Việt Nam trong cuộc đời Muhammad Ali

05/06/2016 14:53 GMT+7

“Chiến thắng lớn nhất của ông ấy không phải trên võ đài, mà là ở tòa án của chúng ta khi ông ấy chiến đấu cho niềm tin của mình”, cựu tổng chưởng lý Mỹ Eric Holden nói về tay đấm huyền thoại Muhammad Ali.

Võ sĩ quyền Anh nổi tiếng nhất thế giới Muhammad Ali đã qua đời hôm 4.6 tại bang Arizona, Mỹ. Cái chết của ông, một vận động viên có tầm ảnh hưởng lớn vượt ngoài thể thao đơn thuần, đã tạo nên sự tiếc nuối cho nhiều người, trong đó không ít những chính trị gia.

Cuộc đời của Muhammad Ali là một câu chuyện dài của niềm tin, trong đó nổi bật nhất phải là lần ông phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, báo The Atlantic (Mỹ) nhận xét trong bài viết ngày 5.6.

Ngày 9.3.1966, trong lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang cao trào, tình trạng chế độ quân dịch của Muhammad Ali đã được xem xét đủ điều kiện chiến đấu ở Việt Nam. Tuy nhiên ông Ali nói rằng ở tư cách một người Hồi giáo da màu, ông từ chối gia nhập quân đội vì không muốn phản bội lương tâm.

“Lương tâm tôi sẽ không cho phép mình đi bắn người anh em của mình, hoặc những người tôi mù mờ về họ, hay những người nghèo đói sa lầy trong một nước Mỹ lớn mạnh. Và bắn họ để làm gì? Họ không hề gọi tôi là mọi rợ, không hành quyết tôi, họ không thóa mạ tôi, họ không cưỡng đoạt quốc tịch của tôi, không hãm hiếp hay giết hại cha mẹ tôi... Bắn họ để được gì? Làm thế nào tôi có thể bắn người nghèo khó? Hãy đưa tôi vào tù đi”, The Atlantic dẫn lại điều ông Ali nói vào thời điểm đó.

Muhammad Ali cũng là một biểu tượng của làn sóng phản đối chiến tranh trên khắp nước Mỹ Reuters

Vì nhất quyết không chịu cầm súng sang Việt Nam, ông Ali đã gặp rắc rối với chính quyền và bị tước giấy phép quyền Anh ở Mỹ trong 3 năm từ năm 1967. Tuy nhiên, tay đấm này không hề nuối tiếc. Ông từng nói: “Tôi muốn nói với cả báo chí và những người nghĩ rằng tôi dại dột khi không làm việc này (tham gia chiến tranh ở Việt Nam), tôi muốn nói rằng tôi không hề mất điều gì cả cho đến ngay lúc này, tôi không mất gì cả. Tôi đã đạt được rất nhiều thứ. Đầu tiên, tôi có sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi có sự thanh thản trong trái tim”.

Rất nhiều ý kiến tranh cãi đã bủa vây Muhammad Ali sau sự kiện trên. Bên cạnh những lời lẽ chỉ trích vì không phục vụ nước Mỹ, ông Ali đồng thời trở thành một diễn giả nổi bật tại các trường đại học khắp đất nước này, đại diện cho một bộ phận chống chiến tranh đông đảo và dùng lý lẽ thuyết phục để khiến những người buộc ông cầm súng phải im lặng, The Atlantic cho biết.

Trong giai đoạn bị đình chỉ thi đấu, Ali đã là một tay đấm xuất sắc. Huấn luyện viên của Ali, ông Angelo Dundee nói rằng Ali đã phải trả giá cho niềm tin của mình bằng những năm tháng tốt đẹp nhất sự nghiệp, vì trước đó ở độ tuổi 25, gần như không một ai có cơ hội hạ gục tay đấm này.

Trong một phát biểu hôm 4.6 về cái chết của Muhammad Ali, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc lại sự đánh đổi giữa niềm tin của Ali và những gì ông đối diện trong việc từ chối tham chiến ở Việt Nam.

Tổng thống Obama nói: “Điều đó sẽ giúp ông có thêm kẻ thù từ dư luận trái phải, khiến ông bị chửi rủa, và đưa ông vào tù. Nhưng Ali vẫn đứng vững. Chiến thắng của ông ấy đã giúp chúng ta dần quen với một nước Mỹ mà chúng ta nhìn nhận ngày hôm nay”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.