Có nên nâng sức chứa sân Mỹ Đình lên 60.000 chỗ ngồi ?

22/02/2020 08:57 GMT+7

Có nên nâng công suất của sân Mỹ Đình từ hơn 40.000 chỗ ngồi lên thành 60.000 chỗ ngồi để phục vụ SEA Games 31 năm 2021 hay không, vì một vài năm gần đây, nhu cầu của người hâm mộ Việt Nam đã lớn hơn sức chứa của sân rất nhiều.

Chính thức khởi công năm 2001 để phục vụ SEA Games 22, sân Mỹ Đình được đưa vào sử dụng vào tháng 9.2003 với chi phí xây dựng vào khoảng gần 53 triệu USD. Sân có sức chứa cụ thể gồm 40.192 chỗ ngồi với 4 khán đài. Khán đài A, B gồm 2 tầng, cao 25,8 m; khán đài C, D có 1 tầng, cao 8,4 m.

Sân đã quá chật chội

Sau 13 năm đi vào hoạt động, công trình chính của Khu liên hợp thể thao quốc gia dường như đã trở nên quá chật chội và bé nhỏ mà bằng chứng là ở những trận có sự tham dự của đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà, sân Mỹ Đình luôn ở trong tình trạng quá tải. Nhất là dưới thời dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, không chỉ những trận của tuyển mà còn của U.23 Việt Nam, công suất của sân không đủ đáp ứng nhu cầu khiến ban tổ chức trận đấu là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) luôn trong tình trạng “cháy vé”. Nhiều trận, số lượng đăng ký mua lên đến hơn 50.000 vé, thậm chí còn cao hơn, trong khi sức chứa của sân chỉ 40.000 chỗ.
Trước nhu cầu cấp thiết này, theo một lãnh đạo của Khu liên hợp thể thao quốc gia, vào giữa năm 2019 đã có ý kiến đề xuất ngoài việc đầu tư cải tạo chống xuống cấp, nên chăng cũng cần mở rộng số lượng chỗ ngồi của sân Mỹ Đình. Vì sức chứa của sân mang tầm quốc gia còn thua cả sân Cần Thơ (45.000 chỗ). Có nhiều quan điểm cho rằng ngành thể thao nên tính đến phương án, nâng cấp hai phía khán đài C, D, tạo thành những khu vực có mái che, tăng mỗi bên khán đài thêm 10.000 chỗ ngồi để sân nâng tổng công suất thành 60.000 chỗ ngồi.
Đây cũng là ý tưởng nhằm hướng tới phục vụ SEA Games 31 vào năm 2021 khi Việt Nam lần thứ 2 đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Ông Nguyễn Việt Tiến, Phó giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia, cho biết đề xuất này được đưa ra khi sân Mỹ Đình tổ chức các trận đấu sân nhà của Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.
Theo dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31, sân Mỹ Đình sẽ được tổ chức lễ khai mạc, lễ bế mạc, thi đấu điền kinh, dự kiến các trận bán kết và chung kết môn bóng đá nam. Nếu đội U.22 Việt Nam của HLV Park Hang-seo vào sâu thì rõ ràng, nhu cầu của khán giả còn “kinh khủng” đến mức nào.

Cần tiền và thời gian

Tuy nhiên, việc xây dựng thêm chỗ ngồi cho hai khán đài C, D của sân Mỹ Đình không đơn giản. Bởi nhiều lý do, kinh phí cho hạng mục này có thể lên đến 300 hoặc 400 tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước cho việc đầu tư cải tạo các công trình thể thao vốn rất hạn hẹp. Theo chủ trương chung của Chính phủ, việc tổ chức SEA Games 31 trên cơ sở tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu tổ chức đại hội; không sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình thể thao mới cho SEA Games. Bổ sung chỗ ngồi cho khán đài sân Mỹ Đình cũng có thể xem như xây mới một công trình và đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn.
Tổng chi phí cho công tác tổ chức SEA Games 31 từ con số gần 1.758 tỉ đồng đã được Ban soạn thảo dự thảo đề án đề xuất còn khoảng gần 900 tỉ đồng. Như Thanh Niên đã đưa tin, kinh phí nâng cấp sửa chữa tất cả công trình phục vụ tập luyện và thi đấu tại Hà Nội và các địa phương sẽ vào khoảng 600 tỉ đồng, ít hơn 203 tỉ đồng so với ban đầu. Nghĩa là mọi nguồn chi sẽ được cắt giảm. Do đó sẽ khó có khoản tài chính độc lập dành riêng cho hạng mục nâng số lượng chỗ ngồi sân Mỹ Đình.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một quan chức ngành thể thao nói thêm, việc mở rộng sức chứa của sân nếu có, cũng phải tiến hành đấu thầu, chọn nhà thầu có uy tín. Mọi quy trình cần phải tiến hành đúng thủ tục, đúng quy định của pháp luật và cũng cần phải có thời gian. Mà từ nay đến khi tổ chức SEA Games 31 (dự kiến vào tháng 11.2021) còn khoảng 21 tháng, e là không thể kịp tiến độ.  

Sân vận động quốc gia không thể dưới 50.000 chỗ

Nhìn ra khu vực, trừ những quốc gia không quá yêu thích bóng đá hoặc trình độ chưa phát triển thì sân vận động quốc gia khoảng trên dưới 30.000 chỗ, còn lại hầu hết đều phải trên 50.000 chỗ. Ở Đông Nam Á, sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan) 65.000 chỗ, sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur, Malaysia) 85.000 chỗ, sân vận động quốc gia Singapore 55.000 chỗ, sân Gelora Bungkarno (Jakarta, Indonesia) 80.000 chỗ, sân vận động quốc gia Campuchia ở thủ đô Phnom Penh 50.000 chỗ.
Các sân vận động quốc gia khác ở Nhật Bản, Trung Quốc, Kuwait, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc đều từ 65.000 - 80.000 chỗ. Do vậy việc mở rộng Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là điều cần phải tính tới. Năm 2021 không kịp thì chí ít cũng 3 - 4 năm nữa phải nâng sức chứa sân và mở rộng khuôn viên xung quanh sân cho xứng tầm, nhất là khi Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup 2026 hoặc 2030 thì nhu cầu xem bóng đá của người hâm mộ càng lớn, quy mô sân do vậy không thể cứ mãi “đóng khung” một cách chật chội như hiện nay. 
T.K
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.