Việt Nam tại HĐBA: Ưu tiên số 1 cho vấn đề Myanmar là chấm dứt bạo lực

Vũ Hân
Vũ Hân
02/04/2021 20:06 GMT+7

Việt Nam lần thứ 2 trở thành Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng 4 này. Tháng Chủ tịch của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức an ninh nổi lên, đặc biệt vấn đề Myanmar.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam sẽ chủ trì một cuộc tranh luận mở

Theo tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ngày 1.4 (giờ New York, Mỹ), Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4.2021.
Đây là lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020 - 2021.
Trong buổi sáng, Hội đồng Bảo an đã thông qua chương trình làm việc tháng 4 do Việt Nam đề xuất.
Theo đó, dự kiến Hội đồng sẽ có 15 cuộc họp công khai, 10 cuộc họp kín, thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế như tình hình Trung Đông, Syria, Libya, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Colombia, Kosovo.
Các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng.
Chiều cùng ngày, nhằm thực hiện cam kết minh bạch hoá và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc trong khi thực hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã giới thiệu chương trình làm việc đến các nước thành viên ngoài Hội đồng Bảo an.
Các nước gửi lời chúc mừng Việt Nam chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4.2021, cảm ơn quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.
Tại cuộc họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cho biết trong tháng Chủ tịch của mình, Việt Nam sẽ tổ chức tối đa số cuộc thảo luận mở với 5 cuộc.
Ngoài thảo luận mở thường kỳ về vấn đề Trung Đông, trong đó có vấn đề Israel và Palestine, sẽ có 4 cuộc “thương hiệu” của Việt Nam.
Cuộc thảo luận mở ngày 8.4 sẽ chủ trì bởi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Cuộc ngày 19.4 về tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khu vực để tăng cường đối thoại trong phòng ngừa xung đột, chủ trì bởi Chủ tịch nước.
Đặc biệt, cuộc thảo luận mở cuối cùng trong tháng, diễn ra ngày 28.4, sẽ được chủ trì bởi Bộ trưởng Ngoại giao mới, theo Đại sứ Đặng Đình Quý.

Ưu tiên số 1 là chấm dứt bạo lực tại Myanmar

Tại cuộc họp báo, Đại sứ Đặng Đình Quý đã nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên quốc tế liên quan đến vấn đề Myanmar, bởi Việt Nam là nước ASEAN duy nhất trong Hội đồng Bảo an hiện nay và là quốc gia ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực.
Trả lời các câu hỏi về việc này, Đại sứ Quý cho biết, sẽ có một sự kiện diễn ra vào ngày 9.4 để các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
“Chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình Myanmar vì đó là một thành viên của gia đình ASEAN. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của Myanmar, mà còn ảnh hưởng tới ổn định và thịnh vượng của khu vực ASEAN.
Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại đây, về việc gia tăng bạo lực, đặc biệt là sự việc hôm 27.3 khiến hơn 200 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi phản đối việc sử dụng bạo lực chống lại thường dân và kêu gọi các bên cùng ngồi lại đàm phán để chấm dứt bạo lực và tìm ra các giải pháp hòa bình cho vấn đề”, Đại sứ Đặng Đình Quý nói.
Theo ông Quý, Việt Nam cũng chào đón sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, đặc biệt của Liên Hiệp Quốc; chào đón sự hợp tác giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc trong việc chấm dứt bạo lực, tạo ra không gian cho đối thoại…
Trả lời câu hỏi Việt Nam có ủng hộ việc Liên Hiệp Quốc trừng phạt Myanmar hay không, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam không ủng hộ trừng phạt đa phương, nhưng với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an và thành viên Liên Hiệp Quốc, Việt Nam tôn trọng những quyết định được Ban thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra, “miễn là nó hiệu quả và không làm gia tăng các tác động tiêu cực lên đời sống của người dân và tình huống nhân đạo ở quốc gia liên quan”.
“Nhiệm vụ số 1 của Hội đồng Bảo an và của Liên Hiệp Quốc là cứu giúp mọi người, và ưu tiên số 1 hiện nay là chấm dứt bạo lực. Chúng tôi ủng hộ những biện pháp làm giảm căng thẳng và tạo ra điều kiện thuận lợi cho đàm phán giữa các bên”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.