Theo bước chân tình nguyện: Mở đường cho trẻ đến trường

18/07/2023 06:00 GMT+7

Dẫu lần đầu cầm đến cuốc xẻng, tay chân phồng rộp, dang mình dưới cái nắng nóng gay gắt, nhưng những thanh niên tình nguyện không ngơi nghỉ mà vẫn đào đất, trộn xi măng..., góp hết sức mình để mở đường cho trẻ đến trường.

Con đường đất dài 150 m đoạn qua thôn An Vinh, xã Sông Phan, H.Hàm Tân (Bình Thuận) trơ sỏi đá, sụp lún, từ lâu đã gắn liền những bất tiện của người dân. Đặc biệt, đây là tuyến đường trọng điểm dẫn đến ngôi trường mầm non sắp được khởi công. Dưới màu áo xanh, đội hình tình nguyện Mùa hè xanh của ĐH Quốc gia TP.HCM đã chung tay làm nên con đường bê tông thẳng tắp cho người dân.

Sinh viên tình nguyện không quản ngại khó khăn, dang nắng thi công con đường dài 150 m giúp người dân và học sinh thuận tiện hơn trong di chuyển

Thượng Hải

DANG MÌNH DƯỚI CÁI NẮNG

Đồng hành cùng một tình nguyện viên trên chiếc xe máy cũ được người dân địa phương cho mượn, đi hơn 13 km qua những rẫy thanh long, chúng tôi đã đến điểm thi công.

Đội hình được phân bổ tại đây gồm 25 tình nguyện viên chia nhau 2 ca làm việc, sáng (từ 8 - 11 giờ) và chiều (từ 13 giờ 30 - 17 giờ). Đa phần là những sinh viên chưa một lần động tay đến cuốc xẻng nên dễ bị kiệt sức vì chưa quen công việc nặng.

Trên người vẫn còn lấm lem vì vừa khiêng hơn chục bao xi măng, Nguyễn Văn Đoàn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: "Mình thường ngày chỉ quen gõ máy vi tính, lần đầu vác bao xi măng, xúc đất nên tay chân cứ run run và tối về thì ê ẩm hết mình mẩy. Nhưng vì biết được tuyến đường này sẽ hỗ trợ các em đến trường thuận tiện hơn khiến mình quên đi mệt mỏi".

Theo bước chân tình nguyện: Mở đường cho trẻ đến trường - Ảnh 2.

Không ngại dang mình dưới nắng gắt để đẩy nhanh tiến độ

THƯỢNG HẢI

Do địa bàn hoạt động không có mái che và ít bóng râm nên mỗi ngày các tình nguyện viên đều dang mình dưới cái nắng đổ lửa, người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi và gương mặt thì đỏ bừng. Nhưng không vì vậy mà các bạn nản chí.

Lê Tiến Phát, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay: "Chỉ sợ ngày mưa, vì trời nắng dù có vất vả nhưng vẫn chịu được; chứ mưa thì không làm gì được luôn. Thời tiết ở Bình Thuận khá thất thường, ban ngày đang nắng đổ lửa mà chiều tối thì mưa lớn làm ngập nhiều chỗ nên tụi mình phải chạy đi xin bạt che cát, xi măng hoặc khuân vào chỗ cao để không bị hư hỏng vật liệu".

Khi được hỏi về điều gây khó khăn nhất, Trần Minh Thuận, Đội trưởng Đội hình xây dựng tại đây, cho biết: "Con đường này rất gồ ghề, đất đá lồi lõm và có nhiều chỗ bị lún sâu. Lúc mới xuống, bắt gặp người dân di chuyển khó khăn nên rất lo, cả đội hình ai cũng quyết tâm hoàn thành sớm con đường này".

TRẺ EM ĐẾN TRƯỜNG AN TOÀN HƠN

Là một trong những hộ dân đã hiến tặng 4 m đường cho địa phương, bà Lê Thị Kim Bích (63 tuổi), ngụ tại 137, thôn An Vinh, cho biết: "Đường toàn sỏi đá, lại trũng sâu nên mỗi khi mưa lớn là nước sẽ tràn vào nhà; đường thì đầy sình lầy cũng không thể đi lại được. Trước đây, gia đình cũng chỉ mua đất cát về đổ lên để đi tạm, nên khi nghe tình nguyện viên về xây đường thì rất mừng".

Ngày thanh niên tình nguyện về hỗ trợ làm đường, bà Bích cũng phụ một tay để dọn cây cối, kéo bao xi măng vì thấy thương cho sinh viên. "Sinh viên về làm đường nhiệt tình với chịu khó, nhìn ra thấy đường sạch sẽ và đẹp hơn ngày trước, thẳng tắp không còn đất đá lởm chởm nữa. Mấy đứa cũng bằng tuổi cháu mình nên thấy dang nắng làm cực, mình cũng muốn ra giúp", bà Bích nói.

Theo bước chân tình nguyện: Mở đường cho trẻ đến trường - Ảnh 3.

Theo bước chân tình nguyện: Mở đường cho trẻ đến trường - Ảnh 4.

Từ con đường đất đá lởm chởm, nhờ sự góp sức của các tình nguyện viên, nay đã thành con đường bê tông thẳng tắp

THƯỢNG HẢI

Cũng giống như bà Bích, chị Lê Thị Mỹ Hòa (38 tuổi), bảo vệ Trường tiểu học Sông Phan 2 (thôn An Vinh), cũng rất vui khi tuyến đường gần nhà được thi công, tu sửa.

"Do đường trũng với nước mưa chảy từ trên núi xuống nên ngập cao, đi đường sợ hụt chân cũng nguy hiểm. Mấy ngày nay sinh viên hỗ trợ làm giúp con đường mới, gia đình tôi cũng hỗ trợ các em ăn uống và tắm rửa, vì đội hình toàn con trai sợ sẽ không biết nấu nướng, ăn không đủ chất rồi ảnh hưởng đến sức khỏe", chị Hòa cho hay.

Anh Nguyễn Bảo Minh, Đội trưởng Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023, cho biết đây là lần đầu tiên có một đội hình gồm nhiều tình nguyện viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cùng nhau hoạt động tại H.Hàm Tân, Bình Thuận.

Đội hình sẽ thực hiện các công trình như đường nông thôn được bê tông hóa với chiều dài 150 m; thư viện thiếu nhi tại Trường tiểu học Sông Phan 1 (thôn Tân Hòa, xã Sông Phan, H.Hàm Tân) kèm theo 8 máy vi tính với tổng trị giá 80 triệu đồng; thăm và tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng trị giá 20 triệu đồng; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá 30 triệu đồng; và nhiều hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Phú Loan (50 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn An Vinh, cho biết tuyến đường này là điểm đầu ra đường liên xã quan trọng và cũng là điểm trung tâm xây dựng một trường mầm non với hơn 100 trẻ.

"Các bạn làm việc rất tôn trọng kỷ luật, nhiệt tình và có sự kết hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên của địa phương. Trên tuyến đường này có hơn 20 hộ, đa số bà con là người đồng bào Jrai làm sản xuất nông nghiệp và còn nhiều khó khăn. Con đường này hoàn thiện giúp bà con đi lại dễ dàng và trong tương lai các cháu mẫu giáo sẽ an toàn đến trường hơn", ông Loan nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.