Vùng phi quân sự liên Triều vẫn chờ ngày mới

22/01/2020 19:00 GMT+7

Chúng tôi đến Vùng phi quân sự liên Triều (DMZ) dọc theo vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên vào một ngày sắp chuyển đông, và chứng kiến những thay đổi chậm rãi tại đây.

Nhiệt độ ngoài trời vào khuya hôm trước -2oC, khiến trên mặt đất vẫn còn bám những mảng băng lạnh lẽo. Không khí thật yên ả nhưng cũng đầy sự hối hả vì những chuyến xe buýt nối tiếp nhau đưa du khách đến thăm nơi chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên.
Có vẻ như ai cũng muốn biết về mảnh đất mà đối với nhiều người vẫn đầy bí ẩn và sự gai góc được đồn đại lâu nay. Bất chấp những câu chuyện nghe qua có vẻ rùng rợn về khu vực kéo dài 250 km này, có thể đến đây từ hướng Seoul với 60 phút đi xe.
Ngay khi Seoul biến mất khỏi tầm mắt, những hàng rào kẽm gai xuất hiện và chạy dọc ven đường, mà theo người hướng dẫn viên tên Ha Eun-su là biện pháp phòng ngự chống kẻ xâm nhập từ bên kia giới tuyến tạm thời.
Anh Ha cũng cho biết xe chúng tôi đang đi cùng con đường mà đoàn xe chở Tổng thống Moon Jae-in đã lăn bánh để gặp Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên trong cuộc hội đàm thượng đỉnh vào cuối tháng 4.2018.
Vì đây là khu vực do quân đội kiểm soát, du khách không được phép tự do đi lại mà phải di chuyển bằng xe buýt dành riêng cho hoạt động tham quan tại DMZ sau khi tập trung mua vé ở công viên Imjingak, cách DMZ khoảng 7 km.
Mọi xe buýt du lịch từ nơi khác đến đều phải ngừng lại ở nơi này, chen chúc trong bãi đậu xe gần hàng rào quân sự. Từ đây, mọi người được chuyển sang nhóm xe buýt.

Kiểm tra hộ chiếu trên xe buýt

Thụy Miên

Ai nấy được yêu cầu cầm sẵn hộ chiếu trên tay để khi đến trạm sẽ có lính Hàn Quốc lên xe kiểm tra, đếm đầu người. Và đây có lẽ là khoảnh khắc căng thẳng đầu tiên trong chuyến đi, báo hiệu đã đến khu vực quân sự.
Hướng dẫn viên cũng đề nghị mọi người phải tuân thủ giờ giấc lên xuống xe, và mỗi điểm dừng chỉ có vỏn vẹn 5 phút, trừ phi có thông báo khác, nếu chúng tôi không muốn lỡ chuyến xe buýt đưa mình đến đây.

Nhà ga của hy vọng

Vào thời điểm xuống xe, phía trước mặt đã là nhà ga Dorasan, điểm cuối cực bắc của tuyến đường sắt Hàn Quốc trước khi đến giới tuyến tạm liên Triều cách đó khoảng 700 m.
Nếu trước đây bên ngoài lẫn bên trong nhà ga đều đầy lính gác, hiện nay chỉ còn một vài bóng dáng trong bộ quân phục, dấu hiệu cho thấy không khí đã đỡ căng thẳng hơn.

Nhà ga Dorasan

Thụy Miên

Nó không chỉ là địa điểm đóng vai trò biểu tượng của việc chia cắt hai miền, mà với việc hoàn tất tuyến đường Gyeong-ui (Seoul-Sinuju) sau đó, ga Dorasan còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng như là cửa ngõ giao thương giữa hai miền Nam - Bắc.
Có thể nói nhà ga Dorasan đại diện cho một viễn cảnh kết nối đường sắt giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, sẵn sàng chờ thời điểm thông tuyến.
Vài giờ trước khi chúng tôi đến đây, một đoàn tàu khảo sát đã rời ga Dorasan và vượt qua lãnh thổ của miền Bắc.

Tấm vé kỷ niệm tại Dorasan

Thụy Miên

Cho đến nay, chỉ có một quầy bán vé tàu lưu niệm cho những du khách muốn đi vào ga và ngóng nhìn qua hướng bên kia mà tầm mắt không bị che chắn bởi những hàng rào kẽm gai.

Cuộc chiến cột cờ

Thế nhưng, nếu muốn thực sự nhìn thấy những gì diễn ra bên kia giới tuyến tạm, Đài quan sát Dora trên ngọn đồi cao là vị trí phù hợp hơn. Đến được nơi này, có nghĩa là bạn đã đặt chân vị trí gần nhất để ngắm lãnh thổ Triều Tiên.
Từ tầng cao nhất của đài quan sát, phóng tầm mắt về phía bên kia, chúng tôi thấy được những cánh đồng mênh mông, một số khu vực của TP.Gaeseong, khu công nghiệp Gaeseong và cả Làng Tuyên truyền Kijŏng-dong nổi tiếng.
Đây là một trong hai ngôi làng được phép trụ lại vùng phi quân sự sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào giữa năm 1953, làng còn lại là Daeseong-dong của Hàn Quốc, cách đó hơn 2 km.

Sau khi quan hệ hai miền được cải thiện dẫn đến các cuộc gặp thượng đỉnh song phương, du lịch DMZ nhộn nhịp hơn trước vì có thêm những tour mới. Bên cạnh tour thăm DMZ truyền thống với giá trung bình 40.000 won (800.000 đồng), hiện có tour mô phỏng khoảnh khắc bước qua giới tuyến tạm thời của hai nhà lãnh đạo liên Triều trong cuộc gặp lịch sử vào ngày 27.4.2018. Giá cho tour này lên đến 100.000 won. Có công ty du lịch còn tạo cơ hội gặp gỡ người tị nạn từ Triều Tiên nếu bạn có hứng thú. Trong trường hợp xảy ra xung đột chính trị hoặc có sự cố đột xuất tại giới tuyến tạm, tour sẽ bị hủy và du khách sẽ không được hoàn tiền.

Nếu nhìn qua kính viễn vọng được gắn sẵn, bạn có thể thấy lá cờ Triều Tiên khổng lồ tung bay trên cột cờ Bàn Môn Điếm cao 160 m.
Theo lời hướng dẫn viên, chỉ tính riêng trọng lượng của lá cờ đã lên đến 270 kg. Toàn bộ công trình được xây vào những năm 1980, nhằm đáp trả việc miền Nam dựng nên cột cờ cao gần 99 m, lá cờ nặng 130 kg tại làng Daeseong-dong.
Vào thời điểm thi công và suốt một thập niên sau đó, cột cờ Bàn Môn Điếm luôn trong tốp cao nhất thế giới.
Kijŏng-dong cũng là nơi đặt dàn loa tuyên truyền khổng lồ. Lần “làm mưa làm gió” gần đây nhất của hệ thống loa này là vào năm 2016, sau khi căng thẳng hai miền tăng cao do miền Bắc tiến hành thử hạt nhân vào ngày 6.1 cùng năm.
Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi đến, không có bất kỳ âm thanh nào phát ra từ phía bên kia giới tuyến tạm, và phía miền Nam cũng không còn thả bong bóng tuyên truyền.

Đường hầm đột kích

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là “Đường hầm số ba”. Vào năm 1978, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện đường hầm số ba khi nó chỉ cách Seoul vỏn vẹn 52 km.
Nằm ở địa phận Paju, tỉnh Gyeonggi, đường hầm có chiều dài 1.635 m, chiều rộng và chiều cao đều 2 m, trong khi sâu đến 73 m. Đường hầm chạy dài qua 1.200 m lãnh thổ miền Bắc và thọc sâu đến 435 m vào lãnh thổ miền Nam.

Bản đồ đường hầm

Thụy Miên

Với kích thước này, nó cho phép một đội quân 30.000 lính tráng được vũ trang đầy đủ di chuyển tốc hành qua giới tuyến tạm trong vòng 60 phút.
Đường hầm chỉ mở một đoạn cho khách tham quan, nhưng cũng khá thách thức đối với những người ít rèn luyện thể lực vì nó khá dốc. Ai nấy đều được phát nón bảo hộ, phòng trường hợp có vật sắc nhọn rơi trúng đầu.
Đến vài chục mét cuối cùng, đường hầm thu hẹp lại và vách đầy đá lởm chởm, gây cảm giác ngột ngạt.

Bên trong đường hầm

YouTube

Trở lại thế giới bên ngoài, chúng tôi hít thở không khí trong lành, tận hưởng thời khắc yên bình của DMZ trước khi quay lại điểm xuất phát ban đầu là công viên Imjingak. Một bên là khu vui chơi nhưng vắng vẻ, bên còn lại tàn tích đầu máy xe lửa rỉ sét, trên thân đầy vết đạn, những hình ảnh cho thấy khát vọng bỏ qua một bên quá khứ tàn khốc để hướng về tương lai thịnh vượng hơn.

Đầu máy xe lửa với hơn 1.020 vết đạn và những bánh xe vặn vẹo phần nào cho thấy mức độ ác liệt của cuộc đụng độ năm đó

Thụy Miên

Hai miền Nam – Bắc hiện vẫn nỗ lực để mang đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, và vùng phi liên Triều vẫn luôn chờ đến ngày đó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.