Thêm kịch bản làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vốn đầu tư hơn 71 tỉ USD

28/11/2023 08:39 GMT+7

Trong văn bản đóng góp ý kiến về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án - đã thống nhất lựa chọn kịch bản 3. Đây là phương án mới so với 2 phương án đầu tư đã được Bộ GTVT lấy ý kiến trước đó.

Thêm kịch bản làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, vốn đầu tư hơn 71 tỉ USD - Ảnh 1.

Chính phủ xác định ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Shutterstock

Cụ thể, dự thảo đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Bộ GTVT nêu 3 kịch bản:

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Đồng thời, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.

Kịch bản 2 - xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, chạy tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Theo kịch bản này, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,2 tỉ USD.

Kịch bản 3, tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ đầu tư đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án tăng lên khoảng 71,69 tỉ USD.

Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 depot, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.

Ngoài ra, cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đơn vị tư vấn đánh giá điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác, thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam được tái cơ cấu theo hướng tối ưu hơn. Phương án này còn giúp tuyến đường sắt mới có khả năng vận tải hàng hóa trong trường hợp năng lực của tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu quá tải.

Tuy nhiên, nhược điểm của kịch bản này là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.

Để nâng cao tính khả thi của dự án trong trường hợp được phê duyệt đầu tư theo kịch bản 3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ GTVT cần nghiên cứu nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu theo hướng thay thế toàn bộ khổ đường 1.000mm hiện nay bằng khổ tiêu chuẩn 1.435mm.

Bên cạnh đó, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong khi các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, vì thế cần phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh việc phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý với chi phí đầu tư đường sắt Bắc - Nam lên tới hàng chục tỉ USD, Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi của đề án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.