Thèm về chợ quê, mua con cá bó rau!

03/11/2018 20:03 GMT+7

Dù siêu thị mọc lên ngày càng nhiều ở các vùng quê, nhưng nhiều người vẫn thích đi chợ hơn. Vì chợ quê đâu chỉ có những món quà đồng nội, cây nhà lá vườn mà ở đó còn đong đầy tình làng nghĩa xóm.

Giữa cuộc sống hiện đại, mọi thứ đều có thể mua sắm online, hàng giao tận nơi thì việc đi giữa chợ quê, lựa con cá, bó rau, ghé sạp hàng bà Tám, cô Chín hỏi thăm dăm ba câu, rồi mua cái bánh của cô Hai thật thú vị biết bao.
“Con gái phải tập đi chợ, phải biết lựa đồ tươi ngon cho quen dần, lớn lên còn biết nấu nướng, chăm lo gia đình”, câu này má nói ra rả suốt những ngày tôi còn bé. Vậy nên cứ sáng sáng, tôi và mấy đứa con gái khác đều lẽo đẽo theo má xách giỏ ra chợ. Kinh nghiệm của má là muốn mua đồ ngon phải tranh thủ đi sớm, mua đồ của mấy bà trong xóm đem ra bán mới ngon, chứ để tới trưa thì người ta lựa hết đồ ngon rồi còn đâu.

Vừa đặt chân tới cổng chợ, tôi đã nghe tiếng bà Tám: “Nay má con bây đi chợ sớm quá vậy, bà Tám mới cắt ít rau lang, non mơn mởn luôn. Bây vô chợ mua thịt cá đi, rau bà để dành cho, lát nữa ra lấy”.
Cái chợ xã nhỏ xíu, đi một vòng, ngó qua ngó lại là giáp hết chợ nên ai cũng quen mặt ai. Mới đi mấy bước, tôi đã nghe tiếng cô Hai đon đả mời: “Bánh bột lọc cô Hai vừa làm xong là mang ra chợ luôn, mua ăn liền cho nóng đi mấy đứa”. Nghe tới đoạn này là thế nào tôi cũng vòi vĩnh mẹ mua cho hai ngàn mua bánh.
Chợ quê mà, đâu riêng gì bà Tám hay cô Hai, nhà ai trồng gì bán nấy, nuôi gà bán gà, trồng thanh long bán thanh long. Nuôi trồng số lượng ít nên thịt gà thì thơm và dai, trái cây thì vị chua chua ngọt ngọt tự nhiên, đâu có ai biết phân thuốc gì. Mấy cọng rau còn bị sâu ăn, mấy trái dưa leo èo uột chút mới ngon, có sao để vậy, như cô Tám hay nói: “Lấy công làm lời, có đồng ra đồng vô lo cho mấy đứa nhỏ ăn học thôi. Buôn bán nhỏ vậy mà vui, chứ ở nhà không thì buồn lắm bây”.
Chợ quê đâu chỉ có đồ ăn đạm bạc, tươi ngon mà còn có tình người ấm áp. Nhớ hồi đó, lăng xăng chạy ra chợ mua mắm muối cho mẹ mà quên mang tiền, ra tới chợ mới nhớ. Vậy mà vẫn đem đủ thứ về nhà, cứ nói mai má trả là ai cũng cười hiền cho mua chịu liền. Mua chịu còn được khuyến mãi đủ thứ. Mua ký khoai mỡ được cô Ba cho thêm mấy cọng hành ngò, một nắm ớt xiêm. Mua mấy cái bánh ít được tặng thêm cái bánh nậm để… ăn cho vui. Rồi mua thịt cá thì được cân dư thêm một tí. Mấy cô hay nói: “Làng xóm không, xa lạ gì đâu mà so đo”.
Chợ nhỏ nên từ cô bán cá, bán rau đến bác bán chè đều quen mặt nhau
Bây giờ, siêu thị cách nhà chẳng bao xa, không thiếu món gì, trái cây ngoại nhập có đủ, nhưng làm sao có được cái mộc mạc của cây nhà lá vườn, của tình người chợ quê. Những đứa nhỏ sớm rời quê lên phố lập nghiệp như chúng tôi thèm lắm cái cảm giác được đi chợ quê. Cái cảm giác mà chẳng thể nào tìm được ở phố xá xa hoa. Cứ nhớ nhà là nhớ chợ. Nhớ mấy ngày mua rau cá đầy cả một giỏ, nặng trĩu mà chỉ hết có mấy chục ngàn. Nhớ mấy sạp hàng bày đủ món ngon, tiếng nói cười rôm rả.
Mỗi lần về quê, tôi vẫn giữ thói quen dậy thật sớm, xách giỏ ra chợ. Bao nhiêu năm rồi, cô Hai vẫn cười sang sảng: “Dân thành phố mới về hả bây, nay lớn quá cô Hai mém nhìn không ra. Ăn đồ Sài Gòn quen rồi giờ có ăn được bánh bột lọc của cô nữa không?” Miệng nói vậy chứ tay cô đã thoăn thoắt gắp bánh ra đầy dĩa, “cô không có 'chặt chém' dân thành phố đâu nên bây khỏi lo”.
Cũng tại cái sự chân chất này mà đi đâu xa một chút, tôi lại nhớ da diết mớ rau lang, khoai môn, nải chuối vườn và cả cái giọng điệu: “Mua nhanh cho tui dọn về, còn lo cho mấy con heo ở nhà nữa. Không có tiền thì mua chịu cũng được, chừng nào có thì đưa chứ lo gì.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.