World Bank: 10% dân số thế giới vẫn thuộc diện nghèo

Khánh An
Khánh An
20/09/2018 14:00 GMT+7

Tỷ lệ nghèo giảm chậm và đều nhưng được dự báo sẽ tăng đột biến nếu chuẩn nghèo được nâng lên đến mức thu nhập 3,2 USD/ngày, từ mức 1,9 USD/ngày hiện nay.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa hé lộ thông tin trong báo cáo mới nhất cho thấy nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tính giảm nghèo đáng kể trong giai đoạn 25 năm, dù tỷ lệ này vẫn còn cao ở các nước thu nhập thấp và bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Báo cáo dự kiến sẽ công bố chính thức vào ngày 17.10 cho thấy số người nghèo trên thế giới đã giảm từ 35% vào năm 1990 xuống còn 10% vào năm 2015.
Tỷ lệ nghèo vào năm 2013 là 11% và các chuyên gia nhận định tỷ lệ này giảm đều nhưng khá chậm. Dự báo tỷ lệ nghèo sẽ giảm xuống còn 8,6% trong năm nay.
Khu vực Nam Á nổi bật nhất trong việc giảm nghèo trong giai đoạn 1990-2015 với điểm phần trăm đã giảm là 35%. Cụ thể, tỷ lệ nghèo ở khu vực này vào năm 1990 là 47% và năm 2015 là 12%.
Theo chuyên gia kinh tế Dean Jolliffe tại World Bank, khu vực phía nam Sahara ở châu Phi được dự báo vẫn là vùng trũng vào năm 2030, trong khi Nam Á chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
“Nhưng nếu nâng chuẩn nghèo 1,9 USD/ngày hiện nay lên thì mọi chuyện sẽ khác. Khoảng 49% người dân khu vực Nam Á sẽ rơi vào nhóm nghèo nếu nâng mức này lên 3,2 USD”, ông Jolliffe nói.
Dù tỷ lệ người nghèo giảm nhưng các chuyên gia cảnh báo tốc độ giảm vẫn còn chậm và cần có nhiều hành động nhằm xúc tiến công tác giảm nghèo trên toàn cầu nhằm đạt mục tiêu xóa nghèo vào năm 2030.
Vào năm 1979, World Bank đưa ra chuẩn nghèo là thu nhập dưới 1 USD/ngày. Mức này được nâng lên 1,08 USD vào năm 1993 và 1,25 USD vào năm 2005. Đến năm 2015, chuẩn nghèo lại tiếp tục được nâng lên 1,9 USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.