Thế nào là trường học hạnh phúc theo cách nhìn của học sinh?

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái,TP.HCM)
08/09/2023 10:09 GMT+7

Trong năm học mới 2023 - 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng những ngôi trường hạnh phúc để học sinh và thầy cô vui khi đến trường.

Những ngày đầu năm học 2023-2024, giáo viên cho học sinh mới bước vào lớp 10 viết lên những dòng chia sẻ của mình về chủ đề trường học hạnh phúc

Bài viết có thể kể về mái trường mà em đã, đang học làm cho em cũng như nhiều học sinh hạnh phúc; cũng có thể kể về một hay một số thầy cô, bạn bè làm cho em hạnh phúc. Hay bài cảm nhận, suy nghĩ của em về trường học hạnh phúc; niềm ước mơ của em về một trường học hạnh phúc. Cũng có thể bài viết thể hiện ý kiến của em để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc...

Góc nhìn của học sinh về 'Trường học hạnh phúc' - Ảnh 1.

Trường học hạnh phúc sẽ góp phần tạo động lực cho học sinh học tốt hơn

NGỌC DƯƠNG

Nhiều bài viết khá ấn tượng từ góc nhìn của những học sinh bước vào lớp 10. Xin chia sẻ hai bài viết sau đây:

Trường hạnh phúc là khi học sinh được khám phá, tạo ra màu sắc riêng

Năm học 2023-2024 đang thả neo, sự phát triển vượt bậc về mặt công nghệ thông tin và nhịp sống của xã hội phải càng ngày càng thay đổi để thích ứng là những thứ ta không thể ngăn cản. Mọi thứ đều phải "biến" chính nó thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân nó, hoặc là bị đào thải, hoặc là tiếp tục tồn tại. 

 Hãy so sánh một chiếc truyền hình (ti vi)  hơn 30 năm về trước và truyền hình hiện tại. Chỉ với 3 thập niên, cái truyền hình to đùng, dày cộp mà còn chẳng có màu, giờ đây lại mỏng, màn hình to mà viền nhỏ, đầy đủ thứ màu sắc. 3 thập niên mà con người đã tiến bộ như vậy rồi! Chiếc truyền hình viền dày, màn hình nhỏ đã bị đào thải, giờ đây là thời kỳ của những chiếc máy "càng mỏng càng đắt". 

Bạn thấy đó, mọi thứ phải phát triển và đào thải. Vậy tại sao những ngôi trường với những giáo án cũ vẫn còn đấy?

Vào 30 năm trước, ba mẹ chúng ta đi học phải mang cặp, học trong sách, học một cách khô khan thì giờ đây, đa số các trường vẫn giữ nguyên cách dạy như vậy! Tới giờ vào lớp, thầy giảng và chép gì trên bảng, học sinh chép lại y chang, chỉ biết lặp lại mà còn chẳng thấm được bao nhiêu. 

"Nếu ta không thể khắc phục, ta sẽ tạo mới" là châm ngôn của rất nhiều các thế hệ đi sau, không ngừng tìm tòi và đổi mới.

Sự ra đời của các trường học hạnh phúc cũng từ đây mà bắt đầu. Trường học hạnh phúc là một khi bạn đặt chân vào đó, bạn sẽ như được mở khóa nhiều bậc cảm xúc khác nhau vì mỗi cách dạy của một giáo viên, là một màu sắc riêng biệt, tô lên bức tranh tuổi học trò. Ngôi trường hạnh phúc cần đủ 3 tiêu chí: An toàn-Yêu thương-Tôn trọng cùng với cách dạy học sôi nổi và không đi theo lối mòn, chẳng hạn học toán và văn nhưng lại được lồng cả các môn âm nhạc, mỹ thuật... 

Nếu các thầy, cô muốn học sinh học một cách hiệu quả, muốn đất nước tìm được nhiều nhân tài, tìm ra các đường lối đặc biệt, hãy cho đầu óc của học sinh được tự tìm tòi, tự khám phá, được thư thái và tạo ra màu cho riêng các em. 

Mấu chốt của việc giáo dục thành công là chỉ khi ta đào tạo được một công dân hạnh phúc. Đó cũng là mục đích của các ngôi trường hạnh phúc.

Học sinh Chen Bá Nguyên

Góc nhìn của học sinh về 'Trường học hạnh phúc' - Ảnh 2.

Học sinh phấn khởi trong lễ khai giảng năm học mới 2023-2024

NGỌC DƯƠNG

Yêu thương từ gốc rễ

Trường học như chiếc thuyền lớn, trên chiếc thuyền ấy học sinh là các hành khách, còn thầy cô là người lái thuyền. Cuộc đời là dòng nước chảy. Gió thổi đâu thì xuôi chiều đó do vậy ta phải có thuyền trưởng bản lĩnh thì mới đi được đúng và xa trên chiếc thuyền ấy. 

Một chiếc thuyền tốt thì phải có cơ sở vật chất tốt, thuyền viên phải đoàn kết tốt, thuyền trưởng phải giỏi thì mới vượt qua được cơn bão lớn. Trường học cũng như vậy, nhà trường sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất để cho các em học sinh có môi trường học tốt hơn, thầy cô phải là người bảo vệ về thể chất và tinh thần cho các em. Việc đơn giản nhất là đến trường thôi cũng là khó với nhiều bạn vì trong các bạn ấy luôn có một áp lực vô hình, không thể chia sẻ được cho ai. Vì thế trường học rất cần thầy cô quan tâm và thấu hiểu học sinh nhiều hơn.

Cũng nên phân biệt giữa truyền đạt và nhồi nhét. Một người thầy giỏi sẽ không chỉ giúp học sinh làm sao có được điểm tối đa trong kiểm tra mà là người khơi dậy nguồn lửa trong các bạn ấy. Khi học sinh hạnh phúc, yêu thương, chia sẻ thì mới có tinh thần tích cực, vui vẻ trong công việc và học tập từ đó mới nảy sinh nhiều ý tưởng đột phá sáng tạo mới mẻ. 

Không có quy chuẩn nào đo được trường học thế nào là hạnh phúc nhưng với em khi lãnh đạo đủ yêu thương thì cấp dưới, học sinh sẽ yêu thương. Đơn giản thôi, trồng cây khi yêu thương từ rễ thì sau lớn lên, tới ngọn cao nó cũng sẽ yêu thương. 

Học sinh Phạm Gia Huy

Trong thời gian một tiết học, các em đã chia sẻ qua bài viết của mình bằng những câu chuyện về trường cũ, trường mới, về thầy cô, bạn bè… làm cho các em cảm nhận được niềm hạnh phúc mỗi ngày đến trường hay những góp ý của các em để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc mà các em mong muốn. Qua chia sẻ của các em, chúng tôi có thêm những "bài học quý" để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.