Mặt sân Mỹ Đình xuống cấp: Trông người mà ngẫm đến ta

14/09/2021 09:07 GMT+7

Sân vận động quốc gia “nhà người ta” thường luôn khang trang, đẹp đẽ nhờ được đầu tư nhiều tiền, bỏ công chăm chút vì là bộ mặt quốc gia. Sân Mỹ Đình đã từng lung linh như thế nhưng do quản lý kém nên ngày càng xuống cấp.

 Số phận khác nhau của top 5 Đông Nam Á

Tháng 5.2020, sân Mỹ Đình vinh dự nằm trong top 5 sân được yêu thích nhất Đông Nam Á do LĐBĐ châu Á (AFC) bầu chọn. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, cầu thủ và HLV tuyển Úc phàn nàn mặt sân quá tệ vì lớp cỏ già lồi lõm. Nhiều hình ảnh cơ sở vật chất sân đã xuống cấp suốt nhiều năm chưa được cải tạo càng thổi bùng bão chỉ trích dữ dội của dư luận.
Ngược lại, các sân vận động quốc gia nằm trong top khu vực khác luôn được bảo dưỡng khá kỹ đúng tính chất của bộ mặt quốc gia. Gần nhất, các sân Gelora Bung Karno (Indonesia), Bukit Jalil (Malaysia) hay Rajamangala (Thái Lan) đều trải qua những đợt cải tạo đáng kể sau một thời gian dài sử dụng. Tất nhiên, trong đó mặt sân luôn nằm trong danh sách ưu tiên chăm sóc cao nhất, liên tục được sửa chữa thay mới khi phát hiện cỏ xuống cấp. Các sân đấu này đều thuộc sở hữu nhà nước, được cấp kinh phí sửa chữa định kỳ để bảo đảm ngoài “bộ mặt quốc gia” hoàn hảo còn “giữ giá” khi chào bán cho thuê kiếm tiền thêm. Ngoài là sân nhà cho đội tuyển quốc gia, sân quốc gia Úc ở Sydney còn là sân nhà của CLB Western Sydney Wanderers. Đó là điểm lợi rất lớn giúp sân tránh bị “đắp chiếu”, vừa duy trì hoạt động đều đặn tránh hư hỏng vừa chia sẻ nguồn thu để tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất sân.
Mặt sân vận động quốc gia: Trông người mà ngẫm đến ta - ảnh 2

... hay Bukit Jalil (Malaysia) luôn được quan tâm, chăm sóc nên mặt sân rất đẹp

ảnh: AFP

Xã hội hóa chuyên nghiệp

Được xây với tổng chi phí lên đến 1,3 tỉ USD, tổ hợp Singapore Sports Hub còn được đồng bộ bằng hệ thống quản lý tiên tiến, minh bạch và nghiêm ngặt. Đơn vị quản lý sân trực thuộc bộ thể thao nước này có trách nhiệm duy trì hoạt động, khai thác hiệu quả để tạo nguồn thu bảo dưỡng cho tổ hợp hiện đại này. Mặt cỏ nhân tạo làm bằng sợi tổng hợp xen lẫn cỏ tự nhiên ban đầu bị chỉ trích đã được thay bằng cỏ tự nhiên từ năm 2015. Việc chăm sóc mặt cỏ được đặc biệt ưu tiên, được trồng ở một chỗ chuyên biệt. Khi Liên đoàn Bóng đá Singapore tổ chức trận đấu cho đội tuyển quốc gia, hoặc có sự kiện bóng đá lớn như ICC thuê sân thì mặt cỏ sẽ được đem từ chỗ nuôi đến sân để lắp đặt rất kỳ công. Ấy vậy mà khi nhận lời phàn nàn từ trung vệ David Luiz (khoác áo Chelsea thời điểm đó) và cả HLV Juventus Max Allegri tại giải ICC 2017 lập tức họ đã thay đổi, trồng ngay cỏ mới chỉ trong thời gian ngắn không muốn mất thể diện quốc gia.
Q.Việt
Một khoản thu rất quan trọng khác của các sân bóng quốc gia trong khu vực là xã hội hóa để có kinh phí phục vụ ngược lại cho việc duy tu, bảo quản sân. Cụ thể là các yếu tố thể thao và bóng đá được đặt lên hàng đầu, như là nơi diễn ra cho các chuyến du đấu của các CLB từ châu Âu như hệ thống giải ICC nổi tiếng, quy tụ các tên tuổi như Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester United, Real Madrid, PSG... hoặc cho các CLB hàng đầu quốc gia thuê lại, hoặc tổ chức các đại hội thể thao toàn quốc với hàng chục môn cần sân bãi, các sự kiện bóng đá trong khu vực có yếu tố thương mại, giải trí. Chính nhờ thi đấu thường xuyên như vậy, mặt sân sẽ được nâng cấp thường xuyên và nguồn thu cũng đủ trang trải cho việc bảo trì, tôn tạo.
Cũng có các sân vận động quốc gia như Singapore nằm trong tổ hợp thể thao Singapore Sports Hub được hưởng lợi khi có rất nhiều hoạt động quanh năm tại đây tạo nguồn thu cho việc nâng cấp cơ sở vật chất. Ngoài các loại hình thể thao phục vụ cho cộng đồng, các sân bãi tập luyện cho mọi đối tượng thì còn có viện bảo tàng, thư viện, siêu thị, các sân khấu biểu diễn âm nhạc, các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng ăn uống hoạt động quanh năm suốt tháng, thu hút lượng du khách đến tham quan, sinh hoạt đáng kể. Nguồn thu từ những hoạt động văn hóa giải trí này luôn dồi dào có nghĩa vụ đóng góp đáng kể giúp ban quản lý chăm sóc lại mặt sân và các công trình phụ khác của sân trong điều kiện tốt nhất, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, những người quản lý ở khu liên hợp Mỹ Đình trước đây không phải là không biết xã hội hóa để có nguồn thu. Nhưng đa phần các hoạt động mà họ mở ra thì lại ít liên quan đến yếu tố văn hóa thể thao và cũng không phục vụ tốt cho cộng đồng. Thay vào đó là những hoạt động kinh doanh phi thể thao chủ yếu tìm kiếm nguồn thu dễ dàng nhất chảy vào túi những người có trách nhiệm. Chính họ chỉ biết thu lợi cho mình mà không quan tâm gì đến chuyện đầu tư nâng cấp sân bãi rồi ngồi “há miệng” chờ ngân sách nhà nước. Thế nên mới có chuyện mặt sân Mỹ Đình hơn 10 năm không làm lại, xuống cấp nghiêm trọng làm xấu xí hình ảnh quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.