Xác định được ‘nơi an toàn nhất’ trong Dải Ngân hà

01/05/2021 14:10 GMT+7

Các nhà thiên văn học đã lùng sục khắp Dải Ngân hà để xác định những nơi an toàn nhất cho sự sống, và hóa ra hệ mặt trời, bao gồm cả Trái đất , đang “chễm chệ” ở vị trí khá đắc địa.

Nếu những năm gần đây khiến người địa cầu cảm thấy thôi thúc phải tái định cư ở hành tinh khác, họ có thể muốn cân nhắc một số khu vực của Dải Ngân hà, mà theo báo cáo mới là những điểm an toàn cho sự sống tiếp tục tồn tại.

Vùng chết chóc nhất

Theo báo cáo mới đăng trên chuyên san Astronomy and Astrophysics, đội ngũ các nhà thiên văn Ý đã rút ra kết luận trên sau khi nghiên cứu những vị trí xảy ra các vụ nổ khủng khiếp có thể xóa sổ sự sống, như vụ nổ siêu tân tinh hoặc vụ nổ bùng phát tia gamma (GRB). Những vụ nổ dạng này phóng thích các hạt phân tử năng lượng cao và bức xạ, có thể xé toạc ADN và hủy diệt sự sống.
Dựa trên logic đó, đội ngũ chuyên gia lập luận rằng những khu vực an toàn cho sự sống phải nằm ngoài vùng xảy ra các vụ nổ phá hủy mọi thứ.
“Các vụ nổ mạnh mẽ của vũ trụ gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của sự sống trong phạm vi thiên hà của chúng ta xuyên suốt lịch sử của nó”, tác giả chính của báo cáo, nhà thiên văn học Riccardo Spinelli của Đại học Insubria (Ý). Theo ông, những sự kiện trên gây nguy hiểm cho sự sống tại đa số các khu vực của Dải Ngân hà.
Bên cạnh việc khoanh vùng những điểm chết chóc nhất, nhóm của ông Spinelli cũng xác định những nơi an toàn nhất trong suốt lịch sử 11 tỉ năm của thiên hà. Kết quả cho thấy Trái đất của chúng ta nằm bên trong một khu vực rộng lớn cho phép sự sống sinh sôi.

Khu vực thân thiện sự sống

Một hành tinh có sự sống trên thực tế phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, hành tinh cần phải nằm trong phạm vi gọi là “vùng Goldilocks”, vị trí cho phép sức nóng và hoạt động gây ảnh hưởng của sao trung tâm không quá gần cũng chẳng quá xa, mà phải ở điểm nhiệt độ vừa đúng.
Bên cạnh đó, sự sống còn phải chống chọi những luồng bức xạ độc hại đến từ không gian liên sao. Như đã đề cập ở trên, GRB và vụ nổ siêu tân tinh phóng thích những luồng hạt năng lượng cao và vô cùng nguy hiểm ở tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng.
Những luồng năng lượng dạng này không chỉ hủy diệt mọi sự sống mà chúng ta từng biết, mà các phân tử hạt còn thổi bay toàn bộ khí quyển của các hành tinh. Nói ngắn gọn, những nơi các luồng năng lượng đi qua sẽ biến thành các thế giới chết.
Trong báo cáo, đội ngũ chuyên gia Ý cho rằng một vụ GRB gần hệ mặt trời có thể đóng vai trò quyết định trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên Trái đất cách đây khoảng 450 triệu năm.

Hệ mặt trời đang ở vị trí thân thiện với sự sống

NASA

Nơi an toàn trong Dải Ngân hà

Dựa trên các mô hình về sự hình thành và tiến hóa của các hệ sao, các nhà thiên văn học đã tính toán được những khu vực tràn ngập bức xạ chết chóc. Vào thuở sơ khai của Dải Ngân hà, khu vực từ tâm trải dài ra bên ngoài khoảng 33.000 năm ánh sáng diễn ra hoạt động sản sinh sao với tốc độ nhanh chóng mặt. Điều này đồng nghĩa đây là khu vực không thể cưu mang sự sống.
Trong khi đó, vùng ngoại biên lại thoát được những vụ nổ hủy diệt này. Và vì thế, các hệ sao ở đây có cơ hội dung dưỡng sự sống hơn. Cho đến khoảng 6 tỉ năm trước, đa số Dải Ngân hà thường xuyên bị gột rửa bởi những vụ nổ khủng khiếp. Khi thiên hà của chúng ta già đi, những vụ nổ dạng này thưa thớt dần.
Ngày nay, khu vực trung gian, chỉ vùng cách lõi thiên hà khoảng 6.500 năm ánh sáng trải dài đến điểm cách trung tâm khoảng 26.000 năm ánh sáng, được xác định là nơi an toàn nhất cho sự sống.
May mắn cho nhân loại, khu vực không gian xung quanh hệ mặt trời ngày càng thân thiện với sự sống hơn. Trong tương lai dài hạn, xác suất một vụ nổ chết chóc ở mức gây tuyệt chủng hàng loạt sẽ hiếm khi xảy ra ở vùng phụ cận Trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.