mừng!”. Tôi đồng cảm với anh vì có thời gian tôi quản lý một trường “cùng cảnh ngộ”.

Phụ huynh chờ đợi con bên ngoài một hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2022

độc lập

Các trường giờ chỉ hơn thua có đỗ tốt nghiệp 100% hay không!

Giờ đây, xét tốt nghiệp bao gồm điểm thi THPT và điểm trung bình các môn ở học bạ lớp 12 thì kết quả tốt nghiệp tăng mạnh, hơn cả … “bão” giá !

Các trường THPT bây giờ chỉ hơn thua đỗ tốt nghiệp 100% hay không! Tôi biết có địa phương tỷ lệ 99%, 100% học sinh tốt nghiệp là căn cứ quan trọng để phân định danh hiệu thi đua (tập thể lao động tiên tiến hay tập thể lao động xuất sắc). Cũng chính vì thế, cuộc đua “làm đẹp” học bạ ngày càng… khốc liệt. Một bộ phận học sinh tốp trên cạnh tranh để vào trường “hot”, bộ phận học sinh kém thì được nâng điểm học bạ. Điểm học bạ càng cao thì chỉ cần học sinh không bị điểm liệt (nhỏ hơn hoặc bằng 1 điểm) khi thi tốt nghiệp THPT là đậu.

Những ngày này, một nhà giáo chia sẻ với tôi: “Không thi thì có trường dạy không ra gì nhưng thi như vầy thì khác gì đâu!”. Có địa phương gần 2.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chỉ một em rớt. Ở địa phương này có 7/8 trường học sinh đậu 100%. Tôi nhẩm tính, riêng khoản kinh phí chi cho coi, chấm thi, địa phương này mất hơn sáu trăm triệu đồng để chọn ra 1 em rớt!

Những con số cần làm rõ

Từ bảng chênh lệch thứ hạng giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và năm 2022 cho thấy, có tỉnh, thành phố tăng giảm thứ hạng không đáng kể nhưng có địa phương tăng hơn 30 bậc.

Chất lượng giáo dục, khi thầy trò quyết tâm cao và có biện pháp đúng có thể tạo thay đổi ấn tượng. Đó là tín hiệu vui, nhưng ở chiều ngược lại, những nghi ngại là có cơ sở.

Việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các môn học ở học bạ lớp 12, các năm trước đã làm nhưng rồi… để đó. Năm nay tiếp tục có sự chênh lệch, thậm chí rất sâu ở một số địa phương. Kịch tính hơn, có nơi điểm học bạ thì “đội sổ” mà điểm thi vụt lên. Nếu không có đánh giá nghiêm cẩn thì việc “làm đẹp” học bạ e rằng sẽ tiếp tục diễn ra với mức tệ hơn.

Điểm thi càng cao, càng lo – có bình thường?

Sau khi các địa phương công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, giờ là nóng xét tuyển vào đại học, nhất là ở các trường chất lượng cao, trường “hot”.

Đành rằng cân nhắc nguyện vọng chọn trường là việc làm như mọi năm, nhưng, tình trạng trượt nguyện vọng 1 dù điểm cao, có thể coi là bất bình thường do nghịch lý “ 2 trong 1” và hiệu ứng ngược từ quá nhiều phương thức xét tuyển đại học.

Tự chủ đại học là hướng đi phù hợp nhưng điều đó không đồng nghĩa với thiếu sự định hướng, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng. Quản lý giáo dục không theo kịp tự chủ, vô hình trung dẫn đến tình trạng "mạnh ai nấy làm”, đó là buông lỏng quản lý.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng phương thức học bạ

đ.n.t

Bao giờ có kỳ thi ổn định, sự cạnh tranh tích cực, những bài thi năng lực, sáng tạo cho kỳ thi đại học? Làm sao để việc đánh giá quá trình ở THPT là trung thực? Bao giờ tốt nghiệp đại học sẽ có việc làm đúng ngành và cử nhân sống tốt với việc làm đó? Bao giờ một bộ phận học sinh THPT sẵn sàng theo học trường nghề? Bao giờ giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” lại tỏa sáng?

Những điều đọng lại sau kỳ thi, nhiều năm rồi vẫn còn bỏ ngỏ nên sau kỳ thi vốn bình thường lại gây nhiều bất thường, khiến niềm tin vào kỳ thi này bị giảm sút. Giáo dục khi nặng nề chuyện khoa cử thì đổi mới giáo dục mãi bóng lộn những tính từ…

Sau những đề án ngoại ngữ hàng chục nghìn tỉ đồng, tiếng Anh lại… thụt lùi

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn tiếng Anh gây sốc vì tạo “cơn mưa” điểm 10. Năm nay "thôi mưa", lại có đến 446.648 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 51,56%). Sau những đề án ngoại ngữ tiêu tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, chất lượng dạy học bộ môn này không thay đổi là bao. Chương trình lớp 10 năm học 2022-2023, môn tiếng Anh có 9 bộ sách giáo khoa, thầy cô được tập huấn ròng rã, nhưng câu chuyện bên lề vẫn… cứ đợi rồi thời gian trả lời. Còn bây giờ, môn này có điểm học bạ chênh điểm thi 2,12 điểm, số điểm liệt tăng 4 lần so với năm học 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.