Theo bước chân tình nguyện: Kỹ năng sơ cấp cứu cho sinh viên

12/07/2022 06:02 GMT+7

Đi tình nguyện mùa hè xanh, hay đơn giản là ngày hè đi cắm trại, trekking, leo núi cùng bạn bè mà bị rắn cắn thì phải làm thế nào, hoặc nếu bị gãy xương, đuối nước… thì xử lý bước đầu ra sao để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng?

Tất cả những năng hữu ích này đã được đội hình sinh viên tình nguyện mùa hè xanh của Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức thành chuỗi chương trình tập huấn dành cho sinh viên các trường tại TP.HCM. Với tiêu chí tình nguyện gắn liền với chuyên môn, các buổi tập huấn không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích, mà các bạn trẻ còn được tự tay thực hành với những tình huống giả định để nắm rõ hơn quy trình xử lý.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM thực hành sơ cấp cứu

NỮ VƯƠNG

Những kỹ năng hữu ích

Mặc bộ đồ rất năng động của một người chuyên vận động thể thao đến với buổi tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, Nguyễn Hoàng Nhật Huy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho biết mùa hè này Huy sẽ thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt, nên khi nghe thông tin sẽ được tập huấn về các kỹ năng sơ cấp cứu và xử lý ban đầu với những sự cố thường gặp, Huy đã rất hào hứng tham gia.

Huy đã nêu ra một trong những sự cố mà anh chàng gặp phải khi đạp xe đường dài và mong các bác sĩ tư vấn giúp. Huy kể: “Em từng bị chuột rút khi đang chạy xe đạp nhưng lúc đó em bất lực. Đó là lần đầu tiên em đạp lên đến 48 km/giờ, chân bị chuột rút và khóa khớp, vừa dừng xe lại là em ngã ra sau và nằm luôn tại chỗ chứ không thể nào đứng lên được”.

Khi được các bác sĩ trong đội hình Blouse trắng tình nguyện mách bí quyết chỉ cần cố gắng nhấc bàn chân lên một lúc sẽ hết thì Huy mới ngộ ra là có những cách để xử lý ban đầu rất đơn giản mà trước đó vì không biết nên anh chàng mới bất lực và chịu đau.

Các chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được hướng dẫn về các kỹ năng sơ cấp cứu khi đi tình nguyện

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng giới trẻ ngày nay thường hay đi trekking, leo núi, vào rừng cắm trại trải nghiệm thì vấn đề thường gặp nhất là rắn cắn. Thạc sĩ Minh hướng dẫn cách nhận diện rắn độc hay không độc qua màu sắc, hình dáng đầu, thân hoặc là đuôi rắn, và cả vết cắn của rắn. Cụ thể hơn, thạc sĩ Minh lấy dẫn chứng: “Rắn cũng giống như phụ nữ, đẹp quá, lộng lẫy quá là thường sẽ có “độc”. Nên khi các bạn thấy những con rắn mà màu đẹp, rực rỡ thì thường là rắn độc. Bên cạnh đó, nếu đầu hình tam giác dẹp và con ngươi hình elip thì thường là rắn độc, còn rắn thường thì đầu hình oval, con ngươi tròn…”.

Sau khi đã chỉ ra những cách nhận diện rắn độc và không độc, thạc sĩ Minh đã cặn kẽ hướng dẫn những việc nên và không nên làm khi bị rắn cắn. Ngay sau đó, đội hình y bác sĩ tình nguyện đã cùng hỗ trợ, hướng dẫn để sinh viên có thể thực hành các bước sơ cấp cứu ngay tại hội trường.

Đi tình nguyện phải an toàn

Điều đặc biệt, đội hình Blouse trắng còn đến các trường tập huấn sơ cấp cứu cho sinh viên tình nguyện để các bạn có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết về sơ cấp cứu ban đầu phục vụ cho quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện hè với tiêu chí đi tình nguyện cũng phải đảm bảo an toàn.

“Sơ cấp cứu giúp người bị nạn được chăm sóc, bảo vệ ngay tại vị trí xảy ra tai nạn, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị sau này. Những kỹ năng liên quan đến sơ cấp cứu ban đầu, xử lý các tai nạn môi trường được đưa vào nội dung tập huấn là những tình huống thường gặp phải, và nếu được thực hiện đúng và kịp thời sẽ giảm thiểu được nguy cơ chuyển nặng hơn rất nhiều”, Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ.

Dung cho biết ngoài việc được nghe về lý thuyết, sinh viên tình nguyện còn được hướng dẫn thực hành để nắm rõ hơn về quy trình xử lý.

Sau khi tham gia buổi tập huấn, Nguyễn Hoàng Duy, Phó Chánh văn phòng Đoàn trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, vui mừng chia sẻ: “Buổi tập huấn đã giúp mình được học tập, tiếp cận một số kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu thường gặp tại các chương trình, chiến dịch tình nguyện. Chẳng hạn những nguyên tắc cơ bản trong sơ cấp cứu, kỹ thuật di chuyển nạn nhân, cách thổi ngạt ép tim, sơ cứu dị vật đường thở, gãy chân, điện giật, chảy máu, băng bó…”.

Duy cho biết việc được tập huấn như thế này không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho sinh viên tham gia các chương trình, chiến dịch tình nguyện, mà các bạn còn được cung cấp thêm cẩm nang sơ cấp cứu để mang theo khi thực hiện chiến dịch mùa hè xanh.

Nhiều công trình ý nghĩa

Mùa hè xanh năm nay quay trở lại sau hơn 1 năm sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia công tác phòng chống dịch, vì thế, các sinh viên rất hào hứng và nhiệt huyết. Năm nay, trường có 12 đội hình, đóng quân tại 3 tỉnh là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và các đội hình hoạt động tại TP.HCM. Ngoài chuỗi chương trình tập huấn sơ cấp cứu, các sinh viên sẽ làm những công trình như khám phát thuốc miễn phí, tổ chức ngày hội thiếu nhi, các lớp dạy tiếng Anh trong hè, các lớp học về kỹ năng như vệ sinh răng miệng, rửa tay... cho học sinh tiểu học, lớp học về sức khỏe sinh sản và lớn lên an toàn cho học sinh THCS; thực hiện 2 cuốn cẩm nang dinh dưỡng học đường và dinh dưỡng cho người bệnh mạn tính…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.