Vụ IPO tỉ đô của hãng vắc xin Covid-19 gặp trở ngại

08/03/2021 23:18 GMT+7

Vaccitech, công ty phát triển vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, đang gặp trở ngại từ tổ chức mẹ trong thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có thể trị giá 1 tỉ USD.

Từ chỗ là một công ty khởi nghiệp ít tên tuổi, công ty chuyên về công nghệ sinh học Vaccitech đã trở nên nổi tiếng nhờ vai trò trong việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19 đang được AstraZeneca phân phối tại nhiều nước.

Vai chính trở thành kép phụ

Vaccitech do hai nhà khoa học Sarah Gilbert và Adrian Hill thuộc Đại học Oxford (Anh) đồng sáng lập vào năm 2016 và ĐH Oxford sở hữu 10% cổ phần. Theo nguồn tin thân cận của tờ The Wall Street Journal, Vaccitech đã bắt đầu tiếp cận những nhà đầu tư tiềm năng tại New York, đồng thời đặt nền móng cho việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường này sớm nhất là trong năm nay.
Các nhà đầu tư hiện đang nhắm đến việc định giá Vaccitech vào khoảng 700 triệu USD với hy vọng giá trị của công ty sau niêm yết sẽ lên đến 1 tỉ USD vào cuối năm nay. Theo nguồn tin, các công ty dược lớn như Gilead Sciences và quỹ đầu tư mạo hiểm Lilly Asia đã bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Vaccitech.
Tuy nhiên, Vaccitech đang gặp một số mâu thuẫn với ĐH Oxford trong việc tiếp cận hồ sơ về pháp lý và tài chính, những tài liệu quan trọng cho việc định giá công ty và để công khai minh bạch với các cơ quan quản lý.
Đầu năm 2020, ĐH Oxford ký hợp đồng cho phép Hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19 nhưng Vaccitech bị cho ra rìa trong quá trình đàm phán. AstraZeneca đã tuyên bố sẽ cung cấp 3 tỉ liều vắc xin phi lợi nhuận trong năm nay. Các bên liên quan như Vaccitech, ĐH Oxford hay Công ty OSI (một công ty khởi nghiệp khác thành lập từ ĐH Oxford) sẽ chỉ nhận phần trăm hoa lợi từ việc bán vắc xin sau 1 năm từ khi Covid-19 được tuyên bố không còn là đại dịch. Những người ủng hộ Vaccitech muốn làm rõ điều khoản thỏa thuận giữa ĐH Oxford và AstraZeneca.

Vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca được nhập về Việt Nam công hiệu ra sao?

Mặt khác, ĐH Oxford và Vaccitech cũng đang có một cuộc tranh chấp về vai trò của công ty trong công cuộc phát triển vắc xin. Vaccitech sáng chế ra công nghệ chủ chốt trong việc bào chế vắc xin ngừa Covid-19 của Oxford/AstraZeneca. Theo đó, họ sử dụng một loại vi rút cúm được biến đổi từ loài tinh tinh để đưa dữ liệu gien vào tế bào để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Quyền sở hữu trí tuệ của công nghệ này thuộc về Vaccitech.
Do đó, Vaccitech muốn tên tuổi của công ty này được đứng cùng với ĐH Oxford trong việc phát minh vắc xin, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình sản xuất để thử nghiệm lâm sàng và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý. Cả hai bên hiện cũng đang có bất đồng về nơi niêm yết cổ phiếu khi một số nhà đầu tư liên kết với Oxford ủng hộ niêm yết tại London, còn các nhà điều hành Vaccitech lại muốn được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York.

Tiềm năng lớn

Các lãnh đạo Vaccitech và nhà đầu tư cho biết việc phát triển thành công vắc xin Covid-19 đã cho thấy tiềm năng của công nghệ mà công ty sở hữu trong việc chống lại viêm gan B, ung thư tuyến tiền liệt và HPV, những căn bệnh toàn cầu với thị trường khổng lồ nếu phát triển được phương pháp điều trị hiệu quả. Các nhà khoa học của Vaccitech cho rằng công nghệ véc tơ vi rút được sử dụng trong vắc xin Covid-19 có thể là chìa khóa cho việc phát triển những vắc xin khác và có thể giúp công ty thu lợi lớn từ việc chuyển nhượng quyền sản xuất cho các hãng dược.
Nhiều công ty công nghệ sinh học khác đã “ăn nên làm ra” nhờ cuộc chạy đua tìm kiếm vắc xin Covid-19. Công ty CureVac của Đức đã huy động được 200 triệu USD trong đợt IPO vào tháng 8.2020, giúp tăng giá trị công ty lên 2 tỉ USD. Con số này giờ đã vượt qua mức 15 tỉ USD khi quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin đi vào giai đoạn cuối. Công ty Novavax (Mỹ) sau nhiều năm chật vật trong việc phát triển thành công một loại vắc xin có thể cạnh tranh trên thị trường, nay đã tăng giá trị mạnh mẽ nhờ việc vắc xin ngừa Covid-19 của công ty này chuẩn bị được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép.
Theo The Wall Street Journal, ĐH Oxford và OSI, với tổng cộng hơn 40% cổ phần trong Vaccitech, đã buộc Vaccitech nhường lại 50% quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19 để đạt được hợp đồng với AstraZeneca. Vaccitech sẽ nhận được 24% lợi nhuận từ việc bán vắc xin theo hợp đồng này.
Vaccitech được định giá một phần từ hợp đồng với AstraZeneca nhưng phần lớn là từ tiềm năng sử dụng công nghệ độc quyền để sản xuất vắc xin cho các loại bệnh khác. Những hướng phát triển này được cho là cần 3-4 năm để mang lại thành quả. The Wall Street Journal dẫn số liệu không được công bố cho thấy trước đây, các nhà đầu tư định giá Vaccitech ở mức 138 triệu USD nhưng nay tăng lên thành 250 triệu USD.

Kỷ nguyên "ngoại giao vắc xin" hé dạng, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ tích cực tận dụng

Mâu thuẫn giữa Vaccitech và ĐH Oxford bị cho là gây cản trở cho quá trình kêu gọi vốn phức tạp của công ty. Các nguồn tin của The Wall Street Journal cho rằng kế hoạch IPO của công ty đang bất định và có thể bị đổ bể.
 

ĐH Oxford đã hỗ trợ hơn 200 công ty khởi nghiệp kể từ cuối những năm 1980 thông qua mô hình spin-off. Theo đó, ĐH góp vốn đầu tư, nhân lực để thành lập công ty mới với mục tiêu thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kết quả thu được của ĐH Oxford bị cho là chưa thể cạnh tranh với các viện đại học của Mỹ như Viện Công nghệ Massachusetts hay Đại học Stanford. Vào năm 2015, Oxford thành lập OSI và huy động được 800 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài. ĐH Oxford sở hữu 5% cổ phần OSI và cài điều khoản mua 50% cổ phần công ty. Tuy nhiên về sau này, ĐH Oxford đã giảm con số mong muốn xuống còn khoảng 28% và dự tính giảm thêm cổ phần trong các dự án khởi nghiệp tương lai nhằm thu hút thêm nhà sáng lập và đầu tư từ bên ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.