Theo dấu người xưa - Kỳ 11: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

16/09/2012 03:00 GMT+7

Về huyện Tân Trụ (Long An) mà chưa đến thăm di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thì quả là một thiếu sót…

Không có gì lý thú, xúc động cho bằng khi được tận mắt chứng kiến những mảnh gỗ, mảnh sắt còn sót lại của chiến hạm L’Espérance bị Nguyễn Trung Trực đánh chìm cách đây 151 năm - lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chống Pháp của phong trào Cần Vương, quân ta tấn công và đánh chìm một chiến hạm của Pháp.

Tại đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Vàm Nhựt Tảo (Long An) có nhiều bức tranh vẽ Trương Định, Nguyễn Trung Trực rất đẹp. Có điều, tranh vẽ chân dung Nguyễn Trung Trực “hơi bị… già” so với tuổi thực của ông. Bức tranh vẽ cảnh Nguyễn Trung Trực hiên ngang giữa pháp trường: chân đi trên chiếu hoa, đầu ngẩng nhìn trời (không thấy ghi tên họa sĩ). Chi tiết “chiếu hoa” ngờ rằng như tưởng tượng - chẳng qua vì tôn kính vị anh hùng này quá, họa sĩ mới vẽ như thế. Nhưng nhiều giai thoại cho rằng: vùng Tà Niên chuyên nghề dệt chiếu, ở đó cũng là căn cứ địa của Nguyễn Trung Trực, chính phó tướng Lâm Quang Ky là người dân vùng này, nên khi nghe Nguyễn Trung Trực bị giặc đem về Rạch Giá hành quyết, người dân Tà Niên (nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành - Kiên Giang) đã bất chấp địch trả thù, họ đem chiếu hoa trải suốt dọc đường người “vị quốc vong thân”.

 
Mô hình tái hiện trận đánh - Ảnh: H.Đ.N

Hỏa hồng Nhựt Tảo

Vàm Nhựt Tảo là nơi gặp nhau của sông Vàm Cỏ và rạch Nhựt Tảo, nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ (Long An). Lúc Nguyễn Trung Trực chỉ huy trận đánh này thì ông mới 22 tuổi (ông sinh năm 1839) nhưng nhờ giỏi võ nghệ, can đảm từng lập nhiều chiến tích dưới trướng Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, nên được điều về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An.

Thời đó, mỗi chiếc tàu chiến của giặc Pháp là một “pháo đài di động” bất khả xâm phạm và chiếc tiểu hạm L’Espérance (Hy vọng) án ngữ ngay ngã ba sông Vàm Nhựt Tảo như một cái gai làm “xốn mắt” nghĩa quân và nhân dân trong vùng. Đó là một chiếc tiểu hạm bằng gỗ, có chỗ bọc đồng chạy bằng hơi nước, trang bị một đại bác và nhiều vũ khí đa năng, thuộc lớp tàu tối tân của hải quân Pháp thời ấy. Chỉ huy tàu là viên trung úy Parfait cùng 42 lính.

Những ngày đầu tháng 12.1861, Nguyễn Trung Trực đã lên một kế hoạch thông minh và táo bạo để nhổ “cái gai” này. Trước tiên, ông nhờ các hương chức làng Nhựt Tảo “cố vấn” cho đám lính Pháp đang phải chịu đựng cái nắng khủng khiếp là nên dùng lá dừa lợp mái tàu cho mát. Sáng ngày 10.12.1861 các bô lão của làng lại mời các quan “Lang Sa” lên bờ tham dự buổi hát bội (thực chất là phân tán lực lượng của địch), lại cho vài “du kích” ra khiêu chiến khiến trung úy Parfait bỏ thuyền, dẫn theo một toán lính truy kích.

Trận đánh được Giám đốc Nội vụ Pháp ở Nam kỳ Paulin Vial thuật lại: “Lúc giữa trưa ngày 10 tháng 12… Bốn hoặc năm chiếc ghe lớn có mui thả trôi theo hông tàu. Đoàn thủy thủ nghỉ ngơi trên sàn tàu không nghi ngờ gì. Viên sĩ quan phụ tá thò mình ra cửa sổ vì tưởng rằng người buôn bán muốn xin thị nhận giấy phép lưu thông. Người vô phước này đã bị giết bằng một mũi giáo vào ngực. (Rồi) đoàn người đột kích (bỗng) la hét khủng khiếp. Vài phút sau, sàn tàu tràn ngập hơn 150 người An Nam cầm giáo, gươm và đuốc. Một cuộc giáp chiến không tương xứng diễn ra. Trong vài phút, lửa bắt qua mái rơm của chiếc tiểu hạm và cháy lan mau chóng. Bị lửa táp, những người giao chiến nhảy bổ xuống sông hay chui vào những chiếc ghe. Năm thủy thủ gồm 2 người Pháp và 3 người Tagal không khí giới, trốn lên một chiếc ghe, chèo thục mạng. Từ xa họ thấy chiếc L’Espérance nổ tung mà những mảnh vỡ văng ra tận hai bờ sông…”.

Kết quả: 17 lính Pháp và 20 cộng sự bị giết chết, chỉ có 5 người trốn thoát (2 Pháp, 3 Tagal - tức lính đánh thuê người Philippines). Bên ta có 4 nghĩa quân hy sinh. Trung úy Parfait vì không có mặt trên tàu nên thoát chết, y được nhóm người chạy thoát báo tin và đến tàu Garonne xin thêm quân tiếp viện, rồi trở lại làng Nhựt Tảo, đốt phá ngôi làng thành bình địa, sau đó y cho xây một bia tưởng niệm ở bờ sông.

“Kiếm bạt Kiên Giang” và cái chết của người anh hùng

Bảy năm sau, vào nửa đêm ngày 16.6.1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân đánh úp đồn Kiên Giang, giết chết 5 sĩ quan Pháp (trong đó có Chủ tỉnh Rạch Giá) và 67 lính, thu được hơn 100 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn dược. Đồn Kiên Giang bị nghĩa quân chiếm giữ... Hai ngày sau, quân Pháp từ Vĩnh Long do thiếu tá A.Léonard Ansart mở cuộc phản công, tái chiếm Rạch Giá. Trong đội quân này, có đại úy Dismuratin chỉ huy phân đội Thủy quân lục chiến, trung úy Taradel chỉ huy phân đội lính mã tà. Ngoài ra còn có trung úy hải quân Richard, Tổng đốc Lộc, Tổng đốc Phương đi theo phụ tá… Vì hỏa lực của quân địch quá mạnh, Nguyễn Trung Trực phải vừa đánh vừa rút lui dần. Trong đợt lui quân này, phó tướng Lâm Quang Ky đã tình nguyện đóng giả chủ tướng ở lại cầm cự để Nguyễn Trung Trực lui binh an toàn về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc. Lâm Quang Ky bị bắt cùng với một số nghĩa quân và bị giặc xử chém.

Tháng 9.1868, Lãnh binh Trần Công Tấn (vốn là bạn cũ với Nguyễn Trung Trực, cùng  tham gia chiến đấu dưới trướng Trương Định, sau ra hàng Pháp) đem lính từ Gò Công ra đảo Phú Quốc truy nã Nguyễn Trung Trực. Ông phải lẩn trốn vào vùng núi non. Bị bao vây, cạn kiệt nguồn lương thực, Nguyễn Trung Trực phải nộp mình để cứu anh em khỏi chết đói (có nhiều tài liệu ghi rằng giặc Pháp bắt mẹ ông và ông phải nộp mình để cứu mẹ). Theo Việt sử tân biên, mặc dù Trần Công Tấn đã hết lòng xin tha chết cho Nguyễn Trung Trực nhưng Thống đốc Nam kỳ G.Ohier cương quyết tiệt trừ hậu họa đối với một “Cọp xám miền Tây”. Ngày 27.10.1868 (tức ngày 28.8 năm Mậu Thìn), giặc đưa ông về lại Rạch Giá và sai tên đao phủ Bòn Tưa chém đầu ông tại chợ Rạch Giá.

Lúc đó, người anh hùng mới vừa 30 tuổi.

Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt đã ca ngợi “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực, mà thi sĩ Thái Bạch dịch là “Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần”. Còn riêng Nguyễn Trung Trực, trước khi đầu rơi khỏi cổ đã nói một câu làm chấn động lòng người: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”.

Hà Đình Nguyên

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 10: Tấm bia ở lăng Hoàng Gia
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 9: Đồn Rạch Cát
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 8: Từ ngọn bút đến cây đàn
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 7: Nghi vấn quanh khu mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 6: Bia ký Bảo Định hà và thượng phương bảo kiếm
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 5: Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 4: Di vật của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 3: Miếu Trinh Nữ, di tích thời vua Thiệu Trị
>> Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả
>> Theo dấu người xưa - Huyền thoại về chiếc đại hồng chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.