Việt Nam nêu sáng kiến kết nối tại Hội nghị G20

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/06/2019 07:41 GMT+7

Ngày 28.6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Ngay sau lễ đón chính thức các trưởng đoàn, hội nghị họp phiên toàn thể chuyên đề về kinh tế số do Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe chủ trì và tiếp tục phiên họp về đổi mới sáng tạo vào chiều cùng ngày. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Công nghệ vì con người

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Chính phủ sẽ ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm. Hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Abe về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu. Trong đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và luật quốc gia. Đánh giá cao cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm, Thủ tướng nhấn mạnh: “Sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và cần phải gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp”.
Việt Nam nêu sáng kiến kết nối tại Hội nghị G20

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Thủ tướng nêu sáng kiến thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo với trọng tâm là các trung tâm nghiên cứu - phát triển AI nhằm thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ cơ hội từ đổi mới sáng tạo và AI, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau cũng như thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Hàng loạt cuộc gặp quan trọng

Sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và cần phải gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với một số lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế. Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác song phương, trong đó có thương mại, năng lượng. Tổng thống Trump khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị 2 nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên khẳng định cam kết thúc đẩy các thỏa thuận đã đạt được và nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, tiếp tục tăng cường, đưa vào chiều sâu quan hệ song phương.
Cùng ngày, trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker nhấn mạnh ngày 30.6 sẽ đi vào lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Ông đánh giá cao những cam kết và nỗ lực thực thi của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, bao gồm hợp tác hiệu quả với EU; mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định quan trọng trong năm nay.
Cũng trong ngày 28.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ, đối thoại với 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh các yếu tố như xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh cùng các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh... là điều kiện quan trọng để nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, để sớm đưa Nhật trở lại quốc gia số 1 về đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.