Thế lực đen thao túng hạt nhân Hàn Quốc

07/08/2013 11:00 GMT+7

Có đến 14/23 lò phản ứng của Hàn Quốc không bảo đảm an toàn do sự câu kết giữa đơn vị quản lý, cung cấp thiết bị và kiểm định.

Ủy ban An ninh và an toàn hạt nhân Hàn Quốc (NSSC) vừa ra lệnh đóng cửa 2 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và hoãn kế hoạch tái vận hành 2 cơ sở khác sau khi phát hiện dây cáp kiểm soát được lắp đặt là hàng giả. Đây là một thiết bị rất quan trọng, có chức năng kích hoạt những cơ chế an toàn, chẳng hạn như bộ phận làm mát lò phản ứng, khi xảy ra sự cố. Sau đó, giới chức tiến hành điều tra sâu rộng và phát hiện phụ tùng, thiết bị tại 14 trong tổng số 23 lò phản ứng ở Hàn Quốc đều có vấn đề, theo báo The New York Times.

 Hai lò phản ứng ở Hàn Quốc bị lắp đặt dây cáp kém chất lượng
Hai lò phản ứng ở Hàn Quốc bị lắp đặt dây cáp kém chất lượng - Ảnh: The Korea Herald

 

Những tên mafia này đã chi phối ngành điện hạt nhân từ xây dựng đến vận hành và kiểm định trong nhiều thập niên, hình thành một dây chuyền thao túng, tham nhũng và thu lợi bí mật

Báo The Korea Times

Về vụ dây cáp, một công ty kiểm định phụ tùng bị cáo buộc đã thay đổi biểu đồ và kết quả kiểm nghiệm, đưa ra kết luận hoàn toàn ngụy tạo về độ đạt chuẩn của thiết bị. Theo báo Hankyoreh, các dây cáp trên đã được lắp đặt từ năm 2008. Tờ báo đặt câu hỏi rằng trong 5 năm qua, còn bao nhiêu vụ việc tương tự đã lọt lưới NSSC và Công ty điện hạt nhân - thủy điện (KHNP), vốn trực thuộc Công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO). Thậm chí vụ làm giả báo cáo kiểm định dây cáp chỉ có thể bị phanh phui nhờ một tin báo nặc danh gửi cho giới chức. Truyền thông Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng đây không phải lần đầu tiên, các lò phản ứng hạt nhân sử dụng “đồ lô”. Hồi cuối năm 2012, NSSC đã đóng cửa 2 lò phản ứng sau khi phát hiện những nhà cung cấp làm giả chứng nhận kiểm tra an toàn cho 13.000 phụ tùng.

Mafia hạt nhân

Giới công tố Hàn Quốc đã triệu tập người đứng đầu Công ty Saehan TEP về nghi vấn làm giả chứng nhận chất lượng dây cáp, theo báo The Korea Herald. Một nhân viên cấp cao của Công ty JS Cable cũng bị thẩm vấn với cáo buộc cung cấp phụ tùng giả và câu kết với Saehan TEP qua mặt cơ quan chức năng. Các nhà điều tra phát hiện giữa 2 công ty này có quan hệ chằng chịt và mờ ám. Ngoài ra, Phó chủ tịch của Saehan TEP từng làm giám đốc công nghệ của Công ty xây dựng và kỹ thuật KEPCO (KEPCO E & C), một công ty con khác của KEPCO và chịu trách nhiệm thông qua chứng nhận chất lượng được đề xuất từ đơn vị kiểm định.

The New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng lâu nay ngành điện lực nói chung và điện hạt nhân nói riêng của Hàn Quốc mang nặng tính độc quyền và tập trung hóa cao độ. Cụ thể, KEPCO cung cấp 93% lượng điện của nước này và quản lý tất cả các nhà máy điện hạt nhân. Trong số các công ty con, KHNP chịu trách nhiệm vận hành các cơ sở hạt nhân còn KEPCO E & C được giao nhiệm vụ kiểm tra thiết bị từ nhà cung cấp và thông qua giấy chứng nhận do bên kiểm định đề xuất. Từ những tính chất trên cộng với việc thiếu cơ chế giám sát hiệu quả dẫn đến tình trạng mà Thủ tướng Chung Hong-won gọi là “hoạt động theo kiểu mafia” đã tồn tại trong nhiều thập niên. 

Mafia hạt nhân, theo tờ The Korea Time, là một mạng lưới bao gồm quan chức, chuyên gia, giới chủ và có thể là cả các tập đoàn tội phạm lớn cộng sinh để thu lợi bất chính. Phần lớn trong số họ chiếm những vị trí chủ chốt tại các công ty xây dựng lò phản ứng, chế tạo thiết bị, cơ quan kiểm định cũng như chính quyền và công ty điện lực. Chưa hết, nhiều nhân viên KEPCO về hưu lại tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp liên quan đến điện hạt nhân. “Những tên mafia này đã chi phối ngành điện hạt nhân từ xây dựng đến vận hành và kiểm định trong nhiều thập niên, hình thành một dây chuyền thao túng, tham nhũng và thu lợi bí mật”, The Korea Times cảnh báo trong một bài xã luận hồi tháng 6.

Khó chặt vòi bạch tuộc

Trong nỗ lực triệt phá mafia hạt nhân, chính phủ Hàn Quốc quyết định kiểm tra 125.000 chứng nhận được cấp cho những thiết bị nhà máy điện hạt nhân trong thời gian qua. Seoul hứa sẽ trừng phạt nặng những nhân viên KHNP và KEPCO E & C có liên quan vụ bê bối dây cáp, đồng thời thắt chặt quy định cấm người về hưu từ 2 công ty này làm việc tại các nhà cung cấp phụ tùng và công ty kiểm định, theo Yonhap. Thủ tướng Chung nhấn mạnh: “Những vụ mới nhất đã gây quan ngại sâu sắc trong người dân. Bất kể họ là ai, chúng tôi sẽ đưa những người có tội ra công lý”.

Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc vẫn lo ngại rằng những cam kết và hành động nói trên sẽ lại rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” và sẽ không dễ dàng triệt hạ một mạng lưới khổng lồ tồn tại trong thời gian dài liên quan đến nhiều nhân vật “tai to mặt lớn”. The New York Times chỉ ra rằng sau vụ bê bối 13.000 thiết bị kém chất lượng năm ngoái, chính quyền tuyên bố những nhà cung cấp dùng chứng nhận giả sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 10 năm. Tuy nhiên, đến tháng 2.2013, KHNP giảm thời hạn phạt chỉ còn có 6 tháng.

Văn Khoa

>> Hàn Quốc dự định đóng mới 9 tàu ngầm
>> Kim Tae Hee - diễn viên Hàn Quốc được yêu thích nhất châu Á
>> Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Hàn Quốc
>> Hàn Quốc khảo sát toàn cầu về hình ảnh quốc gia
>> Hàn Quốc đưa đề nghị đàm phán về Kaesong
>> Hàn Quốc tăng ngân sách quốc phòng đề phòng Triều Tiên
>> Hàn Quốc muốn mua 270 tên lửa tối tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.