Thế nào là bài tập về nhà ngày tết?

09/01/2023 04:13 GMT+7

Bài tập về nhà bỗng trở thành vấn đề khi học sinh kết thúc học kỳ 1 và chuẩn bị cho đợt nghỉ dài đón Tết Nguyên đán.

Trong khi một số địa phương quy định cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh (HS) thì nhiều người vẫn tranh luận vấn đề này.

Từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã có quy định không giao bài tập về nhà cho HS tiểu học 2 buổi/ngày. Thực tế, nhiều phụ huynh vẫn yêu cầu giáo viên cho con em mình bài tập về nhà mới yên tâm, chưa kể cha mẹ còn cho trẻ từ lớp 1 tham gia các lớp học thêm… Ngay trước khi HS bước vào đợt kiểm tra học kỳ 1, Sở

GD-ĐT TP.HCM lặp lại yêu cầu này. Điều này cho thấy nếu dạy đúng, dạy đủ, HS tiểu học 2 buổi đến trường thì không cần thiết phải có bài tập về nhà. Thay vào đó, các em dành thời gian bên gia đình, tận hưởng cuộc sống của một đứa trẻ ngoài giờ học, tham gia rèn luyện kỹ năng, thể lực…; những điều thật sự giúp ích cho HS tiểu học hơn là chăm bẵm vào bài tập về nhà chỉ nhằm để nâng cao điểm số. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, phụ huynh lo nếu không có bài tập về nhà để “níu” HS thì các em sẽ sa vào thế giới của mạng xã hội, internet, dí mắt vào màn hình máy tính, điện thoại di động… Nhưng sự lo lắng này không đồng nghĩa với việc giao bài tập về nhà cho HS như một “bảo mẫu”. Để giải quyết vấn đề này, từng gia đình cần tìm cách để trẻ vui thú với những hoạt động ý nghĩa trong đời thực.

Ngày thường đã thế thì ngày lễ tết, HS tiểu học cần được trải nghiệm, tham gia các hoạt động lễ hội, tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc sum họp gia đình. Chính vì vậy, giao bài tập về nhà cho HS thời điểm này càng không cần thiết.

Với HS các cấp THCS, THPT, trong thời gian đi học, cần bài tập về nhà ở mức độ vừa phải để chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt là HS cuối cấp. Vậy còn trong thời gian nghỉ tết thì sao?

Ở lứa tuổi này, HS đã phát triển về nhận thức, nhiều HS đã biết tận dụng thời gian nghỉ tết tham gia các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội để biết giá trị của cho đi và nhận lại, trân quý những gì mình đang có. Bên cạnh đó, với HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc khu vực nông thôn thì đây là khoảng thời gian các em cần phụ giúp gia đình, làm thêm kiếm thu nhập trong những ngày tết. Đơn giản hơn, có HS dùng thời gian này để đọc vài cuốn sách, xem những bộ phim, sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết một chương trình máy tính… mà do bận rộn với việc học hằng ngày không có điều kiện thực hiện. Vậy thì với khoảng trên dưới 10 ngày nghỉ tết tùy từng địa phương, HS nhận mỗi môn vài bài tập về nhà liệu có giải quyết được vấn đề?

Chúng ta đang sống trong một thế giới với khái niệm VUCA (biến động - Volatility, không chắc chắn - Uncertainty, phức tạp - Complexity, và mơ hồ - Ambiguity). Những gì đã diễn ra trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 đã thấy rõ điều đó. Chính vì thế giáo dục theo quan điểm hiện đại không còn tập trung dạy cho người học những kiến thức có thể dễ dàng tra cứu qua internet, cũng không quan trọng về điểm số, mà rèn HS một nghệ thuật sống trong thế giới đổi thay liên tục với những kỹ năng cần thiết, trong đó khả năng tự học, hợp tác, thích nghi… là vô cùng cần thiết.

Với suy nghĩ này thì bài tập về nhà đâu đơn thuần chỉ là những bài toán khó, đề cương môn văn… mà còn là những hoạt động trải nghiệm, những kỹ năng cần thiết giúp HS thích nghi với cuộc sống biến động không ngừng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.