Việt Nam đề xuất nội dung xây dựng châu Á hậu đại dịch

Vũ Hân
Vũ Hân
21/05/2021 06:48 GMT+7

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 20.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến.

Đây là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu ở châu Á do Hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức thường niên với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh mới; các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh Covid-19; các thách thức truyền thống và phi truyền thống mà châu Á đang phải đối mặt, và các giải pháp kiến tạo kỷ nguyên mới sau đại dịch nhằm bảo đảm xu thế chủ đạo là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của châu lục.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, với việc đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch. Thủ tướng nhấn mạnh, hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt, giải pháp đặc biệt; và châu Á cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai, cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.
Với quan điểm đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và cùng chung tay. Năm phương châm bao gồm: phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm; lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng; lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên. Sáu nội dung hợp tác bao gồm: phát triển hạ tầng; thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững; tăng cường phối hợp xử lý đại dịch Covid-19; bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định...
Thủ tướng cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, các nước cần đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Các tranh chấp và bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông cần được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm đạt hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.