Vương Lập Quân người hùng thành “phản đồ”

29/04/2012 03:37 GMT+7

Cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị cho là người đã châm ngòi làm bùng nổ hàng loạt cáo buộc đối với ông Bạc Hy Lai.

Cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị cho là người đã châm ngòi làm bùng nổ hàng loạt cáo buộc đối với ông Bạc Hy Lai.

Thăng tiến

Theo tờ The Telegraph, ông Vương Lập Quân vốn là người dân tộc Mông, ra đời năm 1959 trong gia đình có cha là một công nhân đường sắt và mẹ làm nghề thợ may. Lớn lên, ông Vương gia nhập quân đội, sau khi xuất ngũ đã làm việc trong ngành lâm nghiệp rồi trở thành công an vào năm 1984.

 
Ông Bạc Hy Lai (trái) và ông Vương Lập Quân - Ảnh: Reuters

Từ năm 1992, ông trở thành Cục phó Công an thị trấn Thiết Pháp ở tỉnh Liêu Ninh. Sau đó 3 năm, ông trở thành Phó giám đốc Công an thành phố Thiết Lĩnh cũng thuộc tỉnh Liêu Ninh. Đến năm 2000, ông Vương nhậm chức Giám đốc Công an thành phố Thiết Lĩnh. Trong thời gian công tác tại Thiết Lĩnh, Vương Lập Quân đạt nhiều thành tích ấn tượng, triệt hạ các băng nhóm tội phạm lớn và phá không ít vụ án gai góc. Từ năm 2003, ông đảm nhận chức vụ Giám đốc Công an thành phố Cẩm Châu tại tỉnh Liêu Ninh. Tiếp tục gặt hái thêm thành công nên ông Vương được cất nhắc kiêm nhiệm thêm chức phó thị trưởng vào năm 2004.

Đến năm 2008, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh lúc bấy giờ là ông Bạc Hy Lai đã mời ông Vương về giữ chức Phó giám đốc Công an thành phố này. Sau đó một năm, ông Vương được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Trùng Khánh và trở thành nhân vật thân tín của Bí thư Bạc, bắt đầu chiến dịch trấn áp các băng nhóm xã hội đen. Bằng chiến dịch này, hai ông Bạc và Vương cùng nhau gây tiếng vang lớn khi triệt phá nhiều băng đảng, bắt giữ hàng ngàn nghi can, gồm cả giới quan chức lẫn doanh nhân. Nhờ đó, ông Vương được trao thêm chức Phó thị trưởng Trùng Khánh vào năm 2011.

Đào tẩu

Thế nhưng, sự đời khó lường. Ngày 2.2, ông Vương Lập Quân đột ngột bị chuyển công tác chỉ để “ngồi chơi xơi nước”, theo BBC. Bất ngờ hơn, ông Vương hôm 6.2 chạy vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và ở lại đây suốt 1 ngày. Sau khi ra khỏi Lãnh sự quán Mỹ, cựu Phó thị trưởng Vương biệt vô âm tín. Đến nay, các nguồn tin chính thức chẳng tiết lộ gì về tung tích của ông.

Trong khi đó, tờ The Telegraph loan tin ông Vương đã tìm đường tị nạn sang Mỹ vì lo ngại bị thủ tiêu. Điều này bắt nguồn từ việc ông Vương nắm được những bằng chứng về việc bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Bạc, hạ sát doanh nhân người Anh Neil Heywood. Theo đó, ông Vương đã cung cấp thông tin cho đại diện Sứ quán Mỹ rằng bà Cốc Khai Lai từng thừa nhận chứng kiến vụ sát hại doanh nhân Heywood. Chính bà Cốc Khai Lai chỉ đạo ép buộc nạn nhân phải uống chất kịch độc. Vì lo ngại các bằng chứng của vụ án mạng được trưng ra, vợ chồng nhà họ Bạc quyết truy tìm ông Vương đến cùng. Theo tờ The Telegraph, ông Bạc Hy Lai cho người bắt giữ 7 thuộc hạ thân tín, gồm cả lái xe riêng, của ông Vương Lập Quân. Sau những đòn tra tấn dã man, 2 người trong số này đã thiệt mạng. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc chỉ mới cho biết đã bắt giữ bà Cốc Khai Lai để điều tra về cái chết của ông Heywood mà chưa thông tin gì thêm.  

Ngô Minh Trí

Những cáo buộc

Từng là cộng sự thân tín nên ông Vương Lập Quân cũng không khỏi bị dính líu trong các cáo buộc đối với ông Bạc Hy Lai. Theo AFP, bộ đôi Bạc - Vương đã ra tay thanh trừng đối thủ chính trị thông qua chiến dịch bài trừ tội phạm. Điển hình là việc cựu Phó giám đốc Công an Trùng Khánh Văn Cường bị xử tử hình vì phạm tội tham nhũng trong vụ Dương Thiên Khánh. Ngoài ra, một số trang mạng Trung Quốc loan tin bộ đôi Bạc - Vương còn xây dựng bệnh viện tâm thần để nhốt những người tố cáo quan chức Trùng Khánh.

Mới đây, tờ The New York Times dẫn nguồn tin thân cận với đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay cựu Giám đốc Công an Vương từng thực hiện chiến dịch nghe lén lãnh đạo trung ương của nước này. Chiến dịch trên được tiến hành bởi sự chỉ đạo của ông Bạc Hy Lai. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có thể cũng là một trong những người từng bị nghe lén. Mặt khác, nguồn tin trên cho rằng cũng nhờ nghe lén mà ông Vương phát hiện mình sắp bị “sếp” Bạc thanh trừng vì biết quá nhiều.

Tờ The New York Times cũng cung cấp thông tin về cáo buộc ông Vương từng thị uy thay bà Cốc Khai Lai trong một nhà hàng sang trọng. Theo đó, cách đây chưa lâu, khi đang ăn tối cùng vợ ông Vương, bà Cốc Khai Lai bực mình vì liên tục nhắc nhở nhưng nhóm khách cạnh bàn vẫn cứ ồn ào. Sau khi hay tin, ông lập tức có mặt rồi quăng một khẩu súng lên bàn của nhóm khách kia rồi quát: “Chúng mày biết hai bà kia là ai không?”. Nhìn thấy ông Vương, đối phương vốn cũng là những cảnh sát địa phương lập tức xin lỗi rồi rút lui. Tuy vậy, toàn bộ nhóm cảnh sát này sau đó đã bị cách chức.

Đứng tên 150 bằng sáng chế

Tờ The Wall Street Journal trích thống kê từ trang mạng cnipr.com của cơ quan phụ trách quyền sở hữu trí tuệ Trung Quốc cho thấy ông Vương Lập Quân đứng tên khoảng 150 bằng sáng chế. Phần lớn các bằng sáng chế này liên quan đến những trang thiết bị của ngành cảnh sát và được đăng ký sau khi ông Vương nhậm chức Giám đốc Công an Trùng Khánh vào năm 2008. Lần mới nhất ông được cấp bằng sáng chế là hồi đầu năm nay. Trước đây, truyền thông Trung Quốc từng hết lời tán dương một sản phẩm thuộc “quyền sở hữu trí tuệ” của cựu Phó thị trưởng Vương là bộ áo mưa màu đỏ dành cho nữ cảnh sát. Hồi năm ngoái, tờ Tin tức Trùng Khánh buổi sáng dẫn lời một người dân địa phương khen tặng rằng: “Các nữ cảnh sát trông đẹp hơn trong bộ áo mưa màu đỏ”.

Ông Vương cũng từng được ca tụng về việc sáng chế nên trạm công tác ngoài trời cho cảnh sát giao thông với những trang bị hiện đại như máy tính xách tay, hệ thống định vị toàn cầu. Ngoài ra, Phó thị trưởng Vương còn sở hữu nhiều bằng sáng chế khác như: thiết kế ngoại thất cho một loại xe chuyên dụng chống khủng bố, xe gắn máy của cảnh sát giao thông, hệ thống giám sát cửa hàng

internet, kệ sách... Ông cũng từng được khen tặng là người có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình nâng cấp trang thiết bị cảnh sát, bao gồm cả việc hình thành đội đặc nhiệm SWAT.

Ly kỳ hơn, vào năm 2010, Sở Công an Trùng Khánh yêu cầu các nhà văn địa phương viết bộ sách gồm 4 cuốn để kể về chiến dịch trấn áp tội phạm do ông Vương và ông Bạc phát động. Theo tờ The New York Times, lúc bấy giờ, bộ đôi Bạc - Vương từng kỳ vọng bộ sách sẽ trở thành một phần tài liệu lịch sử của Trung Quốc để ghi nhận công trạng của hai người. Hai ông còn dự định cho người chuyển thể bộ sách thành loạt phim truyền hình nhiều tập để tăng tính tuyên truyền. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin chính thức nào về số phận của bộ sách và loạt phim truyền hình trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.