Xung đột Nagorno-Karabakh: Armenia dọa dùng tên lửa Iskander nếu Thổ Nhĩ Kỳ điều F-16

29/09/2020 11:02 GMT+7

Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander do Nga sản xuất ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ điều động các chiến đấu cơ F-16 đến hỗ trợ Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công.

Đại sứ Armenia tại Nga, ông Vardan Toganyan ngày 28.9 tuyên bố Armenia chuẩn bị sẵn sàng "tất cả biện pháp, bao gồm tên lửa Iskander và tiêm kích Su-25" nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến đấu cơ F-16, theo đài RT.
Quân đội Armenia hiện sở hữu 9K720 Iskander, một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động (tầm bắn 50 km) do Nga sản xuất.
Đại sứ Toganyan cho biết thêm hệ thống phòng không của Armenia đủ sức đối phó máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan "lôi cuốn" các cường quốc

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia, ông Artsrun Hovhannisyan cho biết nước này có thể sử dụng vũ khí hạng nặng nếu cần thiết. Tổng thống Armenia, ông Armen Sarkissian đồng thời cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các máy bay không người lái quân sự, lính đánh thuê và cả F-16 cho Azerbaijan.
Trong khi đó, chính quyền Azerbaijan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào bất kỳ cuộc giao tranh nào ở Nagorno-Karabakh.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ cuộc tấn công do Azerbaijan phát động nhắm vào vùng Nagorno-Karabakh, bất chấp các đồng minh NATO kêu gọi Ankara và các bên kiềm chế.
Giao tranh bùng nổ dọc theo "đường liên lạc" từ ngày 27.9 và quân đội Azerbaijan đụng độ với lực lượng binh sĩ người Armenia thiểu số.
"Đường liên lạc" là một vùng đất trống với các bãi mìn được cài dày đặc nhằm ngăn chặn đụng độ giữa lực lượng người Armenia thiểu số (được chính quyền Armenia hậu thuẫn) và quân đội Azerbaijan trong khu vực.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan leo thang, hai bên đều có nhiều thương vong

Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố quân đội đã tiêu diệt 3 xe tăng, bắn rơi 2 máy bay trực thăng và 3 máy bay không người lái của Azerbaijan để đáp trả cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ cùng khu định cư dân sự ở Nagorno-Karabakh trong ngày 27.9, theo Reuters.
Các bên đều tuyên bố có thương vong, riêng vùng Nagorno-Karabakh ngày 28.9 ghi nhận hơn 50 binh sĩ người Armenia thiểu số thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Azerbaijan xem vùng Nagorno-Karabakh và một dải lãnh thổ nối liền với Armenia là lãnh thổ có chủ quyền của riêng mình. Chính quyền Azerbaijan cáo buộc người Armenia chiếm đóng trái phép Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến kết thúc vào năm 1994.
Còn người Armenia thiểu số ở Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hòa Artsakh, nhưng đến nay chỉ được mỗi Armenia công nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.