Vũ khí nào giúp Nga đối phó lá chắn tên lửa của Mỹ?

17/05/2016 18:11 GMT+7

Sau khi Mỹ cho hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bờ Aegis tại Romania, Nga tuyên bố có quyền đáp trả thích hợp. Những vũ khí nào có thể giúp Nga đối phó lá chắn tên lửa Mỹ?

Sau khi Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại Romania, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng hành động của Mỹ không phải là “phản bội”, vì phản bội là từ chỉ dành để dùng cho những người bạn thân thiết. Thay vào đó, Nga cho rằng Mỹ đang có những hành động bất chính, vi phạm các thoả thuận; và tuỳ vào tình hình tiến triển, Nga hoàn toàn có quyền đáp trả, theo hãng tin Sputnik ngày 16.5.
Về lý thuyết, hệ thống Aegis trên bờ tại Deveselu (Romania) như lời các quan chức NATO nói có mục đích phòng thủ và để chống lại mối đe doạ tên lửa đạn đạo của Iran. Ngoài ra, nó cũng không thể được coi là mối đe doạ cho sự cân bằng chiến lược tại châu Âu. Tuy nhiên người đứng đầu Cục không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov nhận định đợi đến khi mà Mỹ và NATO tuyên bố mức độ an ninh tại châu Âu đã đủ là điều không thể.
“Hôm nay, căn cứ tại Romania sẵn sàng hoạt động. Ngày mai, viên gạch đầu tiên cũng được đặt xuống xây dựng căn cứ tương tự ở Ba Lan. Rồi tiếp đó là tàu chiến (trang bị Aegis) chạy khắp các vùng biển như biển Đen, biển Barents và biển Baltic. Còn người Mỹ thì từ chối thảo luận về các giới hạn”, ông Ulyanov nói.
Theo đại diện thường trực của Nga tại NATO là ông Alexander Grushko, Nga vẫn đang lo ngại việc Mỹ đổi mục đích sử dụng của hệ thống tại Romania từ phòng thủ sang tấn công. Dàn phóng của hệ thống Aegis trên bờ tại Romania loại MK-41, biến thể của loại dàn phóng được các tàu chiến Mỹ sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Báo Svobodnaya Pressa dẫn lời chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, thành viên Uỷ ban công nghiệp quân sự Nga, giải thích rằng việc Mỹ đưa dàn phóng MK-41 đến Romania là vi phạm Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung do Liên Xô và Mỹ ký năm 1988, theo Sputnik. Theo đó, các nước cam kết không sản xuất, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa như Tomahawk tại các căn cứ trên bờ.
Hệ thống Aegis trên bờ tại Romania sử dụng dàn phóng MK-41 thường được Mỹ trang bị trên tàu chiến để phóng tên lửa hành trình Tomahawk Hải quân Mỹ
Ông Murakhovsky cho hay cơ sở Aegis trên bờ ở Romania sử dụng các tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản 1B, không thể chặn được các tên lửa liên lục địa (ICBM) của Nga ở châu Âu. Tuy nhiên phiên bản 2A của tên lửa SM-3 sẽ đặt ra mối đe doạ tiềm năng cho tên lửa Nga ở châu Âu. Tên lửa này dự kiến được sử dụng tại căn cứ Aegis ở Ba Lan vào năm 2018, có tốc độ 4,5 km/giây và có thể bao quát toàn châu Âu.
Tuy vậy, chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakaev gần đây nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không thể đe doạ khả năng hạt nhân chiến lược của Nga. Chuyên gia Murakhovsky cũng nói rằng điều này nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Nga, dùng tên lửa đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.
Theo ông Murakhovsky, các hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ dàn phóng di động Yars đang được sản xuất, Yars-M đang thử nghiệm và loại tên lửa đạn đạo phóng từ silo Sarmat (RS-28) đều có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.
Ông Murakhovsky chắc chắn 100% rằng hệ thống Aegis trên bờ của Mỹ tại châu Âu sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga gồm các tên lửa hành trình Kalibr có thể phóng từ biển hoặc trên không. Những tên lửa này gần đây được sử dụng cho chiến dịch ở Syria. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu của Nga như Su-34 tại Crimea hoặc Kaliningrad có thể ngăn chặn các tên lửa mục tiêu.
Ngoài ra, Nga còn sở hữu các hệ thống tác chiến điện tử cả trên mặt đất và trên không. Những hệ thống này có thể vô hiệu hoá hoạt động do thám của radar mảng pha chủ động của hệ thống Aegis ở Romania và Ba Lan.
Dù Nga có nhiều lựa chọn đối phó Mỹ, nhưng chuyên gia Murakhovsky nhấn mạnh rằng Nga cần rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung vì nó vô giá trị từ khi được soạn ra. Lý do là hiệp ước này không cấm việc sử dụng tên lửa hành trình đối với tàu chiến và máy bay, trong khi đó Mỹ và NATO thường triển khai các tàu chiến mang tên lửa hành trình tại Địa Trung Hải, biển Baltic, biển Barents, biển Bắc và thỉnh thoảng ghé thăm biển Đen. Với số tên lửa đó, Mỹ và đồng minh có thể bao quát toàn vùng lãnh thổ của Nga ở châu Âu, theo ông Murakhovsky.
Tàu chiến Mỹ thao diễn bắn tên lửa. Theo các chuyên gia quân sự, Nga có nhiều lựa chọn đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ Hải quân Mỹ
Hơn nữa, NATO thường luân phiên đưa các chiến đấu cơ đến các nước vùng Baltic. Máy bay chiến đấu chỉ mất khoảng 10 phút để bay từ sân bay Amari (Estonia) đến St. Petersburg (Nga). “Vậy thì tham gia hiệp ước có ý nghĩa gì?”, ông Murakhovsky đặt câu hỏi.
Theo đánh giá của chuyên gia này, hiệp ước tên lửa nói trên đã không còn phù hợp với bối cảnh chính trị và chiến lược hiện nay. Thay vào đó, nếu Nga phát triển những hệ thống tên lửa tầm trung mới, triển khai hai lữ đoàn tên lửa này tại các quân khu phía tây và đông thì có thể giảm bớt mối nguy từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.