Thi đánh giá năng lực: Thí sinh dự thi tăng, sẽ cạnh tranh cao hơn?

Hà Ánh
Hà Ánh
28/03/2022 08:22 GMT+7

Với tỷ lệ 96% thí sinh dự thi trong tổng số hơn 82.000 người đăng ký, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm nay tiếp tục thu hút nhiều người học.

Người dự thi tăng, mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh (TS) bằng phương thức này ra sao? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm sau khi kết thúc đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực.

Thí sinh tăng nhưng chỉ tiêu nhiều hơn

Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã diễn ra đợt 1 sáng 27.3. TS làm bài thi duy nhất theo hình thức trắc nghiệm khách quan trong 150 phút, gồm 120 câu với tổng điểm tối đa 1.200.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), số TS dự thi đợt 1 năm nay tiếp tục tăng mạnh so với các năm trước đó. Với gần 80.000 TS dự thi, đợt 1 năm nay tăng hơn 12.000 TS so với năm 2021, nhiều hơn 20.000 so với năm 2020 và gấp đôi so với đợt 1 năm 2019.

“Tỷ lệ dự thi đợt 1 năm nay ở mức cao, đạt trên 96%. Số liệu trên cho thấy TS biết đến kỳ thi này nhiều hơn. Nguyên nhân quan trọng nữa là do nhiều trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh”, tiến sĩ Chính nhìn nhận.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 27.3

NGỌC DƯƠNG

Năm nay, TS đăng ký dự thi đồng thời với đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Trong đợt 1, hệ thống đăng ký của ĐH này đồng thời tiếp nhận việc đăng ký nguyện vọng của 57 đơn vị trong và ngoài hệ thống. Thống kê sau đợt 1 đăng ký đã có hơn 300.000 nguyện vọng xét tuyển. Năm 2021 hệ thống đăng ký ghi nhận gần 100.000 nguyện vọng xét tuyển vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Số liệu này ở năm 2020 khoảng 60.000, năm 2019 khoảng 50.000.

Dù số TS dự thi tăng nhưng theo tiến sĩ Chính, mức độ cạnh tranh giữa các TS sẽ tùy thuộc vào trường và ngành xét tuyển cụ thể. “TS dự thi tăng nhưng số trường sử dụng kết quả này để xét tuyển cũng nhiều hơn. Với hơn 80 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả thi này, so với năm ngoái tăng thêm hơn 10 đơn vị. Hơn nữa, bản thân nhiều trường chỉ tiêu dành xét tuyển phương thức này cũng tăng lên. Có thể nói các em vẫn có nhiều cơ hội khi tham gia xét tuyển bằng phương thức này”, tiến sĩ Chính phân tích.

Tỷ lệ dự thi đợt 1 năm nay ở mức cao, đạt trên 96%. Số liệu trên cho thấy TS biết đến kỳ thi này nhiều hơn. Nguyên nhân quan trọng nữa là do nhiều trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo nói thêm, số lượng nguyện vọng xét tuyển còn những biến động do chưa gồm những TS đăng ký dự thi và xét tuyển đợt 2. Ngoài ra, sau khi có kết quả thi đợt 1, TS còn thời gian khoảng một tháng để đăng ký bổ sung hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh đăng ký xét tuyển các trường ra sao ?

Nhiều trường ĐH đã nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực này năm nay. ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối thiểu 40% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi này. Ở nhiều trường thành viên, tỷ lệ chỉ tiêu tối đa tiếp tục tăng lên so với năm ngoái: Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành tới 70% chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế - Luật tới 60%, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 50%...

Tỷ lệ thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm nay ở mức cao, đạt trên 96%

ngọc dương

Trong số khoảng 300.000 nguyện vọng vào 57 trường được ghi nhận trên hệ thống đăng ký của ĐH Quốc gia TP.HCM, có trên 22.800 nguyện vọng vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (tăng 164% so với năm ngoái). Trong đó, 4 ngành có số lượng TS đăng ký nhiều nhất gồm: công nghệ thông tin (hơn 5.600 nguyện vọng), kỹ thuật phần mềm (gần 3.600 nguyện vọng), khoa học máy tính (gần 3.400 nguyện vọng) và trí tuệ nhân tạo (hơn 1.500 nguyện vọng). Chỉ tính riêng số lượng TS đăng ký vào trường này cũng tăng 170% so với năm ngoái, số nguyện vọng 1 cũng tăng gần gấp đôi.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng là một trong các địa điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm nay, trường dành khoảng 10% chỉ tiêu (tương đương hơn 800 người) để xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi này. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, một tình trạng chung ghi nhận ở nhiều trường năm trước là TS dự thi đánh giá năng lực có xu hướng xét tuyển tập trung vào các ngành “nóng”. Vì vậy, kết quả xét tuyển thực tế của nhiều trường là chưa đạt chỉ tiêu đặt ra ở nhiều ngành khác. Chẳng hạn, năm ngoái Trường ĐH Công nghiệp tuyển 800 chỉ tiêu nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 300 sinh viên.

Cơ hội xét tuyển vào các ngành cụ thể, tiến sĩ Nhân phân tích: “Những ngành TS tập trung đăng ký nhiều, điểm chuẩn cao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, marketing, quản trị kinh doanh. Các ngành còn lại dù không đủ chỉ tiêu nhưng trường vẫn xác định điểm chuẩn ở mức 700 để đảm bảo chất lượng đầu vào. Năm nay điểm sàn nhận hồ sơ là 650, chỉ tiêu không đổi. Điểm chuẩn sẽ tùy thuộc vào số lượng TS đăng ký và chất lượng điểm thi. “Dù số người dự thi tăng lên nhưng TS vẫn có nhiều cơ hội ở nhiều trường, nhiều ngành”, ông Nhân nói thêm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 phương thức này từ ngày 6.4. Năm nay trường nhận hồ sơ xét tuyển ở 2 mức tùy vào các ngành cụ thể. Trong đó, các ngành nhận hồ sơ từ 650 điểm gồm: công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh và marketing. Các ngành còn lại có cùng mức điểm sàn 600.

Nhiều thí sinh tự tin sau kỳ thi đánh giá năng lực

Bước ra từ điểm thi tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với vẻ mặt rạng rỡ, Lan Anh và Mai Hương (học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho biết khá hài lòng với phần bài làm của mình. Lan Anh nói: “Em tự tin vào khoảng 50% bài làm của mình ở những câu hỏi kiến thức xã hội”.

Nguyễn Phương Nam, TS Trường THPT Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cho hay dùng nguyện vọng kỳ thi này xét vào nhóm ngành ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và tự tin với hơn 70% vào bài làm của mình.

Còn Nguyễn Phương Quyên, Trường THPT Bảo Lộc, bộc bạch: “Đề thi phân hóa nhiều, những câu hỏi tư duy logic khó thế nhưng với sự chuẩn bị kỹ cùng cách phân bổ thời gian làm bài thì em làm kịp để dò lại. Em tin mình sẽ đạt số điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật”.

Thanh Thảo

Điểm chuẩn thi đánh giá năng lực năm 2021: Ngành nào điểm cao ?

Năm 2021, hơn 70 trường ĐH và CĐ sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển.

Trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa điểm chuẩn các ngành từ 700/1.200 điểm trở lên. Trong số 9 ngành có điểm trên mức 900, ngành khoa học máy tính lấy 974 điểm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên có điểm chuẩn ngành cao nhất là 977 ngành khoa học máy tính chương trình tiên tiến, trong khi ngành thấp nhất lấy 610 điểm. Tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, điểm chuẩn các ngành cùng ở mức khá cao, dao động từ 750 - 950 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất cũng là khoa học máy tính định hướng trí tuệ nhân tạo. Các ngành của Khoa Y đều có mức điểm chuẩn từ 971 điểm, riêng ngành y khoa chất lượng cao lấy tới 996 điểm…

Các trường ĐH ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có nhiều mức điểm chuẩn khác nhau. Trong đó, trường lấy điểm trúng tuyển kỳ thi đánh giá năng lực cao nhất năm ngoái là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngành điểm chuẩn cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với mức điểm chuẩn lên tới 1.000. Tuy nhiên cũng tại trường này, nhiều ngành khác có mức điểm từ 750 trở lên. Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển điểm kỳ thi này cho các ngành ngoài sư phạm, điểm chuẩn từ 650 - 892. Các trường ĐH ở TP.HCM như: Công nghiệp lấy từ 700 - 850 điểm, Tài chính - Marketing 750 - 900 điểm, Nông Lâm 700 - 800 điểm, Ngân hàng từ 790 - 875 điểm, Công nghệ từ 650 - 850 điểm, Kinh tế - Tài chính 650 - 750...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.