Paolo Rossi qua đời: Đối thủ vĩ đại của Maradona trên thiên đàng!

10/12/2020 20:14 GMT+7

Chỉ trong nửa tháng, bóng đá thế giới xúc động chia tay hai huyền thoại vĩ đại - Diego Maradona (Argentina) và Paolo Rossi (Ý). Họ sẽ lại gặp nhau trên thiên đường, như cách nói quen thuộc. Còn trong bóng đá đỉnh cao, đâu là những chỗ giao nhau và những ngã rẽ giữa hai sự nghiệp bóng đá đầy màu sắc ấy?

Ai cũng biết, Maradona vang danh ở kỳ World Cup 1986. Sự xuất sắc ở giải đấu ấy chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến người ta phải đặt ra câu hỏi lịch sử, tranh cãi đến tận bây giờ: Pele hay Maradona mới thật sự là "vua bóng đá", qua mọi thời đại?
Bàn thắng đầu tiên của Maradona tại World Cup 1986, sau này vẫn được ghi nhận là một trong những cột mốc quan trọng không thể bỏ qua khi điểm lại sự nghiệp hào hùng của anh, chính là bàn thắng ghi vào lưới ĐKVĐ Ý, ở vòng đấu bảng. Bảy trong 11 cầu thủ Ý đá chính ở trận ấy đã dự và lên ngôi vô địch World Cup 1982. Nhưng tiếc thay, không có Paolo Rossi. Người hùng số 1 World Cup 1982, Rossi, chỉ có tên trong danh sách chứ không ra sân phút nào ở World Cup 1986. Và Rossi cũng chia tay đội tuyển quốc gia sau kỳ World Cup ấy.

Rossi (áo xanh sậm) và Maradona trực tiếp đụng độ trên sân tại World Cup 1982

FIFA.com

Trước đó, World Cup 1982 là giải đấu lớn duy nhất mà Rossi và Maradona trực tiếp đụng độ trên sân. Lạ thay, cả Rossi lẫn Maradona đều không thành công trong trận đấu cực kỳ quan trọng ở vòng bảng thứ hai của giải đấu ấy. Thắng bại là lẽ thường tình. Chỗ rất lạ ở đây là: họ đều không thành công, trong khi xét theo lẽ thường thì thất bại của người này phải là thành công của người kia, trong một cuộc đối đầu trực tiếp. Mặt khác, cả Rossi lẫn Maradona đều mờ nhạt trong khi cả hai đều sẽ trở thành ngôi sao sáng nhất thế giới, sau đó không lâu.
Rossi mờ nhạt vì anh... vốn đã như vậy. Không ai lấy làm ngạc nhiên về phong độ không mấy nổi bật của một tiền đạo đã bị treo giò 2 năm. Thật ra, Rossi bị treo giò đến 3 năm vì scandal bán độ Totonero nổi tiếng lịch sử, năm 1980. Án được giảm xuống 2 năm có lẽ là để Rossi còn chút cơ hội ở World Cup 1982. Trận gặp Argentina ở vòng bảng thứ hai là trận thứ tư liên tiếp Rossi không hề ghi bàn (sau 3 trận ở vòng bảng thứ nhất), dù anh luôn đá chính.

Paolo Rossi từ trần ở tuổi 64

Reuters

Thế còn Maradona? Anh bị đeo bám "như đỉa" bởi hậu vệ khét tiếng Claudio Gentile. Phải gọi đấy là ca "một kèm một" nổi tiếng nhất trong toàn bộ lịch sử bóng đá. Chắc chắn sẽ không bao giờ lặp lại một câu chuyện như thế, đơn giản vì bóng đá sau này đã phải... đổi luật, để ngăn cản cách phòng thủ như vậy. Gentile theo sát Maradona trong suốt trận đấu và không từ bỏ một thủ đoạn nào để ngăn cản ngôi sao Argentina chơi bóng. Coi như đấy là trận đấu mà mỗi bên chỉ còn 10 người. Thua Ý 1-2, Argentina gặp đội còn lại trong bảng là Brazil ở trận kế tiếp và bị loại sau khi thua 1-3. Vì mỗi bảng có 3 đội, chọn 1 đội vào bán kết, nên đội thua trận đầu sẽ gặp đội chưa đấu ở trận kế tiếp, để đảm bảo trận cuối cùng trong bảng luôn còn ý nghĩa - World Cup 1982 là kỳ World Cup mà lịch thi đấu của vòng bảng thứ hai không được định sẵn!
Argentina thua Ý và Maradona thất bại vì bị "kèm chết" đều là sự kiện bất ngờ. Ngược lại, không có gì bất ngờ khi Argentina thua Brazil (Maradona lãnh thẻ đỏ gần cuối trận). Đội bóng có Zico, Socrates, Falcao, Eder, Junior, Cerezo... khi ấy được xem là đội hay nhất thế giới, đội bóng "đến từ hành tinh khác". Chính vì vậy, càng là một cú bất ngờ "chấn động lịch sử", khi Rossi bỗng tỏa sáng với cú hat-trick giúp Ý thắng Brazil 3-2 ở trận quyết định. Do thắng Argentina đậm hơn, Brazil chỉ cần hòa là đủ vào bán kết. Socrates và Falcao đã liên tục gỡ hòa sau các bàn thắng của Rossi. Nhưng Rossi vẫn tiếp tục ghi bàn. Một mặt, đấy là trận đấu để đời của Rossi. Mặt khác, Ý thắng nhờ kỹ năng phòng thủ tuyệt vời và chiến thuật xuất sắc của HLV Enzo Bearzot.

Paolo Rossi (trái) đã tỏa sáng với cú hattrick trong trận Ý 3-2 Brazil tại World Cup 1982

Reuters

Chỉ trong 1 tuần (từ ngày 5.7 đến ngày 11.7), Rossi từ chỗ là con số 0 đã ghi liên tục 6 bàn giúp Ý thắng Brazil 3-2, Ba Lan (2-0 ở bán kết) và Đức (3-1 ở chung kết) để đoạt chức vua phá lưới, giúp Ý vô địch World Cup. Tất nhiên, anh sẽ lãnh "Quả Bóng vàng châu Âu" của France Football và danh hiệu "Cầu thủ hay nhất thế giới" của World Soccer vào cuối năm (giải thưởng của FIFA khi ấy chưa ra đời).
Nếu như Maradona một mình đưa Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1986 thì Rossi chính là người diễn vai ấy tại World Cup 1982. Trước đó, họ đều xuất hiện trong đội tuyển quốc gia lần đầu tiên vào năm 1977. Maradona không được chọn vào danh sách Argentina tại World Cup 1978, trong khi Rossi chính là ngôi sao trẻ nổi bật ở giải đấu ấy (đấy là lý do vì sao Ý cần giảm án treo giò để có Rossi tại World Cup 1982). Trong lịch sử World Cup, không có ngôi sao nào sánh nổi vai trò cá nhân của Maradona tại World Cup 1986 và Rossi tại World Cup 1982.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.