Thể thao điện tử Việt Nam đặt mục tiêu Top 10 Châu Á

Thành Luân
Thành Luân
13/06/2022 09:57 GMT+7

Thể thao điện tử (eSports) của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bức phá trong thời gian tới, sau khi gặt hái được những thành tích cao tại SEA Games 31 .

Trước những thành tích đáng tự hào của đoàn Thể thao điện tử (eSports) Việt Nam tại SEA Games 31, Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện nhanh với ông Đỗ Việt Hùng – Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam -VIRESA – đơn vị được Ban tổ chức SEA Games giao nhiệm vụ tổ chức, điều hành công tác thi đấu eSports tại Đại hội lần này.

Ông Đỗ Việt Hùng – Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam - VIRESA

ctv

Chào ông, ông có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho bộ môn eSports tại SEA Games 31 không?

Khác với SEA Games 30, năm nay, chúng ta vừa phải chuẩn bị cho đội tuyển nước nhà thi đấu và vừa phải đón tiếp đoàn thể thao các nước. Ban tổ chức (BTC) môn eSports tại SEA Games 31 được thành lập bao gồm đại diện BTC Đại hội, VIRESA, Nhà phát hành (NPH) cùng các bên liên quan… có nhiệm vụ triển khai công tác tổ chức các nội dung thi đấu tại SEA Games 31 đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

VIRESA với vai trò là đơn vị đầu mối đã phối hợp rất chặt chẽ với các NPH trong nước cũng như các đối tác khác để có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và toàn diện cả về công tác tổ chức, điều phối và các hoạt động chuyên môn. Với sự đầu tư bài bản, quy mô, chuyên nghiệp trong mọi hoạt động từ hậu cần đến tổ chức thi đấu và sản xuất, chúng tôi cũng đánh giá vai trò và sự đóng góp của các NPH là rất lớn trong tổng thể sự thành công của eSports tại SEA Games 31 lần này.

eSports SEA Games 31 có tới 8 bộ môn gồm 10 nội dung thi đấu tranh huy chương diễn ra trong 10 ngày liên tục. Theo số liệu tổng hợp của BTC môn eSports, tổng cộng có 485 VĐV, HLV và hơn 120 người hỗ trợ đến từ 10 quốc gia tham dự. Chúng tôi huy động đội ngũ nhân sự lên đến gần 900 người gồm quan chức kỹ thuật, trọng tài quốc tế, trọng tài quốc gia phục vụ công tác tổ chức. Những số liệu này cũng một phần cho thấy sự quan tâm của các quốc gia trong khu vực đồng thời thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của BTC, trong đó đặc biệt là sự đóng góp nguồn lực của các NPH trong nước.

Sự chuẩn bị như trên rõ ràng đã đem lại những kết quả rất tích cực. Ông nghĩ sao về thành tích của các VĐV eSports tại SEA Games lần này?

Các nội dung thi đấu thể thao điện tử tại SEA Games 31 lần này cho thấy sự cạnh tranh tương đối cân bằng và đa dạng trải dài ở cả 10 nội dung thi đấu. Ở nhiều nội dung, cơ hội là đồng đều cho tất cả các đội tuyển tham dự và thành tích chỉ được xác định ở những thời điểm cuối cùng.

Với kết quả 4 HCV, 3 HCB, các đội tuyển eSports Việt Nam cũng đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, sự nỗ lực tuyệt vời để mang về kết quả rất đáng tự hào với thành tích xếp hạng Nhất chung cuộc. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhìn thấy sự cạnh tranh rất quyết liệt đến từ các đoàn như Thái Lan, Indonesia, Philippine, Malaysia và Singapore

Kết quả thi đấu tại SEA Games 31 lần này của Đoàn thể thao điện tử Việt Nam có thể nói đã đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ, phản ánh được tiềm năng và năng lực của nền thể thao điện tử Việt Nam, đủ điều kiện để khẳng định vị thế trong nhóm dẫn đầu tại Đông Nam Á. Qua đó sẽ tạo những điều kiện tiền đề rất tốt cho quá trình chinh phục mục tiêu tầm cỡ khu vực và thế giới trong thời gian tới.

ViCoi (Phan Văn Đông) nhận “thưởng nóng” từ NPH VNG với thành tích HCV nội dung cá nhân bộ môn PUBG Mobile

ctv

Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển của thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới?

Việc tổ chức thành công SEA Games 31 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của eSports Việt Nam. Tiếp nối SEA Games 31 sẽ là sự chuẩn bị cho những hoạt động tiếp theo như ASIAD hay SEA Games 32 tại Campuchia năm 2023. Về định hướng, eSports Việt Nam đặt mục tiêu Top 10 khu vực Châu Á và thế giới trong giai đoạn tới. Để hiện thực hoá mục tiêu này, chúng ta sẽ cần có sự đồng bộ trong nhiều hoạt động, sự ủng hộ và hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp phát hành, các nguồn lực xã hội hoá phù hợp.

Chúng tôi cũng rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là sự cổ vũ của khán giả và người hâm mộ Việt Nam. Đây sẽ là nguồn động lực to lớn cho Thể thao điện tử Việt Nam tự tin tại các sân chơi đẳng cấp thế giới.

Hiện nay, vẫn còn nhiều định kiến về thể thao điện tử trong cộng đồng, ông nghĩ sao về điều này?

Thành công của đoàn thể thao điện tử Việt Nam tại SEA Games 31 đã nhận được sự cổ vũ rất lớn từ cộng đồng. Với những gì mà chúng ta đã cùng nhau nỗ lực để có được một kỳ SEA Games 31 thành công, có thể nói Việt Nam đã sẵn sàng cho mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu cho các hoạt động, sự kiện và giải đấu eSports theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây cũng là mục tiêu và là tiền đề cho việc quảng bá cả những nét đẹp văn hoá, du lịch Việt Nam, giới thiệu và thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào thể thao điện tử Việt Nam nói riêng và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao nói chung, đóng góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Trên thế giới, nền công nghiệp eSports đã tạo ra doanh thu tỉ đô cho nhiều quốc gia. Chỉ cần khai thác được một phần nhỏ tiềm năng đó, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có thêm một nguồn thu vừa bền vững, vừa đáng kể.

Bên cạnh đó, có thể nói vận động viên Thể thao điện tử đã là một nghề chuyên nghiệp với đầy thách thức nhưng vinh quang. Để phát triển sự nghiệp đường dài vận động viên cần có đủ kiến thức văn hóa, thể lực, tâm lý và kỹ năng thi đấu. Qua thực tế này đông đảo giới trẻ sẽ ý thức được rằng đi theo con đường Vận động viên chuyên nghiệp thật không dễ dàng, từ đó lựa chọn cân bằng trong học tập, lao động, giải trí nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và đó cũng là mục đích cuối cùng của mọi bộ môn thể thao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.