Vụ đánh bom khủng bố London: Người bị cảnh sát bắn chết hoàn toàn vô tội

25/07/2005 00:49 GMT+7

Cảnh sát xuất hiện khắp nơi, những dải băng trắng phong tỏa các khu vực cấm giăng đầy thành phố, camera an ninh tại các địa điểm công cộng hoạt động tối đa... Đó chính là quang cảnh tại London trong mấy tuần nay. Việc cảnh sát Anh xác nhận người bị bắn hôm 22/7 tại nhà ga Stockwell là một người Brazil (tên là J.de Menezes) vô tội đã làm cho bầu không khí "khủng bố" tại London càng trở nên ngột ngạt.

Cú sốc nặng nề

Đối với cộng đồng Hồi giáo 1,6 triệu người sinh sống tại Anh, cái chết của J.de Menezes thật sự là cú sốc nặng nề. Người đứng đầu Hiệp hội Hồi giáo tại Anh, ông A.Tamini  cho biết: "Thật là đáng sợ, lúc này mọi người đều ái ngại khi phải ra đường, lên tàu điện ngầm hay mang vật gì đó trên tay". Mặc dù kể từ sau vụ khủng bố 11/9, Chính phủ Anh ban hành lệnh cho phép cảnh sát London được phép bắn chết tại chỗ nghi can khủng bố như một biện pháp để bảo vệ cộng đồng, nhưng vụ việc vừa qua thật sự là cú sốc cho tất cả mọi người. "Tình huống này thật là kinh khủng" - cựu Tư lệnh cảnh sát J.O'Connor đã nói như vậy và cho rằng hậu quả của nó cũng nghiêm trọng không kém.
Ông A.Tamini nói rằng, cảnh sát cần xem xét lại các biện pháp tác nghiệp của họ. Thị trưởng London K.Livingstone thì cho rằng: "Cảnh sát làm những điều họ cho là cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân". Về vụ việc này, Chính phủ Brazil rất phẫn nộ khi nhận được hung tin: "Chúng tôi mong muốn nhận được lời giải thích rõ ràng từ giới chức Anh về tình huống dẫn đến thảm kịch này". Ngoại trưởng Brazil C.Amorim đã lên đường đi London để yêu cầu lời giải thích từ người đồng nhiệm của Anh J.Straw.

An ninh - bài toán nan giải

Vấn đề đảm bảo an ninh cho người đi phương tiện giao thông công cộng đang là bài toán nan giải cho cảnh sát Anh. Làm thế nào để 680 cảnh sát tuần tra hệ thống tàu điện ngầm có thể đảm bảo an ninh mà không làm mất thời gian của 3 triệu lượt khách lên xuống 275 ga điện ngầm mỗi ngày? Làm thế nào để 1.200 cảnh sát ở toàn thủ đô đảm bảo 8 ngàn xe buýt mỗi ngày vẫn chở 6,3 triệu người lưu thông trong nội thành mà không bị khủng bố? Việc áp dụng một hệ thống kiểm tra an ninh như tại sân bay xem ra không thích hợp. Bởi khó mà thực hiện được việc cho toàn bộ hành khách và hành lý qua các máy kiểm tra. Bộ Nội vụ Anh cho rằng chỉ có thể hoặc tăng cường kiểm tra an ninh hoặc tạo mọi điều kiện để hành khách có thể tự giải thoát một cách nhanh nhất. Trong khi đó, cảnh sát đã bắt giữ thêm 2 người bị tình nghi liên quan đến vụ đặt bom 21/7 và phát hiện một chiếc túi giấu trong bụi rậm ở Little Wormwood, trong đó đựng các thiết bị có thể đã được sử dụng trong vụ đặt bom. Tờ News of the World treo giải thưởng 100.000 bảng cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt được thủ phạm.

5 phát đạn oan nghiệt của cảnh sát Anh

Cảnh sát Anh hôm 23/7 khẳng định Jean Charles de Menezes hoàn toàn không dính dáng gì tới các vụ đánh bom tại London. Anh là người  Brazil, 27 tuổi, hành nghề thợ điện hợp pháp tại khu Brixton ở London suốt 3 năm nay. Vào ngày 22/7, Menezes rời khu chung cư tại Tulse Hill, khu vực đang bị cảnh sát theo dõi trong chiến dịch điều tra thủ phạm thực hiện các vụ đánh bom ngày 21/7. Khi đến ga tàu điện ngầm Stockwell và thấy cảnh sát cầm súng tiến đến phía mình, Menezes đã bỏ chạy lên tàu. "Cách ăn mặc và bộ dạng khả nghi của người này làm cho cảnh sát thêm nghi ngờ", thông cáo của nhà chức trách giải thích.

Nhân chứng M.Whitby kể lại: "Tôi đang ngồi trên tàu thì nghe nhiều tiếng thét, rồi một gã đàn ông chạy lên. Phía sau, ba người rượt theo, trong đó một người cầm súng ngắn. Khi người bị đuổi vấp ngã, hai gã phía sau chồm lên người anh ta, gã thứ ba bóp cò. Tôi nghe năm tiếng súng nổ". Cảnh sát sau đó nói rằng sở dĩ họ nổ súng vì Menezes không tuân theo hiệu lệnh của họ. Phóng viên T.Gibb của BBC tại Brazil thì cho biết, Menezes sinh trưởng tại một khu ổ chuột ở Sao Paulo, nơi nạn bắn giết xảy ra như cơm bữa nên việc anh bỏ chạy khi thấy cảnh sát lăm lăm súng trong tay là điều dễ hiểu. Bạn bè của nạn nhân kể, đêm trước khi bị bắn, Menezes có đi hỏi mua một chiếc mô-tô để đi làm vì sợ bị khủng bố khi đi tàu, xe buýt. Trong cơn đau buồn, người thân của nạn nhân tố cáo rằng, "cái chết của Menezes xuất phát từ sự bất lực của cảnh sát".

Một ngàn lời giải thích cũng không cứu sống được Menezes và pha bắn nhầm này đã để lại một bài học lớn. Sau những thảm họa tại London, hội chứng "nhìn đâu cũng thấy thủ phạm" không ngừng lan tỏa trong dân chúng cũng như giới thực thi pháp luật. Vì áp lực phải tìm ra thủ phạm, vì trách nhiệm bảo vệ người dân, cảnh sát đã ra tay trước khi kịp phân tích vấn đề. Chính sách "shoot to kill" (bắn chết ngay lập tức - cho phép bắn thẳng vào đầu những nghi phạm đánh bom) của cảnh sát Anh một mặt cho thấy sự quyết đoán của người thực thi pháp luật, mặt khác, nó phản ánh sự bối rối của họ. Menezes phải chết đơn giản vì anh mặc chiếc áo quá rộng và vì đã bỏ chạy khi gặp cảnh sát, thế là trong danh sách những nạn nhân của khủng bố lại có thêm một người.

K.O - C.M.L
(BBC, CNN)

Uyên Phi
(BBC, Nytimes)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.