Vũ khí 'khoa học viễn tưởng' của Mỹ

11/09/2020 07:16 GMT+7

Quân đội Mỹ phát triển pháo tự hành có thể bắn đạn bội siêu thanh, tiêu diệt được tên lửa hành trình.

Trong chương trình vũ khí tương lai, Mỹ phát triển đạn 155 mm phiên bản bội siêu thanh dùng cho pháo tự hành M109.
“Xe tăng, pháo tự hành có thể bắn hạ tên lửa hành trình là điều thật tuyệt vời, giống như trong game, phim khoa học viễn tưởng”, theo lời tiến sĩ Will Roper, trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách lĩnh vực mua sắm, công nghệ và hậu cần.
“Chúng ta không thể dùng xe tăng bắn hạ tên lửa hành trình, nhưng giờ đây có thể làm được điều đó nếu viên đạn đủ thông minh. Viên đạn chúng tôi sử dụng là đặc biệt thông minh”, ông Roper lưu ý. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ gọi đạn bội siêu thanh thông minh là một bước tiến quan trọng trong phát triển vũ khí diệt tên lửa hành trình, theo trang Task & Purpose.
Cụ thể, trong cuộc tập trận đầu tháng này, Mỹ đã dùng loại đạn dẫn đường siêu tốc (HVP) có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 5 (6.174 km/giờ), hạ gục máy bay không người lái BQM-167 trên bầu trời ở bang New Mexico (Mỹ). Chiếc BQM-167 giả lập một tên lửa hành trình của Nga và được thả từ các máy bay ném bom. “Viên đạn thông minh” HVP được bắn từ pháo tự hành M109, theo trang Breaking Defense.
Cuộc tập trận này tập trung vào một cuộc tấn công giả định nhắm vào nước Mỹ sau “3 tháng căng thẳng leo thang”. Trong cuộc tập trận, quân đội Mỹ còn thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác, nhưng chỉ công bố kết quả đối với “đạn thông minh” là thành công.
Chương trình phát triển HVP khởi động hồi năm 2013 và quân đội Mỹ lên kế hoạch trang bị “đạn thông minh” cho các khẩu pháo trên tàu chiến. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ HVP có thể bắn hạ tên lửa siêu thanh hay không.
Lợi thế của HVP so với các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường là chi phí thấp hơn. Giám đốc chương trình HVP, ông Vincent Sabio lưu ý tên lửa Seasparrow có giá vài triệu USD mỗi chiếc, trong khi một HVP chỉ khoảng 85.000 USD.
“Đối với hệ thống phòng thủ tên lửa khác thì chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn bấm nút kích hoạt. Với HVP, chúng ta có thể bắn hạ tên lửa hành trình mà không cảm thấy tồi tệ về mặt chi phí”, ông Sabio nói. Vào năm 2018, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm bắn 20 HVP từ pháo trên tàu khu trục USS Dewey trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Tương lai lính bắn tỉa Nga dùng đạn bội siêu thanh
Ông Vladislav Lobaev, nhà đồng sáng lập Công ty sản xuất vũ khí Nga Lobaev Arms, hồi năm 2019 từng tuyên bố có thể sản xuất loại đạn súng trường đạt tốc độ Mach 5 trong năm 2020, theo chuyên san National Interest. Cụ thể, khi đó ông Lobaev tiết lộ: “Với một mức độ tài trợ nhất định từ chính phủ, chúng tôi có thể sản xuất đạn bắn tỉa bay với tốc độ 1.715 m/giây”.
Ông Lobaev nói với tốc độ trên Mach 5 sẽ “cho phép lính bắn tỉa bắn nhắm vào mục tiêu ở khoảng cách 1.000 m mà không cần bất kỳ điều chỉnh nào hay cân nhắc các yếu tố khác như hướng gió”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ý tưởng này không thực tế vì khi đó viên đạn sẽ gây ra tiếng ồn lớn hơn, độ giật cao và trọng lượng nặng hơn đạn thông thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.