Washington sẽ ngăn chặn Bắc Kinh lập “đế chế hàng hải”

22/07/2020 07:45 GMT+7

"Washington đã có một “định hình” rõ hơn về hành vi xấu của Bắc Kinh”

Ngày 21.7, trả lời Thanh Niên xung quanh bài phát biểu cùng ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã giải thích lý do Washington tái định hình sách lược ở Indo-Pacific”.
“Cụ thể, Bộ trưởng Esper cho rằng Trung Quốc có những hành vi xấu, cưỡng ép và bất hợp pháp. Điều đó đã thúc đẩy Mỹ tăng cường hợp tác với các nước. Trước nay, phần lớn các cuộc tập trận chung của Mỹ là song phương thì nay dần được tiến hành đa phương”, TS Nagao phân tích và nói thêm: “Tuy bài phát biểu của ông Esper có nhiều nội dung từng được giới chức Mỹ đề cập trước đây, nhưng có một thông điệp rất đáng quan tâm về khái niệm “đế chế hàng hải” mà Bắc Kinh đang muốn xây dựng”.

Mỹ cam kết tiếp tục tăng cường hoạt động ở Biển Đông

Washington sẽ ngăn chặn Bắc Kinh lập “đế chế hàng hải”
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Esper hôm qua không có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đưa ra thông báo chính thức về lập trường của nước này đối với Biển Đông, bài phát biểu của ông Esper tái khẳng định sự nghiêm túc của Washington trong việc theo đuổi chính sách trên một cách nhất quán. Điều đó đồng nghĩa với việc tập trung vào Biển Đông trong mọi dịp phù hợp, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở đây...
Vì thế, thật sự rất tốt khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper nêu ra những điều này và cam kết Washington sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động ở Biển Đông trong thời gian tới.
Ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
Ông Nagao giải thích thêm rằng: Xét về yếu tố lịch sử, chữ “đế chế” ở đây thể hiện quan điểm Mỹ sẵn sàng đối đầu. Đầu thập niên 1980, khi Mỹ bước vào giai đoạn mới của Chiến tranh lạnh bằng cách kích hoạt chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, tổng thống khi đó của nước này là ông Ronald Reagan cũng dùng từ “đế chế” nhắm vào Liên Xô. Giờ đây, Bộ trưởng Quốc phòng Esper dùng lại khái niệm “đế chế” dường như ẩn chứa thông điệp đối đầu rõ ràng hơn nhằm vào Trung Quốc.
Theo ông Nagao, điểm mấu chốt của bài phát biểu là về Biển Đông, nhưng ông Esper đã nhấn mạnh tất cả các bên ở Indo-Pacific. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề cập quan hệ giữa nước này với Nhật Bản, Ấn Độ và New Zealand… Đây là những bên ở Indo-Pacific. Và quan hệ hợp tác đa phương lẫn song phương với các nước này được thúc đẩy rất nhiều. Bên cạnh đó, bài phát biểu của ông Esper cũng khẳng định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam gần đây có ý nghĩa quan trọng.
“Khi mô tả về Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng rất nhiều từ mạnh mẽ như: bắt nạt, đế chế hàng hải, cưỡng ép, hành vi xấu, bất hợp pháp… Giữa năm ngoái, trong bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Patrick M.Shanahan đã sử dụng những từ ngữ “mềm dẻo” hơn để mô tả về Trung Quốc. Chính vì thế, sau khoảng 1 năm, Washington đã có một “định hình” rõ hơn về hành vi xấu của Bắc Kinh”, TS Nagao đánh giá. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.