Theo dấu văn thơ - Kỳ 29: Cuộc “đấu” cầm ca

04/04/2014 09:00 GMT+7

Cuộc “đấu” giữa danh cầm và danh ca Năm Vĩnh - Út Trà Ôn đã đi vào huyền thoại sân khấu cải lương.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 28: Giai thoại 'Dạ cổ hoài lang
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 27: Gánh Sadec Amis của thầy Thận
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 26: Tướng cướp Bạch Hải Đường

 Theo dấu văn thơ - Kỳ 29: Cuộc “đấu” cầm ca
Danh cầm Năm Vĩnh thời trẻ - Ảnh: Gia đình cung cấp

Vì tự ái nghề nghiệp

Nghệ sĩ Năm Vĩnh tên thật là Võ Hữu Vĩnh (1918 - 2005, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) là "ngũ cầm" trong danh cầm Nam bộ, ông đã để lại cho đời bao giai thoại với cây đờn kìm cùng dây hò năm. Nhạc sĩ Thái An, con trai ông Năm Vĩnh rất tự hào vì đến nay chưa có ai đờn kìm bằng tay trái thần sầu như cha anh. Đầu quân ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Năm Vĩnh được ký giao kèo 40.000 đồng, là mức lương cao nhất trên sân khấu thời đó. Nhạc sĩ Thái An cho biết lúc về đoàn Thủ Đô, ông lại ký giao kèo mức lương ngang bằng kép chính Út Trà Ôn - chưa từng có tiền lệ vì lương thầy đờn thấp hơn kép chính.

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô, TP.Cần Thơ - người thực hiện đề tài nghiên cứu về Năm Vĩnh, cho biết Năm Vĩnh là tay đờn hiếm thấy với ngón đờn rất kỳ lạ. Thường các thầy đờn dùng đờn kìm phải dùng tay phải, còn ông khảy đờn bằng tay trái, phát ra âm thanh “vừa lạ, vừa xôm, vừa giòn”.

Theo soạn giả Nhâm Hùng, đương thời ông “vua” vọng cổ Út Trà Ôn từng nói: “Dù ca giỏi, chắc nhịp đến đâu, khi gặp Năm Vĩnh cầm đàn, ông muốn cho ai sống là sống, ông muốn cho ai chết là chết. Mà thực ra ông chưa cho ai chết cả...”. Phải nhắc lại cuộc “đấu” xưa giữa hai bậc kỳ tài mới hiểu hết ẩn ý câu nói của đệ nhứt danh ca. Số là lúc đó cả hai đầu quân cho gánh Thủ Đô, Út Trà Ôn tự tin vào giọng ca trời phú, lại vững nhịp, nên có lần nói ông ca “chấp đờn”. Năm Vĩnh nghe vậy vừa buồn vừa giận. Thế rồi, đêm đó khi Út Trà Ôn lên sân khấu biểu diễn thì Năm Vĩnh đã trổ ngón nghề. Út Trà Ôn toát mồ hôi, cố giữ nhịp khi Năm Vĩnh tung ra những chiêu độc, ngón bí hiểm, khiến khán thính giả lặng im phăng phắc mà đâu biết đấy là “long tranh hổ đấu”. Giới âm nhạc nhận ra, thích thú lẫn ngạc nhiên trước cuộc tranh tài hiếm có này. Kết quả Út Trà Ôn ca rớt, Năm Vĩnh chỉ thắng được một phần tư nhịp song lan dứt câu.

Đêm ấy cả hai thao thức. Út Trà Ôn buồn vì được tôn là “vua” lại rớt nhịp trước mặt bao người. Năm Vĩnh hối hận vì giây phút nóng tính đã tạo tình huống khó xử cho bạn. Thế là không từ mà biệt, Năm Vĩnh âm thầm khăn gói bỏ đi. Khi hai người đôi ngả, Út Trà Ôn nhận ra rằng lúc ông cất tiếng ca không có tiếng đờn của Năm Vĩnh thì giọng ca như bị kìm lại, như lạc điệu. Còn Năm Vĩnh cũng nhận ra rằng tiếng đờn của ông mà không hòa với giọng ca Út Trà Ôn thì trở nên thiếu uy lực. Vì thế khi lập gánh Thống Nhất, Út Trà Ôn đã tìm mời Năm Vĩnh. Và Năm Vĩnh đã gật đầu, cách đối xử của bậc tài danh đã tạo nên một huyền thoại đẹp trong giới cầm ca.

Cả hai ông đã để lại bài vọng cổ Thái sư Văn Trọng huyền thoại. Bài này chỉ có chất giọng trời phú của Út Trà Ôn mới “trị” được. Nhưng Út Trà Ôn ca bản này phải có Năm Vĩnh khảy đờn trên dây hò năm mới đưa bài ca lên tuyệt đỉnh. Ngược lại, Năm Vĩnh khảy đờn bản này phải là Út Trà Ôn ca mới đưa cung đờn lên bậc thượng thừa.  

Danh cầm đàn tay... trái

Tiếng đờn của Năm Vĩnh rất lạ, lúc lả lơi, lúc cuồng nộ, lúc bi hùng, lúc oán giận... Nhưng ở bất cứ giai điệu nào thì người mộ điệu và giới tài tử nhận ra tiếng đờn của ông mang âm hưởng rất hiền, như một "quân tử" cầm. Ngoài Út Trà Ôn tán dương, bậc kỳ tài Phùng Há từng thổ lộ với các bạn diễn rằng hôm nào trong gánh vắng Năm Vĩnh thì khi ra sân khấu tâm trạng bà bồn chồn còn khi thấy Năm Vĩnh ngồi ôm cây đờn thì bà vững bụng.

Nhạc sĩ Thái An cho biết ba anh theo học nhiều thầy, ông và Văn Vỹ là con nuôi của thầy đờn nổi danh Hai Phát. Nhưng lạ lắm, lúc học các loại khác ông dùng tay phải nhưng khi học đờn kìm ông lại dùng tay trái khảy nên bị các thầy la rầy phá cách. Nhưng nhiều lần nghe cách đờn lạ lùng quá nên thay vì la trò, các thầy lại khuyến khích Năm Vĩnh đờn kìm bằng tay trái.

Nhạc sĩ Thái An nhớ lại: “Dây hò năm trên cây đờn kìm do ba tôi chế vào năm 1949 tạo nên nét mới lạ độc đáo cho sân khấu, cho đến nay rất ít người đờn được dây này. Năm 1964, ba tôi tìm cách chế đàn cải lương trên cây đàn tây hạ uy cầm và ông đã thành công. Ông dùng điệu đờn trên hạ uy cầm trong tuồng Khi hoa anh đào nở cho đoàn Thúy Nga rất hay và lạ, sau đoàn Dạ Lý Hương, Thái Dương có thu cassette hạ uy cầm cho tuồng Tuyệt tình ca, Bạch Hải Đường. Có thể nói kiểu đờn này như luồng gió mới thổi vào sân khấu cải lương, nhiều thầy đờn khác đã theo cha tôi dùng cây đờn và học lối đờn mới này”.

Thanh Dũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.