WHO rút ra bài học gì từ việc cô lập chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc?

17/03/2020 15:55 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) lưu ý một bài học lớn các nước có thể học từ Trung Quốc là ngăn chặn quá trình bùng phát tự nhiên của dịch bệnh COVID-19 .

Vào ngày 31.12.2019, Trung Quốc lần đầu tiên cung cấp thông tin cho WHO về “bệnh viêm phổi lạ” không rõ nguyên nhân được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, ở tỉnh Hồ Bắc.
Tiến sĩ Gauden Galea, đại diện của WHO ở Trung Quốc, và các đồng nghiệp đã đến Vũ Hán từ ngày 20-21.1, hai ngày trước khi thành phố này cùng các khu vực lân cận ở tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa, cách ly khoảng 56 triệu người dân. Ông Galea cùng nhóm chuyên gia WHO quay lại Vũ Hán 1 tháng sau đó để đánh giá tình hình.
Tiến sĩ Galea khẳng định Trung Quốc đã có những thiếu sót trong thời gian đầu, nhưng ông cho rằng đó là việc khó tránh khỏi. Theo nhận định của ông Galea, người dân Vũ Hán “đã phải trả giá đắt”, nhưng lệnh phong tỏa đã giúp những địa phương còn lại của Trung Quốc đại lục và thế giới có thêm thời gian chuẩn bị.
"Việc cô lập có tác dụng, cho phép phần còn lại của Trung Quốc chặn dịch rất hiệu quả. Tiến triển của dịch, và số ca nhiễm nhỏ bên ngoài Hồ Bắc xác thực cho thành công này", ông nói. "Điều quan trọng là nhận ra được rằng các thiếu sót đó không phải chỉ mình Trung Quốc mắc phải, và có rất ít quốc gia có thể hành động nhanh hơn thế".

[VIDEO] WHO kêu gọi "Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm" vì không thể "bịt mắt mà chữa cháy'"

Các quan chức Vũ Hán bị cáo buộc che đậy thông tin, hạ thấp mức độ nghiêm trọng trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh mới bùng phát. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh vai trò tích cực của chính quyền trung ương trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Tiến sĩ Galea đánh giá cao sự hợp tác kịp thời giữa Ủy ban Y tế Quốc gia với WHO. Việc trao đổi thông tin sớm và thường xuyên giúp chia sẻ bộ gien di truyền của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) cùng thông số kỹ thuật để các quốc gia khác có thể thiết kế bộ xét nghiệm COVID-19.

Tránh đỉnh dịch tự nhiên

Thông thường, dịch bệnh sẽ có sự tăng trưởng theo cấp số nhân, đạt đến đỉnh dịch và sau đó số ca nhiễm giảm một cách tự nhiên cho đến khi tất cả những người có nguy cơ đã bị nhiễm mầm bệnh hoặc phát bệnh, theo ông Galea.

[VIDEO] WHO ca ngợi Trung Quốc giúp hạn chế dịch Covid-19 lan ra toàn cầu bằng cách phong tỏa Vũ Hán

Tuy nhiên, “dựa theo số liệu, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đã chứng minh nước này có thể can thiệp, chặn đứng con đường lây lan và làm thay đổi quá trình bùng phát tự nhiên của dịch”, ông Galea nói.
"Bài học lớn rút ra được là quá trình tự nhiên của một đợt dịch không nhất thiết phải bao gồm một đỉnh dịch rất cao vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế", ông nói, và kêu gọi các nước khác tìm hiểu, áp dụng việc phong tỏa cách ly sao cho phù hợp hoàn cảnh của mình.
Những biện pháp Trung Quốc đã áp dụng là: khoanh vùng, phong tỏa cách ly và bắt buộc khai báo lịch sử đi lại, hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người và bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Tại các khu dân cư hoặc chung cư ngoài tâm dịch Vũ Hán, chính quyền địa phương lập hàng rào xung quanh với chốt kiểm soát, kiểm tra thân nhiệt người dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lý lịch đi lại của những người từ bên ngoài vào, buộc họ tự cách ly.

Phòng lây lan virus corona ở Trung Quốc: bàn mạt chược cũng bị đập để tránh tụ tập

Mạng lưới tình nguyện, công an và giới chức địa phương liên kết với người dân địa phương thông qua các kênh website, số điện thoại chính thống và cả ứng dụng tin nhắn WeChat để chia sẻ thông tin về dịch COVID-19.
Về mặt công nghệ, một số địa phương triển khai máy bay điều khiển từ xa (drone) nhắc nhở người dân tránh tụ tập, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Thậm chí, drone còn trang bị thiết bị cảm ứng bay lên từng cửa sổ chung cư cao tầng để đo thân nhiệt. Ngoài ra, Trung Quốc tận dụng tất cả cơ sở công cộng như phòng gym, trung tâm thi đấu thể thao để làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly.
Chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đã hình sự hóa hành động cố tình che giấu các triệu chứng nhiễm COVID-19 hoặc lịch sử đi lại đến vùng dịch để trốn cách ly, theo tờ China Daily. Bộ Công an Trung Quốc cảnh báo những người cố tình che đậy có thể lãnh án tù 10 năm hoặc chung thân tùy theo mức đe dọa đối với cộng đồng.

Lo ngại 'lây nhiễm ngược dòng'

Sau hơn 2 tháng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 12.3 tuyên bố đỉnh dịch COVID-19 đã qua đối với nước này và số ca nhiễm mới giảm mạnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ người đến từ nước ngoài “nhập khẩu” COVID-19 nên tăng cường siết chặt kiểm tra y tế.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh yêu cầu bất kỳ ai đến từ nước ngoài phải được chuyển đến các cơ sở cách ly trong 14 ngày, bắt đầu từ ngày 16.3. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Thượng Hải trưng dụng các khách sạn làm cơ sở cách ly cho những người đến từ nước ngoài, nhưng chưa bắt buộc họ phải cách ly.

Đến thăm Vũ Hán, Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần rồi nói với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres rằng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch COVID-19 đã giúp cho thế giới có thêm "thời gian quý báu" để có biện pháp ứng phó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.