Theo dấu văn thơ - Kỳ 20: Gió miền biên ải

07/02/2014 00:30 GMT+7

Bài vọng cổ Sầu vương biên ải và vở cải lương Hai chuyến xe hoa đã một thời làm mưa làm gió tại các rạp hát miền Nam và tạo cơn sốt khi phát hành đĩa nhựa.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 19: Cánh đồng mùa len trâu
>> Theo dấu văn thơ: Gà nòi Cao Lãnh
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 17: Nghề võ ở Thất Sơn

 Theo dấu văn thơ - Kỳ 20: Gió miền biên ải
Vở cải lương Hai chuyến xe hoa - Ảnh: T.L

Lừng danh một thời

Thái Thụy Phong, soạn giả hai vở tuồng ấy xuất thân ở làng quê xứ lụa Tân Châu, An Giang. Sầu vương biên ải có lời mở đầu nghe tê tái: Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh/Chốn quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng/Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền/Để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận... gắn liền với tên tuổi 2 danh ca đã tạ thế là ông hoàng vọng cổ Út Trà Ôn và hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài.

Còn vở tuồng xã hội Hai chuyến xe hoa do gánh Thanh Minh - Thanh Nga diễn liên tục 19 đêm vẫn nườm nượp khách. Đây là chuyện lạ thời ấy vì thông thường một tuồng chỉ diễn được vài hôm phải thay vở khác. Lúc ấy, Hoàng Anh Tuấn, đạo diễn cuốn phim nổi tiếng Xa lộ không đèn, đã thương lượng mua lại tuồng, dựng thành phim Hai chuyến xe hoa.

Theo cuốn Tân Châu xưa do Nguyễn Văn Kiềm biên soạn, Thái Thụy Phong tên thật là Thái Văn Bì, sinh năm 1921 tại xã Long Phú, H.Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Năm 1940, vì sinh kế ông sang Nam Vang (Campuchia) dạy học, năm 1945 ông về Sài Gòn tiếp tục nghề này. Thuở còn đi học, ông có khiếu về âm nhạc. Năm 1950, ông là soạn giả nổi danh khắp miền Nam, được nhiều người ái mộ, với các vở tuồng như Muôn dặm tìm chồng, Bạch Viên Tôn Các, Sầu vương đáy mộ, Ngày về cố quận...

Tìm về dòng kinh Vĩnh An, nơi chôn nhau cắt rốn của Thái Thụy Phong, nay đã nhiều biến động. Nhà xưa của ông nay mất dấu vết bên dòng đời tấp nập. Còn con kinh đào giờ đã lấp lại thành khu dân cư, nhà cửa đông đúc chẳng còn lại nét xưa. Cánh văn nghệ sĩ địa phương cho biết nghe truyền lại, ngày xưa Thụy Phong là cháu của một thầy thuốc có tiếng ở Tân Châu. Họ còn nói Thụy Phong có người em tên Thái Văn Nem. Sở dĩ có tên lạ vậy do ngày xưa thân phụ soạn giả thích nhậu lai rai với bì và nem.

Nổi danh ở Sài Gòn

Thái Văn Bì lên Sài Gòn dạy học, đưa vợ con lên vùng đất mới. Tại đây, ông lại có duyên nợ cùng âm nhạc, nên lấy nghệ danh là Thái Thụy Phong, theo như ông giải thích là cơn gió mát lành. Theo soạn giả Kiên Giang thì phần lớn do Thụy Phong tự mày mò rồi học hỏi thêm từ bạn bè, do có năng khiếu lại trui rèn nên thành danh.

Giữa Thái Thụy Phong và soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà là cả một trời kỷ niệm. Ngày ấy, trên Sài Gòn những con người tài hoa xa xứ như có duyên nợ gặp nhau, ấy là Sơn Nam, Thái Thụy Phong và Kiên Giang cùng ở chung căn gác trọ. Nhà thơ Kiên Giang và Thái Thụy Phong đã hợp tác soạn vở Con đò Thủ Thiêm, được trình diễn trên sân khấu Thúy Nga, rất ăn khách. Sau đó Hà Triều, Hoa Phượng cũng chuyển đến ở. Lúc ấy, Thụy Phong và Kiên Giang đã có tên tuổi trong giới bầu sô gánh hát, còn Hoa Phượng, Hà Triều là hai lính mới, phải nhờ hai đàn anh dìu dắt viết tuồng. Bây giờ, tất cả đã là người thiên cổ, còn lại Kiên Giang tuổi xế chiều với bao nỗi niềm.

Tháng 6.2013, khi liên hệ với Kiên Giang, ông nói rất có thể cuối năm 2013 sẽ về An Giang vui sống cùng cháu con. Bây giờ gọi lại, mạn phép hỏi, nhà thơ than chưa về được vì đang điều trị bệnh ở Sài Gòn. Nghe nhắc đến tên Thái Thụy Phong, Kiên Giang hoài cảm: “Ông ấy rất hiền, tính tình điềm đạm, phong cách đúng là nhà mô phạm, sống có trách nhiệm. Ông ấy soạn tuồng hay, ăn khách nên hồi đó các hãng đĩa lớn lôi kéo nhưng ông ấy về đầu quân cho hãng nổi tiếng Asia”. Nói xong, ông thì thầm: “Mà con ơi, cải lương tuồng xưa bây giờ còn ai mê đâu mà nhắc lại chi thêm buồn”.

Khi Thụy Phong mất vài ngày, Kiên Giang đã viết bài trên báo Tia Sáng nhớ người bạn xưa: “Trên sân khấu Thúy Nga, tôi và soạn giả Thái Thụy Phong là đôi bạn đồng hành, thường sát cánh nhau từ lúc sân khấu này vừa được tượng hình cho đến khi chánh thức khai trương. Lúc ấy Thành Được còn là một kép cay của sân khấu Vĩnh Viễn. Bích Sơn là một nghệ sĩ Bắc mới di cư vào Nam. Chúng tôi quyết tâm làm một cuộc thực nghiệm đường lối “trẻ trung hóa” sân khấu với sự hiện diện của anh kép trẻ và một cô đào mới... Ít ai biết thiện chí và ý thức cầu tiến của Thái Thụy Phong trong vai trò phụ tá giám đốc kỹ thuật của đoàn Thúy Nga”.

Kiên Giang lại bùi ngùi, ngày xưa năm 1968, ông cùng bạn bè tiễn đưa Thụy Phong về chốn vĩnh hằng. Rồi sau đó lần lượt khóc than đưa tiễn Hà Triều, Hoa Phượng, Sơn Nam về cõi  thiên thu. Những cuộc chia ly vĩnh quyết ấy đều đau đớn, các nghệ sĩ ra đi đều trong cảnh đói nghèo...

Mà nói chi xa xôi, Kiên Giang vừa trải qua những phút khó khăn trong đời. Tuổi già sức yếu, ông bị té gãy xương đùi, vừa được chuyển qua Bệnh viện An Bình (TP.HCM) điều trị. Cơ khổ vẫn chưa buông tha ông già ở tuổi 84, bởi trước đó, ông bị trộm lấy mất mấy triệu đồng...

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.