Vẫn chưa thể thống nhất ý kiến tái xuất V-League 2021

18/07/2021 10:26 GMT+7

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi phiếu xin ý kiến Hội đồng quản trị VPF về kế hoạch tiếp tục tổ chức V-League 2021 chứ không sớm hủy. Đề xuất này vấp phải quan điểm khác nhau từ phía các CLB.

V-League 2021 có thể tạm hoãn dài kỷ lục 282 ngày

VPF đề xuất vòng 13 giai đoạn 1 sẽ đá ngày 12.2.2022 (tức ngày 12.1 âm lịch, ngay sau Tết Nhâm Dần). Giai đoạn 2 của V-League 2021 sẽ đá từ ngày 16.2 - 12.3.2022 với 2 nhóm đội - nhóm A (6 đội xếp đầu tranh vô địch) và nhóm B (8 đội xếp dưới tranh suất trụ hạng). Trước đó, vòng 13 giai đoạn 1 V-League 2021 dự kiến tổ chức ngày 6.5 đã phải tạm hoãn.
VPF giải thích lý do dời giải đến năm 2022: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở các địa phương trên cả nước, số ca nhiễm tiếp tục tăng ở mức rất cao, dự báo còn khả năng tiếp diễn trong vài tháng tới. Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam đã được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) thông qua, trong đó một số lượt trận tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ diễn ra trong tháng 9, 10, 11 và tháng 1.2022. Tháng 12, đội tuyển dự AFF Cup 2020”. Nếu đề xuất của VPF được thông qua, đồng nghĩa V-League 2021 sẽ đi vào lịch sử với mạch gián đoạn liên tiếp dài kỷ lục 282 ngày.

“Nên đồng lòng vì cái chung”

Trao đổi với Thanh Niên ngày 17.7, Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Nhìn chung đội HAGL thấy cũng được, không có ý kiến phản đối gì. Vào lúc này, tôi cho rằng điều quan trọng là tất cả nên cùng ngồi lại, đồng lòng vì cái chung. Cá nhân tôi cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19 cho tốt đã. Khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19 ngày càng phức tạp thì việc giải V-League 2021 tạm dời sang tháng 2.2022 là điều chấp nhận được. Thậm chí nếu V-League 2021 có bị dời trễ hơn nữa thì cũng có thể thông cảm”.
Lãnh đạo một CLB ở phía bắc cũng là thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF chia sẻ: “Nếu giải bị hủy ngay từ bây giờ, sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thi đấu trong nước, đến phong trào bóng đá chung của Việt Nam, tác động tiêu cực đến chất lượng của đội tuyển Việt Nam, tạo ra hiệu ứng không tốt về truyền thông trong và ngoài nước. Tất nhiên, phương án dời V-League sang năm 2022 cũng có những nhược điểm như một số quyền lợi nhà tài trợ, đối tác đối với các hợp đồng đã ký với CLB trong mùa giải 2021 sẽ bị ảnh hưởng. Kế hoạch vận động tài trợ mùa giải 2022, CLB sẽ gặp khó khăn. Thu nhập giảm, không có tiền thưởng. Cầu thủ sẽ gặp khó khăn trong việc ký kết, gia hạn hợp đồng do thời gian giải đấu bị kéo dài, không xác định được giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên, nếu xét về mặt được thì duy trì giải sẽ tốt hơn là hủy, nên tôi đồng ý với đề xuất của VPF”.

Nên kết thúc sớm và không có đội vô địch, đội xuống hạng

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch CLB Hà Tĩnh, thành viên HĐQT VPF, lại có quan điểm khác: “Tôi không đồng ý phương án kéo dài tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho tới đầu tháng 2.2022 và kết thúc vào nửa sau của tháng 3.2022 với các lý do sau: Tài chính các CLB sẽ bị phát sinh rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách của năm 2022. CLB chịu ảnh hưởng chi trả lương cho các cầu thủ để duy trì đến khi được đá tiếp, đặc biệt chi phí lớn đối với các cầu thủ ngoại. Sẽ không có cơ sở để thanh lý hợp đồng và tuyển ngoại binh mới thay thế. Chi phí đền bù hợp đồng cho cầu thủ nước ngoài lớn, còn nếu duy trì tới tháng 2 thì vượt quá ngân sách về tài chính. Khó khăn cho nhiều đơn vị quyết toán tài chính nếu như ngân sách dùng cho một mùa giải nhưng giải ngân từ năm 2021 đến 2022.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang căng thẳng và phức tạp như hiện nay, không ai có thể khẳng định từ giờ đến thời điểm đó kiểm soát được dịch bệnh để giải có thể trở lại vào tháng 2. Chúng ta nên tránh lãng phí để cùng quốc gia cũng như các địa phương chống dịch. Nếu tiếp tục kéo dài, các đội bắt buộc sẽ phải xin thêm ngân sách từ nhà tài trợ và từ UBND tỉnh, thay vào đó chúng ta tiết kiệm và các đội có thời gian chuẩn bị cho mùa giải năm 2022 tốt hơn. Trong trường hợp vẫn không tổ chức được vào tháng 2 và 3.2022 thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc thiệt hại mà các CLB phải chịu và dẫn tới lãng phí tài chính cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch năm 2022. VPF nên xin ý kiến các thành viên cổ đông để có tính đồng thuận cao hơn và tốt nhất”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất: “Kết thúc V-League 2021 tại thời điểm hiện tại để tập trung cho đội tuyển quốc gia, đồng thời phòng chống dịch và giảm thiệt hại kinh tế về nhiều mặt. Cần phân tích quyền lợi nhà tài trợ giải và thiệt hại của các CLB, bên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu như giải tiếp tục diễn ra. Đây là điều kiện bất khả kháng nên có thể thương lượng với nhà tài trợ về việc chuyển gói sang năm sau. Việc này cần ý kiến của các cổ đông để có tính đồng thuận cao. Không có đội vô địch, không có đội xuống hạng”.
Giải hạng nhất dự kiến sẽ đá lại sớm, vào ngày 20.11.2021 bắt đầu bằng trận đấu bù vòng 7 và kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 16.12. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ ngày 20.12.2021 đến 14.1.2022 cũng chia 2 nhóm A, B để kết thúc giải.
Cúp quốc gia 2021 dự kiến sẽ đá vòng 1/8 vào ngày 17.1.2022, lần lượt các vòng tứ kết, bán kết và chung kết sẽ đá vào các ngày 8.2, 15.3 và 18.3.2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.