Những tài năng vang bóng sau 1975: Nguyễn Hồng Sơn, “nghệ sĩ sân cỏ” tài hoa

05/04/2020 08:45 GMT+7

Nếu cần lựa chọn một cái tên nổi bật nhất trong “thế hệ vàng” của bóng đá VN những năm 1990 thì nhiều người có lẽ sẽ nghĩ đến Hồng Sơn, cầu thủ có lối chơi đậm chất kỹ thuật và rất thông minh, luôn chực chờ tạo nên những khoảnh khắc bùng nổ...

Một tài năng hiếm có

Tên thật là Nguyễn Sỹ Sơn, sinh ra trong một gia đình khá giả tại Hà thành, từ nhỏ Sơn đã mê bóng đá, được rèn luyện ở “lò” Thể Công. Sinh năm 1970, tròn 18 tuổi Sơn được lên đội 1, vị trí sở trường là tiền vệ tấn công hoặc tiền đạo.
Hồng Sơn thuộc mẫu cầu thủ có thể hình nhỏ nhắn (chỉ cao 1,68 m) nhưng rất nhanh nhẹn, đặc biệt là khả năng đọc tình huống nhanh và xử lý tinh tế nhờ phẩm chất kỹ thuật xuất sắc.

“Đội hình trong mơ” của bóng đá Việt Nam, có đến 2 Hồng Sơn

Thông minh, cộng thêm sự chuyên cần rèn luyện khi còn ở tuyến trẻ của Thể Công đã giúp Sơn có được năng lực hơn người. Vậy nên ngay tại mùa giải vô địch quốc gia mang tên “các đội mạnh toàn quốc” lần đầu tiên (1990), Nguyễn Hồng Sơn, tuổi mới tròn 20, với chiếc áo số 10 đã gây ngỡ ngàng cho giới chuyên môn khi vươn lên trở thành vua phá lưới với 10 bàn thắng, góp công vào ngôi vô địch quốc gia lần thứ 4 trong lịch sử của đội bóng Thể Công (khi ấy còn mang tên CLB Quân đội). Thật đáng kinh ngạc vì đấy cũng là năm đầu tiên Sơn có suất đá chính cùng đội bóng quân đội. Và tới nay, kỷ lục ấy (vua phá lưới trẻ nhất) của Sơn vẫn chưa ai vượt qua!
World Cup 2018, Hồng Sơn xuất hiện trên Báo Thanh Niên với tư cách khách mời ở một số chuyên mục. Còn 2 năm trở lại đây, anh xuất hiện trên Báo Thanh Niên với tư cách bình luận viên mỗi khi bóng đá VN tham gia những sự kiện lớn tại đấu trường khu vực và châu lục. Các bài phân tích đứng tên tác giả Nguyễn Hồng Sơn được độc giả khen ngợi bởi văn phong trau chuốt, hào hoa y như “tính cách” của Sơn trên sân cỏ. Anh không chỉ nhận định sắc sảo về chuyên môn mà còn gửi gắm tình cảm và trái tim của mình đối với lứa cầu thủ trẻ, qua từng dòng viết đầy cảm xúc. “Nhìn trái bóng liệng đi từ chân trái của Quang Hải rồi bay vào lưới, tôi thấy mình đang khóc”, Sơn đã viết thế về “đàn... cháu” của mình
Nhiều người có lẽ từng liên tưởng Hồng Sơn ngày ấy với Nguyễn Quang Hải, tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển VN hiện tại. Cũng vóc dáng ấy, lối chơi ấy, lắt léo và tinh tế; cũng những pha đi bóng, chuyền bóng thông minh ấy và những cú dứt điểm cực nhanh mỗi khi có cơ hội, Sơn thuộc mẫu cầu thủ không những rất tài hoa mà còn ẩn chứa khả năng bùng nổ.
Năm 1993, Hồng Sơn bắt đầu góp mặt ở đội tuyển quốc gia và gây ấn tượng tại vòng loại World Cup 1994. Đến SEA Games 18 năm 1995, trong chiến công giành HCB của đội tuyển, anh được đánh giá là một nhân tố xuất sắc bậc nhất của “thế hệ vàng”. Danh thủ Rochi Putiray của đội tuyển Indonesia, người cùng tuổi và nhiều lần chạm trán trên các đấu trường, từng ví Hồng Sơn là “Maradona của VN”.
Tại SEA Games 18, dưới sự dẫn dắt của HLV Weigang, Nguyễn Hồng Sơn gần như luôn góp mặt trong đội hình chính (thay đổi vị trí với Lư Đình Tuấn, cầu thủ mang áo số 10 khi ấy). Nếu như Hoàng Bửu luôn đảm trách vai trò tiền vệ trụ, như một “mỏ neo” ở giữa sân thì Sơn (hoặc Lư Đình Tuấn) chơi rộng hơn, như một con thoi trong kiến thiết bóng và tạo sức khoan phá bằng lối đá kỹ thuật. Trong trận bán kết gặp Myanmar, khi tỷ số đang là 1-1, từ một quả phạt góc bên cánh phải, Sơn chuyền cực kỳ chuẩn xác giúp Trần Minh Chiến tung ra cú sút nửa nảy cực đẹp, ghi bàn thắng vàng đưa tuyển VN vào trận chung kết lịch sử.
Những tài năng vang bóng sau 1975: Nguyễn Hồng Sơn, “nghệ sĩ sân cỏ” tài hoa

Hậu phương vững chắc để “nghệ sĩ” thăng hoa

Cách đây vài tháng, chúng tôi đến nhà Hồng Sơn để biếu anh cuốn báo xuân. Hôm ấy anh không có nhà và “nhờ” qua điện thoại: “Em cứ gửi cho con gái thứ hai của anh nhé, anh dặn con bé rồi đấy”. Ồ, “con bé” đứng trước mặt tôi đây ư, hẳn nhiên không phải “con bé” rồi. Vì đó là một thiếu nữ rất xinh đẹp. Nguyễn Khánh Vy, cô gái bước sang tuổi 17, lễ phép nhận báo bằng hai tay rồi dịu dàng mời chúng tôi vào nhà. Nguyễn Sỹ Gia Khánh, con trai cả của Hồng Sơn năm nay cũng đã 20 tuổi, còn cô út 7 tuổi Nguyễn Khánh Vân rất hay theo chân bố đến các sự kiện liên quan đến bóng đá. Hai năm trước, cô bé dễ thương còn tham gia biểu diễn thời trang ở chương trình Biệt tài tí hon. Bố dắt con đi thi, còn mẹ chỉ ở “hậu trường”.
Chuyện tình của vợ chồng Hồng Sơn êm ả, thật khác với những khoảnh khắc “dữ dội” và thăng hoa trên sân cỏ trong suốt sự nghiệp cầu thủ của anh. Cô sinh viên Phân viện Báo chí khóa 20 lên xe hoa khi mới học đại học năm 4. Cô quyết định từ bỏ ước mơ trở thành phóng viên để trở thành bà nội trợ, đứng sau lưng chồng, chăm sóc con cái và gia đình.
Một lần Sơn kể rằng, thuở còn chưa cưới, người yêu anh quá quen với cảnh người hâm mộ tíu tít tặng quà mỗi cuối tuần, trong số ấy có không ít các cô gái trẻ. Hồng Sơn đón nhận, trân quý tình cảm của khán giả nhưng không bao giờ vượt quá giới hạn cho phép, “vì mình đã có một nửa của đời mình, còn đi tìm ở đâu nữa đây”, Sơn bảo.
Rồi Hồng Sơn nói tiếp: “Nhà tôi không quá am tường về bóng đá, nhưng cô ấy hiểu sâu sắc những gì mà cuộc đời cầu thủ phải trải qua, với tất cả cung bậc buồn vui sướng khổ. Khi mình hạnh phúc với nghề, cô ấy cũng hạnh phúc như hàng triệu người hâm mộ khác. Khi mình đau đớn với nghề, gia đình và cô ấy lại giúp mình vượt qua những thử thách cam go. Tận sâu thẳm trái tim, tôi cảm ơn hậu phương vững chắc của tôi”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.