Huỳnh Quốc Cường: Cú đánh gót đi vào lịch sử

Lưu Ngọc Hùng
Lưu Ngọc Hùng
04/04/2020 08:46 GMT+7

Từ đường tạt bóng của Hồng Sơn bên cánh trái, một cái bóng vượt lên rất nhanh và dứt điểm điệu nghệ bằng cú đánh gót vào lưới Indonesia, giúp Việt Nam giành huy chương đồng Tiger Cup 1996. Bàn thắng đầy chất nghệ sĩ này là của danh thủ Huỳnh Quốc Cường.

Thể thao Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã có rất nhiều tài năng mà lối chơi, phong cách, thành tích của họ đã đi vào lòng người, để lại ấn tượng khó phai. Nhân 45 năm ngày lịch sử của dân tộc, Báo Thanh Niên gặp lại những người đã mang về niềm vui và tự hào đó cho màu cờ sắc áo nước nhà.
Tiền đạo “thư sinh”
Sinh năm 1972 tại Sa Đéc, chàng trai này cũng như bao cậu bé khác đều mê bóng đá, mà bóng đá thời của anh cũng chưa có các lò đào tạo quy mô nhỏ và vừa như bây giờ. Chơi phong trào học sinh, chơi cùng chúng bạn một cách tự phát, cái duyên đến bóng đá thật tình cờ khi được chọn vào đội trẻ Đồng Tháp khi 16 tuổi. Chơi cho H.Hồng Ngự tại giải A2, sau đó là tuyển tỉnh Đồng Tháp rồi đội tuyển quốc gia.

Quốc Cường (hàng giữa, thứ 3 từ trái sang) cùng đội tuyển Việt Nam những năm 1995-1996

tư liệu

Phong cách chơi bóng hào hoa, nhẹ nhàng và đầy chất nghệ sĩ, Quốc Cường được coi là chàng thư sinh, là 1 kẻ lãng tử trên sân với từng động tác tiếp bóng, từng pha dứt điểm cũng như kỹ năng qua người đôi khi rất “ẻo lả”.
Đồng đội thời đó luôn nói đội tuyển có 2 cầu thủ mà cách đá như con gái. Đó là tiền vệ Hồng Sơn (hay còn gọi là Sơn “công chúa”) và tiền đạo Quốc Cường (còn gọi là Cường “thư sinh”). Nhưng cả hai lại là những người góp công lớn cho bóng đá Việt Nam khi giành huy chương bạc SEA Games năm 1995 và huy chương đồng Tiger Cup 1996. Quốc Cường là người đã ghi bàn thắng đầu tiên cho tuyển Việt Nam vào lưới Malaysia ở trận mở đầu tại SEA Games 1995 và cũng chính anh thực hiện cú đánh gót vào lưới Indonesia ghi bàn thắng đi vào lịch sử giúp Việt Nam sau đó giành hạng ba Tiger Cup 1996.
Huỳnh Quốc Cường: Cú đánh gót đi vào lịch sử1

Quốc Cường trong màu áo tuyển Việt Nam

Ảnh: Tư liệu 

“Đến giờ dù đã 24 năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in tình huống đó. Tôi biết Hồng Sơn sẽ loại được hậu vệ đối thủ và tôi đã di chuyển vào vị trí có thể thực hiện một pha cắt mặt. Đối phương đeo bám quá sát nên khi Sơn chuyền vào tôi thực hiện luôn một cú giật gót và ghi bàn. Nhiều người sau này cứ hỏi tôi, có “bí kíp” giật gót gì để ghi bàn lạ lùng vậy không? Tôi nói thật chẳng có bí quyết gì cả, nó là phản xạ và động tác hay sử dụng trong trò chơi 4-2, hay cách gọi khác là “đá ma” thôi”, Quốc Cường nhớ lại.

Bước ngoặt cuộc đời

Nhưng cũng như cái đầu gối đã hành hạ Trần Minh Chiến, sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao của Quốc Cường cũng không kéo dài được lâu. Năm 1997 anh phải lên bàn mổ nối lại dây chằng, nhưng do trình độ y học thể thao bấy giờ còn hạn chế nên ca mổ không thực sự tốt, cộng với áp lực thi đấu thành tích, cái dây chằng gối trái của Quốc Cường lại bị đứt một lần nữa. “Khi đó mổ lại, tôi cảm thấy đôi chân không còn ổn nữa. Dù vậy, tôi vẫn tập luyện và ra sân đá lai rai khi đội nhà cần. Đến năm 2002 thì tôi phải nghỉ hẳn vì không thể chạy được với cái gối quá đau”, Quốc Cường kể lại.

Quốc Cường trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam năm 1996

tư liệu

“Tôi từng nhiều năm huấn luyện cho Đồng Tháp nên rất tiếc cho Quốc Cường. Cường có khả năng chơi lùi tốt, di chuyển rộng, lôi kéo đối phương và hỗ trợ tấn công nhanh. Ngoài khả năng chọn vị trí thì em xử lý bóng rất nhạy cảm và rất tinh tế. Quốc Cường là mẫu tiền đạo tài tử và kỹ thuật, nhưng cơ địa cậu ấy không thật tốt nên dễ bị chấn thương”, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận xét.
Sớm giã từ sự nghiệp, với áo trắng bỏ trong quần, khoác thêm bộ vest để đi thị trường, không ai có thể nhận ra hình ảnh cầu thủ quần đùi áo số Huỳnh Quốc Cường của vài năm về trước. Đảm nhiệm vị trí phó phòng thương mại thức ăn thủy sản khu vực Hồng Ngự của Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) chàng cầu thủ ngày nào khiến những người gặp anh tỏ ra bất ngờ. Học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp ngoài bóng đá cũng không có gì khác, kinh nghiệm sống ngoài xã hội cũng không phải quá nhiều, Quốc Cường phải “tự bơi”. Môi trường mới bỡ ngỡ nhưng anh sớm cho thấy khả năng thích ứng và dần dần tạo được uy tín và chỗ đứng trong công ty.

Quốc Cường làm kinh doanh

NVCC

“Xa bóng đá nhưng không phải hoàn toàn vì bóng đá là máu, là hơi thở, là cuộc sống, cũng nhờ bóng đá mà mọi người biết tôi, mọi người hỗ trợ và giúp tôi trong công việc hiện tại, nên tôi tự tâm niệm còn làm được gì giúp cho bóng đá tỉnh nhà và Việt Nam thì tôi sẽ làm”, Cường tâm sự khi nhắc đến bóng đá, một nỗi niềm chất chứa trong con người người nghệ sĩ sân cỏ. Anh vẫn xỏ giày ra sân chơi phong trào và hằng năm Chi hội cựu cầu thủ Đồng Tháp thường xuyên tổ chức 1 - 2 lần gặp nhau để giao lưu, chia sẻ và Quốc Cường là một trong những người chủ chốt của chi hội này.
Nếu một ngày có một lời mời từ các câu lạc bộ chuyên nghiệp dành cho anh thì anh sẽ quyết định như thế nào? “Cường đã có được cuộc sống ổn định, có được vị trí trong xã hội và đang làm tốt công việc của mình, nhưng nói về bóng đá thật khó...”, giọng Cường trầm ngâm và có phần lắng đọng. Anh không nói gì thêm nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được ở đâu đó trong trái tim chàng nghệ sĩ hào hoa một thời của bóng đá Đồng Tháp và Việt Nam vẫn luôn âm ỉ một dòng máu nóng với bóng đá và nó sẽ chảy mãi trong từng huyết quản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.