WHO chứng nhận vắc xin Covid-19 đầu tiên

Khánh An
Khánh An
02/01/2021 06:34 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 đầu tiên nhằm giúp các nước phát triển sớm được tiếp cận.

WHO ngày 1.1 chứng nhận vắc xin Covid-19 đầu tiên, là sản phẩm được bào chế chung bởi 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), để sử dụng khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Trong thông cáo, WHO cho biết sẽ thông tin đến cơ quan y tế các nước về vắc xin của Pfizer/BioNTech và những lợi ích khi sử dụng. WHO đã thiết lập Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) nhằm giúp các nước nghèo đẩy nhanh việc chứng nhận dược phẩm dùng cho các bệnh mới như Covid-19.

1 tuần sau khi tiêm vắc xin, y tá dương tính với Covid-19

Sau khi được WHO và các chuyên gia y tế tại nhiều nước xem xét, vắc xin của Pfizer/BioNTech đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc, với lợi ích vượt hẳn so với nguy cơ. “Đây là bước tích cực hướng đến việc đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin Covid-19 trên toàn cầu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng toàn cầu cần nỗ lực hơn nữa để có đủ vắc xin đáp ứng nhu cầu của các nhóm ưu tiên ở mọi nơi”, theo bà Mariangela Simao, lãnh đạo chương trình tiếp cận dược phẩm của WHO.
Hiện WHO đã cho phép UNICEF và Tổ chức Y tế Pan-America tiếp nhận vắc xin Covid-19 để cung cấp cho các nước có nhu cầu.
WHO cùng Liên minh Vắc xin và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và Liên minh Các sáng kiến đối phó dịch bệnh (CEPI) đang xung kích trong chương trình COVAX nhằm đảm bảo phân phối vắc xin đến các nước nghèo, chứ không chỉ ở những nước giàu. Theo Reuters, COVAX đã đạt thỏa thuận về gần 2 tỉ liều vắc xin Covid-19, với đợt phân phối đầu vào đầu năm nay. Liên minh này hiện đang đàm phán về vắc xin với Pfizer/BioNTech.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán trên thực tế cao gấp 10 lần?

Dù vậy, vắc xin của Pfizer/BioNTech cần được lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp, từ -60 độ C đến -90 độ C, nên đặt ra các thách thức trong việc lưu trữ và phân phối, kể cả ở các nước phương Tây. Do đó, việc phân phối vắc xin này đến các nước đang phát triển sẽ còn khó khăn hơn nhiều, do thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp. WHO hiện đang phối hợp để hỗ trợ các nước xem xét kế hoạch phân phối và chuẩn bị tại những nơi có thể sử dụng vắc xin.
Vắc xin của Pfizer/BioNTech đã được chứng nhận tại Anh, Cơ quan Dược phẩm châu Âu, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, Canada, Bahrain, Israel, Kuwait, Mexico, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Singapore. Vắc xin này có hiệu quả đến 95% sau khi tiêm 2 liều cách nhau 21 ngày.
Số ca nhập viện tăng kỷ lục ở Mỹ
Cùng ngày 1.1, CNN đưa tin Mỹ ghi nhận 125.379 ca nhập viện vì Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu dịch và là ngày thứ 13 liên tiếp cao hơn 100.000. Trong khi đó, California ghi nhận hơn 25.000 ca tử vong kể từ đầu dịch, với số ca nhập viện tiếp tục tăng khiến các cơ sở, nhân viên y tế sắp quá tải và nhiều người lo ngại tình hình còn tồi tệ hơn sau kỳ nghỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.