'Thế khó' của Quy hoạch quốc gia

08/01/2023 08:17 GMT+7

Dù chỉ 2 ngày nữa sẽ bấm nút thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, song thảo luận ngày 7.1, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn với tính khả thi của các định hướng trong quy hoạch.

Còn dàn trải, ôm đồm

Đại biểu (ĐB) Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (Quy hoạch) không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển KT-XH đã được Đại hội Đảng XIII thông qua. Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn. “Những nội dung nào chúng ta có lợi thế thì chúng ta quy định rất rõ trong này, chứ không dàn trải, chỗ nào cũng có một chút thì không rõ cái gì chúng ta có khả năng trở thành điểm sáng thế giới”, ĐB An nêu.

Đại biểu Trịnh Xuân An (trái) và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội trường

GIA HÂN

Tương tự, góp ý về phát triển du lịch, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng Quy hoạch vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. “Trong 6 vùng không gian phát triển KT-XH, các sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau”, bà Nga nói và đề nghị rà soát theo hướng xác định những sản phẩm nổi trội.

Nhiều ĐB cũng băn khoăn về tính khả thi của một số chỉ tiêu trong Quy hoạch. ĐB Trần Quang Minh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc đặt mục tiêu đến 2030 VN có 45 - 50 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13 - 15 lần hiện tại và 3 lần so với thời điểm cao nhất trước đây là khó khả thi; hay định hướng “không còn hộ nghèo” là phi thực tế… Theo ĐB Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Yên Bái, về giải pháp huy động vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 48,3 triệu tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công khoảng 6,78 triệu tỉ đồng. “Đây là con số rất lớn, đạt khoảng 35% GDP, do vậy Chính phủ cần cân nhắc tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước”, ĐB Luận nêu.

Đã nghiên cứu nguồn lực

Trấn an các ĐB, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội là công trình nghiên cứu “hết sức đồ sộ, công phu”, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu; gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu với khoảng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia.

“Chúng tôi đã triển khai trong suốt 2 năm qua với hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo, với một phương pháp tiếp cận hết sức mới, hiện đại và đảm bảo các thông lệ tốt của quốc tế cũng như các nghị quyết của T.Ư Đảng. Báo cáo để Quốc hội yên tâm”, ông Dũng nói, và khẳng định nhiều lần rằng các ý kiến góp ý về định hướng phát triển của các ngành, các vùng, danh mục dự án, nguồn lực, mục tiêu, chỉ tiêu… “đều đã cơ bản tiếp thu”.

Ông Dũng nói việc xây dựng Quy hoạch có nhiều khó khăn khi đây là nhiệm vụ mới, khó, lần đầu tiên làm nên chưa có kinh nghiệm; các nước cũng mỗi nước làm một kiểu. Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên làm quy hoạch theo hướng tích hợp với yêu cầu vừa không được chung chung quá vì sẽ trùng với chiến lược, định hướng nhưng cũng không được chi tiết quá để tránh trùng với quy hoạch ngành, vùng, là “vấn đề khó nhất” trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia.

“Chậm thanh toán gây tổn thương lực lượng tuyến đầu”

Chiều 7.1, thảo luận tại hội trường về Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều ĐB đặt câu hỏi về trách nhiệm chậm thanh toán chi phí phòng chống dịch.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận lý do vì sao chậm trễ thanh toán chế độ và chi phí cho việc chống dịch. Ông nêu 3 lý do: thiếu tinh thần trách nhiệm; bị mất phương hướng sau khi có hàng loạt sai phạm xảy ra; những người có trách nhiệm liên quan thì rất sợ sai. ĐB Trí cũng đề nghị sau khi có nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo thật quyết liệt, không để tồn đọng, làm mất lòng tin của người dân. Cùng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề nghị thanh toán chi phí phòng, chống dịch phải đơn giản, rút gọn vì "chậm thanh toán đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch”.

Tiếp thu ý kiến ĐB, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải thích việc chưa hoàn thành thanh toán chi phí là do trong quá trình chống dịch các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành y tế phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch. Từ đó, đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Liên quan tới tính khả thi và nguồn lực, ông Dũng nhấn mạnh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. “Để đảm bảo tính khả thi kịch bản thì phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất, khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước, cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra”, ông Dũng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.