Vụ bê bối 2018 đe dọa nỗ lực phát triển vắc xin Covid-19 ở Trung Quốc

04/04/2020 10:40 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo người dân hoài nghi về chất lượng vắc xin sau vụ bê bối năm 2018 sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực phát triển vắc xin phòng Covid-19 ở Trung Quốc , kéo dài sự lây lan của căn bệnh này.

Một nhóm các nhà khoa học ở Mỹ phân tích nội dung tranh luận về tiêm chủng trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo vào năm 2018. Khi đó, cuộc điều tra của chính phủ phát hiện công ty công nghệ sinh học hàng đầu Trường Sinh tại thành phố Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm), dùng những hoạt chất hết hạn sử dụng để sản xuất vắc xin phòng bệnh dại.
Công ty này còn bị phạt 1,3 tỉ USD hồi tháng 10.2019 vì làm khống hồ sơ, dữ liệu liên quan đến sản xuất vắc xin.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Vaccine, nhóm chuyên gia Mỹ cho biết họ đã phân tích hơn 11.000 bình luận trên Weibo và phát hiện người dân Trung Quốc giảm niềm tin, trở nên lo ngại về tác hại của vắc xin do các công ty của nước này sản xuất kể từ vụ bê bối năm 2018.
“Một năm sau vụ bê bối, tranh luận về vắc xin trên Webio giảm bớt, nhưng nhiều người bày tỏ lo ngại về tác hại từ tất cả các loại vắc xin, chứ không riêng gì sản phẩm của công ty Trường Sinh”, tác giả nghiên cứu David Broniatowski, chuyên gia tại Đại học George Washington, nói.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần một vụ bê bối an toàn vắc xin duy nhất có thể tác động lớn đến nhận thức cộng đồng về tiêm chủng.

[VIDEO] Bộ xét nghiệm Covid-19, khẩu trang từ Trung Quốc có chất lượng "không đáng tin cậy"

Sự bức xúc dẫn đến mất niềm tin thể hiện rõ trên mạng xã hội Weibo sau khi các thanh tra viên hồi tháng 7.2018 xác định công ty Trường Sinh đã vi phạm các quy định và tiêu chuẩn quốc gia khi sản xuất 250.000 liều vắc xin phòng bệnh dại. Sau đó, nữ chủ tịch và 14 nhân viên của công ty Trường Sinh đã bị bắt giữ. Bên cạnh đó, hơn 10 quan chức cấp trung ương, tỉnh và thành phố đã bị cách chức, trong đó có 4 người thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc.
Trung Quốc đang chạy đua phát triển hàng loạt vắc xin phòng Covid-19. Điều này có thể làm dấy lên làn sóng tranh luận và mối lo ngại về chất lượng vắc xin.
“Covid-19 không tồn tại vào thời điểm phân tích các tranh luận trên Weibo. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo khả năng khi Trung Quốc ra mắt vắc xin mới phòng Covid-19 thì nó sẽ không được sử dụng nhanh chóng hoặc rộng rãi do người dân mất niềm tin".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định từ chối tiêm vắc xin là một trong 10 thách thức hàng đầu năm 2019.
“Niềm tin của công chúng là rất quan trọng. Nếu mọi người không muốn tiêm vắc xin, và tệ hơn là nếu họ tin rằng vắc xin gây hại hoặc không hiệu quả thì họ sẽ tìm cách trì hoãn hoặc từ chối. Vắc xin được chứng minh an toàn và hiệu quả nhất cũng trở nên vô dụng nếu mọi người từ chối dùng”, theo ông Broniatowski.

[VIDEO] Phát hiện các kháng thể "hiệu quả" để phòng chống Covid-19 tại Trung Quốc

Kể từ khi bùng phát từ Trung Quốc đại lục cuối năm ngoái, đại dịch Covid-19 đến nay lây nhiễm cho hơn 1 triệu người trên thế giới và làm chết hơn 58.000 người. Hiện chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.