21 cái chết thương tâm gây phẫn nộ vì ‘cơn sốt marathon’ hỗn loạn ở Trung Quốc

Tây Nguyên
Tây Nguyên
25/05/2021 08:09 GMT+7

Cái chết của 21 VĐV ultramarathon (chạy việt dã) ở Trung Quốc đã lộ rõ một ngành công nghiệp đang phát triển vượt bậc ở nước này nhưng đang hứng chịu hàng loạt tranh cãi và phẫn nộ.

Mưa đá, giá rét và gió lớn được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của các VĐV tham gia cuộc đua xuyên núi dài 100 km hôm 23.5 ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Khi nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra, mạng xã hội Trung Quốc đã bùng lên sự thương tiếc và phẫn nộ, đặt câu hỏi tại sao các nhà tổ chức đã không chuẩn bị tốt hơn để đối phó thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, những phản ứng kiểu này không có gì mới lạ bởi từ lâu đã có nhiều lo ngại về chất lượng và cách thức tổ chức của một số giải siêu việt dã, marathon, bán marathon và các giải chạy đường dài khác hiện đang diễn ra ở Trung Quốc.

Đội cứu hộ đã tìm kiếm xuyên đêm sau khi nhiều VĐV gặp nạn ở cuộc thi marathon tại Cam Túc do thời tiết khắc nghiệt

AFP

Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tập thể dục cho mọi lứa tuổi, và hoạt động chạy bộ đã thành công rực rỡ. Một số người tham gia muốn khoe thành tích của họ trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc sử dụng nó trong các đơn xin việc để tăng triển vọng có được việc làm. Những người khác chỉ muốn giữ dáng.

Giá rét, mưa đá giết chết 21 VĐV thiệt mạng trên đường chạy marathon Trung Quốc

Theo báo chí năm ngoái, trích dẫn số liệu của Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc (CAA), quốc gia này đã tổ chức các cuộc thi marathon trong năm 2018 nhiều gấp 40 lần so với năm 2014. CAA cho biết có đến 1.900 cuộc thi chạy ở Trung Quốc vào năm 2019.

Lương Tịnh, một nhà vô địch chạy việt dã, thiệt mạng ở cuộc thi tại Cam Túc

AFP

Các sự kiện quan trọng như cuộc thi marathon Thượng Hải nổi tiếng thường xuyên thu hút tới 38.000 VĐV tham gia tài. Truyền hình nhà nước CCTV cho biết trong một bài bình luận trực tuyến hôm 24.5 rằng, thảm kịch ở Cam Túc là "một lời cảnh tỉnh cho các cuộc chạy marathon đã nở rộ ở hầu hết mọi nơi ở Trung Quốc trong những năm gần đây". "Việc lập kế hoạch tuyến đường, đảm bảo an toàn, chuẩn bị y tế, cứu hộ khẩn cấp, cung cấp thực phẩm,… cần phải chính xác và chặt chẽ", CCTV nói, đồng thời cảnh báo những người chạy "tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng khoa học, trân trọng cuộc sống".
Đây không phải là lần đầu tiên cái mà truyền thông nhà nước thường gọi là "cơn sốt marathon" xuất hiện rầm rộ ở Trung Quốc vì những lý do không liên quan đến thể thao. Năm 2018, tại một cuộc thi bán marathon ở thành phố Thẩm Quyến, miền nam Trung Quốc, 258 VĐV đã bị phát hiện gian lận - trong đó có nhiều người đã đi đường tắt. Các camera giao thông đã bắt gặp họ lao qua hàng cây để rút ngắn quãng đường.

Một trong những VĐV tham gia cuộc thi chạy may mắn thoát chết

AFP

Sau đó, vào năm 2019, một người phụ nữ đã được ghi hình thuê một chiếc xe đạp màu xanh lá cây trong cuộc thi Marathon Quốc tế Từ Châu ở miền đông Trung Quốc. Các quan chức cuộc đua đã yêu cầu cô xuống xe, và quay lại nơi xuất phát.
CAA đã cố gắng làm trong sạch môn thể thao này, bao gồm việc đưa ra lệnh cấm thi đấu suốt đời đối với 3 VĐV Trung Quốc gian lận tại cuộc thi Marathon Boston danh giá của Mỹ năm 2019. Hai người trong số họ xuất trình chứng chỉ giả để đạt tiêu chuẩn đầu vào nghiêm ngặt, trong khi người thứ ba đưa chiếc yếm số của mình cho người khác chạy hộ. Các nhà tổ chức Marathon ở Trung Quốc hiện đang sử dụng công nghệ khuôn mặt để đảm bảo rằng người chạy được nhận dạng chính xác. Tóm lại, nhu cầu và sự nhiệt tình của các môn thể thao phổ biến cần được đáp ứng và quan tâm, nhưng các sự kiện không nên “chạy lung tung” với cái giá phải trả là sự an toàn", CAA kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.