World Cup 2022: Thủ môn tuyển Myanmar không muốn về nước, xin tị nạn ở Nhật

Tây Nguyên
Tây Nguyên
17/06/2021 12:18 GMT+7

Một thủ môn của đội tuyển Myanmar đã từ chối bay về nước và sẽ xin tị nạn ở Nhật Bản sau khi kết thúc vòng loại thứ 2 World Cup 2022 thuộc khuôn khổ bảng F.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi cuộc đảo chính hồi tháng 2 lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, làm bùng lên các cuộc biểu tình lớn và các cuộc đụng độ mới giữa quân đội và quân nổi dậy sắc tộc ở các vùng biên giới. Tháng trước, thủ môn dự bị Pyae Lyan Aung của tuyển Myanmar đã giơ 3 ngón tay (một hành động ám chỉ chống lại chính quyền quân sự ở quê nhà) chào khi bài quốc ca nước mình vang lên trước trận đấu ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 với chủ nhà Nhật Bản.

Pyae Lyan Aung của tuyển Myanmar giow 3 ngón tay trong quốc ca nước mình vang lên trước trận gặp Nhật Bản

CHỤP MÀN HÌNH

Cuối ngày 16.6, thủ môn này nói với một nhân viên nhập cư Nhật Bản tại sân bay ở Osaka rằng anh sẽ không lên máy bay trở lại Myanmar, luật sư Shogo Watanabe của nói với AFP. “Sau khi xác nhận nguyện vọng của anh ấy (Pyae Lyan Aung), chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục để xin quy chế tị nạn ở Osaka hoặc ở Tokyo. Tôi hy vọng tình trạng tị nạn của anh ấy sẽ được công nhận càng sớm càng tốt”, luật sư Watanabe nói và cho biết thêm quá trình này có thể mất nhiều tháng.

Tuyển Myanmar (áo trắng) sa sút sau khi nhiều trụ cột tẩy chay không lên tuyển

AFC

Đài truyền hình quốc gia NHK của Nhật Bản đã chiếu đoạn phim ghi lại cảnh cầu thủ nói chuyện thông qua một phiên dịch viên ở Osaka vào tối 16.6. "Nếu tôi trở lại Myanmar, tính mạng của tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tôi quyết định ở lại Nhật Bản. Chính phủ và người dân Nhật Bản phải biết tình hình của Myanmar. Tôi kêu gọi sự hợp tác của các bạn", thủ môn 28 tuổi cho biết.
Theo AFP, các đồng đội ở tuyển Myanmar của Pyae Lyan Aung được cho là đã trở về nhà hôm 16.6, và thủ môn cho biết sẽ không quay lại quê hương cho đến khi nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi trở lại nắm quyền. Nhưng Pyae Lyan Aung thừa nhận lo lắng về hậu quả của quyết định của mình, nói thêm: "Nếu bất kỳ nguy hiểm nào xảy ra với đồng đội hoặc thành viên gia đình của tôi, tôi sẽ quay trở lại Myanmar để bị bắt".

Người dân Myanmar vẫn biểu tình chống chính quyền quân sự

AFP

Nhật Bản có quan hệ lâu dài với Myanmar. Theo AFP, sau cuộc đảo chính, Tokyo đã đóng băng viện trợ mới cho Myanmar và cảnh báo ngay cả những dự án hiện có cũng có thể bị tạm dừng nếu chính quyền quân sự tiếp tục sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình. Trước đó, nhiều trụ cột đã tẩy chay khi từ chối cùng tuyển Myanmar đến Nhật Bản để đá 3 trận còn lại bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Điều này đã khiến lực lượng tuyển Myanmar khá yếu và họ đã để thua đậm cả 3 trận trước Nhật Bản (0-10), Kyrgyzstan (1-8), Tajikistan (0-4), đứng cuối bảng F.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.