Tân Phó chủ tịch VFF phụ trách tài trợ: 'Bóng đá sẽ kiếm được bộn tiền nếu biết cách'

22/11/2020 09:17 GMT+7

“ Bóng đá Thái Lan bán bản quyền truyền hình được vài nghìn tỉ đồng, còn chúng ta chỉ mong vài trăm tỉ đồng cũng là thành công”, ông Lê Văn Thành, tân Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chia sẻ với Báo Thanh Niên sau khi đắc cử chức danh này tại Đại hội thường niên VFF vào ngày 21.11.

Ngồi ghế nóng trong bối cảnh vff giảm 25% nguồn thu

Đã từng thua nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa tại Đại hội VFF khóa 8 vào cuối năm 2018, ông Lê Văn Thành, đương kim Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Trưởng ban Tài trợ VFF, tiếp tục tái tranh cử chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài trợ sau khi ông Nghĩa xin từ chức cách đây 17 tháng. Dù vấp phải sự cạnh tranh với hai đối thủ (ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng ban Bóng đá nữ VFF, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh và ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cacao Việt Nam) nhưng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội thường niên VFF ngày hôm qua, ông Thành vẫn giành chiến thắng. Nếu như ông Hùng được 28/67 phiếu (71 phiếu phát ra, 4 phiếu không hợp lệ), ông Liêng được 4/67 phiếu thì ông Thành được 35/67 phiếu (chiếm hơn 52%).
Ông Thành thốt lên: “Cảm xúc cũng dâng tràn lắm đấy. Vì tôi luôn mong được cống hiến cho bóng đá Việt Nam nên khi trúng cử thấy vui. Mặc dù áp lực không phải nhỏ vì việc kiếm tiền cho bóng đá vốn đã không dễ, nay càng khó vì ảnh hưởng dịch bệnh. Nhưng quy trình mình đã vạch ra sẵn rồi, giờ cứ tiếp tục thực hiện và sẽ cố gắng tạo ra bước đột phá về tài chính cho VFF”.
Cũng nên nói thêm, trước cuộc bầu cử quan trọng nói trên, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, đã báo cáo tại đại hội thường niên vào sáng 21.11 về tình hình tài chính của VFF: “Trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh nên các trận đấu, giải đấu do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), VFF tổ chức đã bị hoãn, hủy. Điều này đã ảnh hưởng tới kế hoạch hợp tác tài trợ, quảng cáo cũng như làm giảm nguồn thu hoạt động tài trợ theo mục tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra. Nguồn thu từ nguồn này giảm 25%”.

Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải điều hành Đại hội thường niên

Minh Hoàng

Đầu năm nay khi chưa có dịch bệnh, VFF dự kiến nguồn chi năm 2020 vào khoảng 248 tỉ đồng, trong đó chi cho tất cả các hoạt động hơn 237 tỉ đồng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 10 tỉ đồng. VFF cũng dự kiến thu khoảng 255 tỉ đồng năm 2020. Nhưng dịch bệnh bùng phát nên tháng 6 vừa qua, trong báo cáo tài chính giữa năm, VFF dự kiến nguồn thu từ vận động tài trợ bị giảm 6%. Hiện tại, không phải chỉ giảm 6% mà giảm tới 25%. Nhưng năm nay do các đội tuyển Việt Nam không thi đấu nên VFF không bị tốn kém, vì thế nguồn chi không bị tác động và dù không có lãi nhưng VFF vẫn cân đối được (lời ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông).

Quy trình mình đã vạch ra sẵn rồi, giờ cứ tiếp tục thực hiện và sẽ cố gắng tạo ra bước đột phá về tài chính cho VFF

Ông Lê Văn Thành, Tân Phó chủ tịch VFF phụ trách tài trợ

Tại sao Thái Lan làm được mà Việt Nam thì không ?
Câu hỏi mà Báo Thanh Niên đặt ra cho ông Lê Văn Thành là: “Ông có đủ tự tin vào năng lực kiếm tiền của mình vì “ngân khố” của VFF sẽ bị vơi đi hay đầy lên phụ thuộc vào ông rất nhiều?”. Ông Lê Văn Thành nói: “Tôi xin diễn giải một vài con số. Trước Đại hội VFF vào cuối năm 2018, ông Cấn Văn Nghĩa nói sẽ thu về cho VFF khoảng 90 tỉ đồng tiền tài trợ. Ông Nghĩa rời VFF vào giữa năm 2019 thì đến hết năm 2019, VFF đã thu được 120 tỉ đồng. Ngoài khoản thu này, VFF còn khoản thu khác từ các tổ chức bóng đá quốc tế, nâng tổng khoản thu là 240 tỉ đồng - vượt chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2020, kế hoạch kiếm tiền của VFF coi như “phá sản” bởi Covid-19. Dự tính, nguồn thu tài trợ năm 2020 là 160 tỉ đồng nhưng đã bị giảm 25% (khoảng 40 tỉ đồng - PV). Nhưng năm 2021, chúng tôi dự kiến sẽ thu khoảng 289 tỉ đồng từ các nguồn gồm nguồn thu cố định các tổ chức quốc tế và nguồn tài trợ. Ngoài ra còn chuyển 60 tỉ của năm 2020 sang (PV). Nguồn chi khoảng 290 tỉ đồng. Tôi sẽ tập trung vào hai mảng việc lớn mà VFF vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Bán vé trận đấu, giải đấu có các đội tuyển Việt Nam, và bản quyền truyền hình. Bóng đá Việt Nam có trong tay những sản phẩm tốt thì phải biết mang đi bán nó lấy tiền”.

Ông Lê Văn Thành trình bày kế hoạch tài chính

Minh Tú

“Nhưng ông sẽ làm gì khi dịch bệnh vẫn còn?”, chúng tôi hỏi tiếp. Tân Phó chủ tịch VFF trả lời: “Covid-19 vẫn chưa hết mà bóng đá Thái Lan vẫn kiếm được bộn tiền từ bản quyền truyền hình với số tiền rất rất “khủng”, khoảng 12 tỉ baht, ước chừng hơn 9.000 tỉ đồng trong 8 năm từ 2021 - 2028. Tôi mong bóng đá Việt Nam cũng biết kiếm tiền từ bản quyền truyền hình, được như Thái Lan thì rất khó nhưng nếu được vài trăm tỉ đồng cũng là thành công. Tại sao họ làm được mà mình lại không? Thường trực VFF và tôi sẽ cùng nhau bàn bạc kỹ việc này”.

Bản quyền truyền hình từ 30 triệu đồng/trận lên 10 tỉ đồng

Ông Thành nói tiếp: “Trước đây, mỗi trận đấu của tuyển Việt Nam bán chỉ khoảng 30 - 50 triệu đồng nhưng hiện tại, Ban Vận động tài trợ VFF đã bán được số tiền 10 tỉ đồng/trận của tuyển Việt Nam, trong 2 năm. Một bước tiến “khổng lồ”. Tôi sẽ tiếp tục khai thác “con gà đẻ trứng vàng” này, không chỉ bản quyền truyền hình đội tuyển mà tất cả những gì liên quan đến bóng đá Việt Nam. Về bán vé, chúng ta vẫn bán theo kiểu như “bao cấp” thì khó “giàu” lên từ vé. Sang năm SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, bóng đá sẽ kiếm được bộn tiền nếu biết cách. Dù nhiệm kỳ của tôi còn 2 năm nhưng mong ước của tôi là bán được các sản phẩm bóng đá như vừa nói ở trên và phát triển bóng đá trẻ - bóng đá học đường, với hàng nghìn CLB. Tất nhiên từ mong ước đến hiện thực là một chặng đường dài và khó. Nhưng tôi tin mình sẽ làm được!”.

Chủ tịch VFF chúc mừng ông Lê Văn Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.